(Dân trí) - Chỉ có người tài mới hiểu được người tài, dùng được người tài và ngược lại, kẻ dốt nát không chỉ không hiểu nổi mà hoàn toàn có thể còn hãm hại nhân tài. Cần loại trừ tư tưởng nhỏ nhen, kèn cựa, ghen ghét “ai cho chú tài hơn anh” ra khỏi guồng máy lãnh đạo.
“Trải thảm đỏ” được ví như chuyện chiêu hiền, đãi sĩ thủa xưa. Trong Lịch sử Trung Quốc, ông Lưu Bị đã ba lần đến lều tranh cầu xin Khổng Minh ra giúp nhà Hán trong buổi suy vong. Đức vua Quang Trung của ta cũng ba lần đến núi Thúy để cầu hiền tài Nguyễn Thiếp.
Chủ trương “chiêu hiền đãi sĩ”, “trải thảm đỏ đón nhân tài” đã từng rộ lên ở nhiều địa phương, thời gian gần đây hình như đang… tắt ngúm.
Lý do giải thích cho sự “đầu voi, đuôi chuột” thì nhiều như tiêu chuẩn, qui trình tuyển chọn, bố trí công tác, đãi ngộ vân vân và vân vân.
Về tiêu chuẩn, nếu dựa vào bằng cấp thì ôi thôi, bằng cấp của ta thật giả lẫn lộn. Bằng thực cũng có mà bằng “hàng mã”, hàng “bán rong” cũng không hiếm.
Rồi qui trình tuyển chọn, chỉ mỗi hội chứng 4C mà dân gian gọi là “con cháu các cụ” cũng đã đủ mệt nhoài.
Đến chuyện bố trí công việc cũng gian nan không kém. Thay ai? Ai cho ngồi vào ghế (của tôi) mà thay?
Rồi chuyện đãi ngộ, đến ông GS toán nổi tiếng thế giới Ngô Bảo Châu nếu xét theo chuẩn lương nghe đâu cũng chỉ hơn 5 triệu đồng bạc.
Song, bi kịch nhất có lẽ nằm ở chỗ gặp phải ông sếp kém năng lực lại mang nặng tư tưởng ghen ghét, kèn cựa, đố kị với tài năng.
Mà đối với kẻ bất tài, điều đó cũng đương nhiên bởi kẻ bất tài làm sao hiểu nổi ý tưởng của người có tài? Thế nên họ, những lãnh đạo yếu kém tất nhiên sẽ không chấp nhận, thậm chí dèm pha người tài là kẻ hợm mình hoặc… ngu dốt.
Mặt khác, người có tài cũng không thể mãi cam chịu sự chỉ đạo của một kẻ ngu dốt nên sẽ tìm đường “cao chạy, xa bay”, “ba mươi sáu chước, chước chuồn là hơn”. Bi kịch thay, nếu có ai đó vì lý do nào đó phải ở lại thì hoặc là “ở ẩn”, hoặc là tự “ngu đi” để bảo toàn.
Mà những kẻ bất tài cũng không muốn người có tài ở bên mình bởi anh ta sẽ là tấm gương phản chiếu, làm “lộ sáng” sự ngu dốt của họ.
Tóm lại, ở đâu mà lãnh đạo bất tài thì nơi đó sẽ là bi kịch. Trên báo Vietnam Net tháng 3/2015, bài “Lý Quang Diệu: Lãnh đạo kém sẽ ngáng chân người giỏi” đã dẫn lời vị Thủ tướng nổi tiếng của đất nước Singapore: "Lãnh đạo dốt sẽ ngáng chân những người giỏi, không cho họ ngồi vào những vị trí quan trọng".
Trong lịch sử Việt Nam, đã có nhiều tấm gương về sự trọng dụng nhân tài nhưng cũng có một luật bất thành văn, “thông minh lấn chúa”. Kẻ nào dám khôn hơn sếp, chắc khó mà sống yên thân.
Trong thực tế, khó có thể nói khác, chỉ có người tài mới hiểu được người tài, dùng được người tài và ngược lại, kẻ dốt nát không chỉ không hiểu nổi mà hoàn toàn có thể còn hãm hại nhân tài.
Mong sao Đại hội XII lần này sẽ tìm được những lãnh đạo không chỉ có “tâm” mà còn phải có “tài” bởi ở thời buổi khoa học kỹ thuật hiện nay, không có tài không chỉ vô dụng mà còn gây khó dễ cho những tài năng phát triển.
Đất nước thành hay bại, đi lên hay dẫm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi cũng ở khâu then chốt này nên phải kiên quyết loại trừ những đối tượng “… không chịu nghiên cứu học hỏi, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm…” ra khỏi đội ngũ lãnh đạo như phát biểu tại hội nghị Trung ương lần thứ 11, khóa XI của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cũng cần loại trừ tư tưởng nhỏ nhen, kèn cựa, ghen ghét “ai cho chú tài hơn anh” ra khỏi guồng máy lãnh đạo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét