TTO – Ngày 1-2 sẽ đi vào lịch sử Myanmar khi đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi chính thức nắm quyền sau hơn 2 thập kỷ chờ đợi.
Theo CNN, rốt cuộc thì chủ nhân giải Nobel hòa bình kiêm chủ tịch đảng NLD cũng sẽ tiếp quản vị trí đứng đầu chính phủ Myanmar khi quốc hội mới bắt đầu làm việc ngày thứ hai, 1-2.
Ngày lịch sử này đến sau 26 năm kể từ lần bà Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo tại cuộc bầu cử quốc hội năm 1990 nhưng sau đó kết quả này không được công nhận, và sau 2 tháng kể từ chiến thắng vang dội của NLD trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra năm ngoái tại Myanmar.
Thứ sáu tuần trước, 29-1, theo một thông báo trên trang web của tổng thống vừa bãi nhiệm Thein Sein, ông Thein Sein cam kết các thành viên trong chính phủ cũ sẽ “hợp tác với chính phủ mới để mang lại hòa bình và phát triển cho đất nước”.
Vị cựu tư lệnh quân đội nói: “Bất cứ điều gì đã được thực hiện trong vòng năm năm qua đều nhằm mục tiêu khôi phục hòa bình và ổn định (cho đất nước)”.
Mặc dù là chủ tịch của đảng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, nhưng bà Suu Kyi lại không thể trở thành tổng thống.
Hiến pháp Myanmar (được cho là do quân đội soạn thảo và đã tính tới trường hợp bà Suu Kyi) cấm những người có con cái là công dân nước ngoài không được làm tổng thống. Cả hai con trai lớn của bà Suu Kyi đều là công dân Anh.
Trước cuộc bầu cử năm 2015, bà Suu Kyi nói, nếu đảng NLD chiến thắng, bà sẽ còn giữ cương vị “cao hơn cả tổng thống”.
Hiện chưa rõ đảng NLD sẽ đề cử ai giữ cương vị tổng thống Myanmar.
Mặc dù đảng NLD chiếm đa số ghế ở cả hai viện quốc hội, nhưng phía quân đội vẫn nắm giữ tới 25% ghế, do đó sẽ gây khó khăn nếu đảng cầm quyền muốn sửa đổi hiến pháp.
Những người ủng hộ bà Suu Kyi và đảng NLD của bà hy vọng, trong bối cảnh những chính sách hà khắc còn lại của luật pháp quân đội, đảng NLD sẽ giải quyết thành công vấn đề nhân quyền tại Myanmar.
Tuy nhiên vẫn còn những ngờ vực về lập trường của bà Suu Kyi trong việc giải quyết vấn đề của tộc người thiểu số Rohingya.
Myanmar không công nhận họ là công dân nước này và cản trở họ tiếp cận với cơ hội việc làm, đi lại, dịch vụ y tế, giáo dục. Nhiều người Rohingya đã phải liều mình vượt biên trên những con thuyền ọp ẹp của các nhóm buôn người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét