VNCA - Trong vài năm trở lại đây, có nhiều cuốn sách được xuất bản bằng hình thức gây quỹ cộng đồng. Trước hết, phải thừa nhận, đây là hình thức xuất bản mới, giúp cho nhiều tác giả đến được gần với bạn đọc. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, phương thức xuất bản này cũng đang hé lộ những băn khoăn mà cộng đồng cần tỉnh táo, tránh sự a dua chạy theo phong trào.
Một xu hướng xuất bản
Gây quỹ cộng đồng hay Gọi vốn cộng đồng (tiếng Anh là Crowdfunding) với thế giới là không mới. Nhiều người đã biết những trang gây quỹ “đình đám” như: indiegogo.com, kickstarter.com, ig9.com… Năm 1997, người hâm mộ của ban nhạc rock Marillon (Mỹ) đã phát động một chiến dịch quyên góp qua Internet để tài trợ cho chuyến lưu diễn của thần tượng. Kết quả là 60.000 USD đã được đóng góp. Sau này, ban nhạc đã tiếp tục sử dụng mô hình này để cho việc phát hành các album mới. Theo số liệu thống kê từ Massolution - một công ty chuyên nghiên cứu thị trường, chỉ trong năm 2013, số tiền gây quỹ từ các trang trực tuyến trên thế giới là 5,1 tỷ USD.
Tuy vậy, trong vài năm trở lại đây, Crowdfunding đã bắt đầu xâm nhập vào Việt Nam, giúp cho nhiều cuốn sách được xuất bản, nhiều tác giả trẻ được biết đến. Tùy từng dự án, bạn đọc có thể tham gia đóng góp từ 50.000 đồng cho đến 5 triệu đồng. Nếu việc gây quỹ thành công, độc giả ủng hộ sẽ nhận được cuốn sách với chữ ký của các tác giả cùng với quà tặng như books mark, móc treo chìa khóa, áo, lịch… Hiện ở Việt Nam, trên mạng đang có 2 trang gây quỹ là betado và comicola. Trong đó comicola chuyên xuất bản truyện tranh, còn betado kêu gọi cộng đồng ủng hộ xuất bản sách hoặc các ấn phẩm văn hóa như album ca nhạc, dự án bảo tồn di sản...
Có thể coi dự án đầu tiên được nhiều người biết đến đó là gây quỹ để xuất bản “Long Thần Tướng” (tập 1). Sau 2 tháng “gọi vốn” ê-kíp thực hiện đã nhận được sự ủng hộ của hơn 700 người, với tổng số tiền là 300 triệu đồng. Sự thành công bất ngờ của dự án đã mở ra một hướng đi mới trong lĩnh vực xuất bản vốn có nhiều nốt trầm ở Việt Nam, thậm chí, từ dự án này đã tạo ra tiếng vang lớn cho ngành xuất bản truyện tranh Việt Nam. Mới đây đại diện của nhóm đã sang Nhật Bản nhận bạc của International MANGA Award - Giải Truyện tranh quốc tế lần thứ 9 do Nhật Bản tổ chức.
Sau đó, người ta còn chứng kiến nhiều cuốn sách đã được xuất bản thông qua hình thức này như: “Humans of Hanoi - Bước vào thế giới của nhau” (sách ảnh), “Mật ngọt chết mèo” (truyện tranh), “Art Book” (sách tranh của Tuyệt Đỉnh Sinh Vật), “Project Icon”, “Nhóm máu O” (truyện tranh), “Sổ tay giáo dục gia đình” (sách kỹ năng cho các bậc cha mẹ), “Thành Kỳ Ý”, Truyện cực ngắn của Đào Quang Huy... Mỗi dự án được đưa ra trong khoảng thời gian nhất định, có thể kéo dài trong vòng 1 tháng hoặc hơn, nếu số người ủng hộ tiền mặt đạt được mục tiêu thì cuốn sách sẽ được xuất bản đến tay độc giả. Nếu không đạt được mục tiêu thì cuốn sách sẽ bị dừng lại và tiền sẽ được trả lại cho người đã ủng hộ. Thời gian qua, cuốn sách gây quỹ nhanh nhất là “Sổ tay giáo dục gia đình”, nhận 100 triệu chỉ sau 4 ngày phát động.
Cách đây ít lâu, tác giả trẻ Đỗ Nhật Phi cũng lên mạng xã hội để kêu gọi sự chung tay xuất bản sách của mình. Theo đó, Nhật Phi muốn “vay tiền, trả bằng sách”. Cụ thể, anh mong muốn hơn 1.200 người bạn trên mạng xã hội mà anh có được sẽ cùng ủng hộ dự án xuất bản cuốn tiểu thuyết mới với tên tạm đặt là “Thị trấn mùa đông” của mình. Đây là một tiểu thuyết kỳ ảo, một câu chuyện có chút tình yêu, có chút đấu tranh vì hòa bình. Trả lời trên báo chí, Nhật Phi cho rằng: “Tôi sẽ không cố gắng để người ta phải dồn tiền cho mình. Nếu họ cảm thấy tin được tôi thì họ sẽ đặt sách thôi. Nhật Phi không thấy mình liều, miễn là còn ngồi gõ máy được thì sẽ viết xong”.
Đề phòng sự trục lợi
Nhìn lại các dự án kêu gọi cộng đồng, đa số đến lúc nà đều “rủng rỉnh”, tức là vượt xa con số dự kiến ban đầu, có cuốn vượt 138% như "Truyện cực ngắn" của Đào Quang Huy, thậm chí có dự án còn vượt hơn 150%.
Tuy nhiên, bên cạnh sự hanh thông, dư luận thời gian qua hình thức xuất bản này cũng đã gợi ra những thách thức mới. Cũng đã có những dự án thất bại như việc gọi vốn xuất bản tập 2 của cuốn truyện tranh “Nhóm máu O” chẳng hạn. Khi tập 2 được đưa ra kêu gọi gây quỹ ủng hộ thì chỉ thu về được 57% và phải hoàn trả lại tiền độc giả. Hay như dự án kêu gọi góp vốn xuất bản cuốn giáo trình vẽ truyện tranh “Tôi vẽ 2015” cũng chỉ thu được hơn 10 triệu đồng đóng góp (tương đương 13%).
Mới đây dư luận đã xôn xao về cuốn “Xứ Đông Dương” (nguyên tác tiếng Pháp: L'Indo - Chine fran#aise: Souvenirs) của vị toàn quyền người Pháp Paul Doumer được Alpha Books và VICC (Trung tâm Hợp tác trí tuệ Việt Nam) phối hợp với NXB Thế giới ấn hành. Bản dịch có sự tham gia của 5 dịch giả: Lưu Đình Tuân, Hiệu Constant, Lê Đình Chi, Hoàng Long, Vũ Thúy. Tuy nhiên, ngay sau khi sách ra mắt đã bị phát hiện nhiều lỗi “sai kinh hoàng”, dẫn tới nhóm làm sách phải đăng đàn xin lỗi độc giả. Cần nhắc lại, đây cũng là một cuốn sách ra đời từ hình thức kêu gọi cộng đồng “mua sách trước khi xuất bản”. Cụ thể, vào tháng tháng 10-2015, Công ty Alpha Books kêu gọi cộng đồng độc giả tham gia một hình thức “bán cuốn sách trước khi in trong vòng hơn hai tháng". Theo đó, những người yêu sách tham gia một hình thức mua sách mới: chuyển trước tiền vào tài khoản ngân hàng để đăng ký mua sách với giá 200.000 đồng/cuốn nếu mua một cuốn, 175.000 đồng/cuốn nếu mua 2-5 cuốn và 150.000 đồng/cuốn nếu mua 6-10 cuốn. Thậm chí nếu muốn, tên của những người sở hữu cuốn sách còn được in ở cuối cuốn sách.
Tuy vậy, việc để xảy ra những sai sót trong ấn bản tiếng Việt đã khiến nhóm làm sách “Xứ Đông Dương” phải thông báo “dừng phát hành bản in hiện tại và đổi lại bản tái bản cho tất cả độc giả đã đóng góp tiền xuất bản cuốn sách cũng như đã mua cuốn sách”. Tuy vậy, ngay sau đó, độc giả vẫn thấy cuốn sách xuất hiện trên thị trường, thậm chí còn lọt top 5 cuốn sách bán chạy nhất tại Phố sách Xuân Bính Thân. Té ra, không có sự “dừng phát hành” nào cả, chỉ thấy cuối sách có gắn thêm tờ “Đính chính” bé con con. Từ sự việc này, người ta không khỏi băn khoăn về một hình thức xuất bản mới ở Việt Nam, dựa trên việc gây quỹ cộng đồng. Bên cạnh đó, những trục trặc trong khâu nhận tiền, gửi sách (nhầm lẫn, chậm trễ)… khiến nhiều độc giả góp vốn phàn nàn, dần dần nếu không được cải thiện sẽ đánh mất niềm tin, đánh mất sự hào hứng chung tay đóng góp.
Một số chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản cũng cảnh báo: Không phải tác phẩm đưa ra gọi vốn nào cũng hay, xứng đáng. Bắt đầu xuất hiện sự trục lợi niềm tin ở cộng đồng. Bởi nhiều dự án kêu gọi với những tác phẩm rất cá nhân, và thiếu hấp dẫn. Chính điều này, đã có những đơn vị xuất bản phát hành dù hợp tác nhưng lại từ chối xuất hiện logo để tránh bị… ảnh hưởng.
Thiếu cơ chế để kiểm soát, điều chỉnh cũng chính là trở ngại lớn nhất của gây quỹ cộng đồng tại Việt Nam. Công chúng có quyền đặt câu hỏi: "Điều gì sẽ xảy ra nếu người gây quỹ không thực hiện cam kết, hay làm cho có để hợp pháp hóa cam kết?". Sáng tác là lĩnh vực mang nặng tính cá nhân, tác giả có thể hứa hẹn nhưng nếu tác phẩm không có chất lượng như lời hứa thì cũng không thể làm gì về mặt pháp lý được. Tuy rằng đã có một số tác phẩm thành công nhờ gây quỹ và là một xu hướng mới của xuất bản thời hiện đại, nhưng rõ ràng, cần có sự tỉnh táo trong việc tham gia vào các dự án gọi vốn cộng đồng. Những người yêu sách cũng cần phải cân nhắc trước khi góp vốn, dù chỉ dăm chục hay vài trăm ngàn. Bởi nếu không tỉnh táo, nếu góp vốn theo kiểu a dua, phong trào thì dẫn tới rất nhiều cuốn sách kém chất lượng, thậm chí là “thảm họa” vẫn có thể được xuất bản. Như thế, không chỉ tiền mất, mà còn khiến cho đời sống văn hóa có thêm những sản phẩm kém chất lượng, thậm chí sao chép, phản cảm…
Crowdfunding, hiểu ngắn gọn, đây là hình thức trong đó cá nhân hoặc một tổ chức “rao bán trước” một sản phẩm hoặc dịch vụ sắp được triển khai mà không phát sinh nợ hoặc hy sinh vốn chủ sở hữu hay cổ phần. Hình thức này được sử dụng rộng rãi từ làm phim, phát triển phần mềm miễn phí, sáng chế, nghiên cứu khoa học hay các dự án âm nhạc, phim ảnh... không trừ một lĩnh vực nào, miễn là dự án có tính khả thi và được cộng đồng đón nhận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét