Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2016

Cảnh giác với người ứng cử ĐBQH 'tự dưng về địa phương làm từ thiện'

Minh Hòa/VOV.VN

“Cả năm, cả đời anh không về thôn đó xóm đó, tự dưng anh lại về làm động tác như tặng quà, làm từ thiện... Những hành động tương tự như thế, MTTQ các đoàn thể sẽ giám sát rất chặt chẽ”

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có được vận động bầu cử qua mạng xã hội, ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, hiện nay trong luật không có quy định nào cấm việc này. Nhưng luật chỉ quy định hai hình thức vận động bầu cử chính thức. Thứ nhất là vận động qua hội nghị cử tri do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phối hợp UBND các cấp tổ chức. Tại đó những người giới thiệu ứng cử sẽ trình bày chương trình hành động của mình, sau đó cử tri phát biểu, chất vấn, đại biểu sẽ có những lời hứa tại đó.

Hình thức thứ hai là qua các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu tại địa phương đó như đài truyền hình tỉnh, báo tỉnh hướng tới bạn đọc, khán giả là người bỏ phiếu cho người ứng cử.

Công bằng giữa người  ứng cử ở Trung ương và địa phương

Với hình thức vận động qua hội nghị tiếp xúc cử tri, mỗi người ứng cử được dành thời lượng trình bày chương trình vận động bầu cử tương đương nhau; người ứng cử không được hứa những thứ không thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình hoặc không thể làm được, không được dụ dỗ, cưỡng ép, mua chuộc cử tri…

“Việc vận động bầu cử qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng phải bảo đảm sự bình đẳng, công bằng giữa những người ứng cử. Không có câu chuyện ai hơn ai trong vận động bầu cử”- ông Pha nói.

Ông Pha kể lại chuyện ông ông ứng cử 2 khóa ĐBQH tại Quảng Bình, Nam Định. Trong quá trình vận động bầu cử, những người ứng cử được báo, đài mời đến và mỗi người có một bản chương trình hành động tóm tắt gần như bằng nhau. “Ví dụ 200 chữ là 200 chữ, 5 người như nhau, có tăng giảm một chút chứ không được nhiều hơn, ít hơn. Ảnh kích cỡ cũng như nhau, màu như nhau. Khi anh nói trước truyền hình cũng nói đúng 2 phút, không nói hơn, rất công bằng. Tôi trải qua hai nhiệm kỳ đều như thế và các địa phương cũng làm như thế thôi. Không có chuyện ai hơn ai ở đây cả”- ông Pha chia sẻ.

Ông Pha cho biết, có thể trong cùng đơn vị bầu cử sẽ trùng giữa người ứng cử ĐBQH và Đại biểu HĐND cấp tỉnh, nếu không cẩn thận sẽ có trường hợp ưu tiên người ứng cử ĐBQH được nói nhiều hơn. Người ứng cử đại biểu HĐND có thể là lãnh đạo tỉnh, cũng có thể là ông xã viên sản xuất giỏi ở tận dưới thôn.

“Cả Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Mặt trận về đó thì sao? Nếu thế thì ông xã viên sẽ rất yếu thế so với những người còn lại. Nhưng theo luật, ông xã viên cũng ngang bằng, bình đẳng như ông Bộ trưởng, cũng được nói thời gian như nhau. Khi đưa lên truyền hình cũng như vậy, phải bình đẳng chứ không ưu tiên Trung ương hay cấp tỉnh rồi coi nhẹ cấp địa phương. Tuy nhiên trong thực tế có những người tự đánh mất quyền của mình, nhiều người ứng cử thấy mình ngợp chìm quá lên nói thiếu tự tin khiến cử tri không được hài lòng”- ông Pha nói.

Không dùng tiền bạc để dụ dỗ, mua chuộc cử tri

Ông Pha cũng chia sẻ, dù luật không quy định nhưng kinh nghiệm của Đà Nẵng trong nhiệm kỳ khóa XIII cũng cần khuyến khích. Đó là yêu cầu những người ứng cử ĐBQH sau khi trúng cử phải nộp chương trình vận động bầu cử để theo dõi cả nhiệm kỳ có thực hiện hay không. “Nếu làm được thì rất đáng hoan nghênh vì xác định được ý thức trách nhiệm của đại biểu, tăng quyền của MTTQ thay mặt cử tri và nhân dân giám sát đại biểu”.

Ông Pha cũng cho biết, Luật lần này có quy định khắt khe trong việc vận động bầu cử không được dùng tiền bạc vật chất hay những phương tiện khác để dụ dỗ mua chuộc cử tri…

“Đối với vấn đề này, MTTQ các đoàn thể sẽ giám sát rất chặt chẽ. Đơn cử như việc tặng quà, làm từ thiện nếu thấy rõ ràng việc đó anh lấy lòng cử tri là không được. Tất nhiên các thứ quà tặng, lời hứa không dễ gì xác định được nhưng nếu cả năm cả đời anh không về thôn đó xóm đó tự dưng anh lại về làm động tác như tặng quà, làm từ thiện bằng cách mua chuộc, nếu Mặt trận biết việc đó, hoặc cử tri nói ông này về cho tiền thì xác định luôn là  tiền mất tật mang, sẽ bị loại và không được bầu”- ông Pha nhấn mạnh.

Dẫn kinh nghiệm 2 đại biểu trúng cử ĐBQH tại Nghệ An khóa trước, ông Pha cho rằng “người ta có ý thức tự ứng cử từ lâu bằng cách đầu tư về quê hương xây dựng bệnh viện trường học, mở các doanh nghiệp để thu hút con em địa phương làm việc. Người ta có ý thức đầu tư cơ bản để ứng cử nên khi người ta ứng cử địa phương đánh giá rất cao”./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét