Đất Việt - Có hai tin vui liên tiếp được công bố, cả nước chỉ có 5 người kê khai tài sản thiếu trung thực, đến năm 2020, chúng ta sẽ đẩy lùi tham nhũng.
Không nên quá bi quan về tình hình đấu tranh phòng chống tham nhũng của nước ta, đó là kết luận có thể rút ra sau khi đọc những con số trong bản Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015 của Thanh tra Chính phủ trước Quốc hội mới đây.
Chẳng hạn, qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành thanh tra đã phát hiện 100 vụ, 172 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (tăng 46 vụ so với năm 2014) với số tiền 40,7 tỷ đồng.
Rất nhiều chỉ số của năm 2015 đều giảm so với năm 2014, các vụ thụ lý điều tra giảm 61 vụ, viện kiểm sát thụ lý giải quyết giảm 19 vụ, số vụ tòa án nhân dân các cấp xét xử cũng giảm 27 vụ.
Một con số đặc biệt đáng mừng nữa là về tỷ lệ kê khai tài sản, thu nhập trong năm 2015 đã đạt 99,5%. Số bản kê khai đã công khai đạt tỷ lệ 98,3%. Có 1.225 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập, trong đó phát hiện 5 người kê khai không trung thực; đã tiến hành xử lý kỷ luật 2 người.
Thật tuyệt diệu, trong 1.225 người kê khai thì chỉ có 5 người kê khai không trung thực thôi, trong đó 2 người đã bị kỷ luật. Đó là một con số trong mơ mà bất cứ đất nước nào cũng mong ước.
Ngày 29-10, báo Người lao động thông tin, tại buổi họp báo thường kỳ quý III- 2015, ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết mục tiêu đề ra là đến năm 2020 nước ta mới bắt đầu đẩy lùi tham nhũng.
Trước đó, có ý kiến dẫn lời đại biểu Quốc hội cho rằng: công tác phòng chống tham nhũng hiện nay “vẫn chỉ phòng ngự chứ chưa phản công, đến bao giờ thì mình tấn công”, ông Hùng nhận xét: “Hình tượng hóa đó nói rất sát trong công tác phòng chống tham nhũng đề ra ngay từ đầu, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng”.
Ông Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng nhận định: “Chúng ta mới ở bước ngăn chặn, mục tiêu đề ra là đến năm 2020 mới bắt đầu đẩy lùi tham nhũng. Khi nào đẩy lùi tham nhũng được thì mới phản công được”.
Như vậy có thể thấy, nếu coi phòng chống tham nhũng là một trận đấu bóng đá thì chiến thuật của đội “chống tham nhũng” đang chơi phòng ngự kiểu “đổ bê tông”, gần như là án binh để chống lại mọi chiêu thức của đội “tham nhũng”. Sau đó 5 năm nữa, đội “chống tham nhũng” mới thay đổi chiến thuật, xông lên để đẩy lùi, và một khi đã đẩy lùi thì mới tính đến chuyện phản công.
Nghe qua thì cách lý giải này hơi có vẻ vòng vèo và rắc rối khó hiểu cho người dân. Tuy nhiên, sau khi phân tích các chỉ số trong báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2015 thì chúng ta lại thấy rất hợp lý.
Tình hình tham nhũng đang có dấu hiệu suy giảm, các vụ việc đều giảm so với năm trước, qua công tác điều tra chỉ phát hiện ra có 100 vụ với tổng số tiền 40,7 tỷ đồng. Việc kê khai tài sản thì lại càng tuyệt vời hơn, chỉ tìm ra 5 người thiếu trung thực. Thế thì hà cớ gì lại phải phát sốt phát rét lên trong chuyện phòng chống tham nhũng?
Chính vì thế mà chiến thuật 5 năm nữa mới đẩy lùi tham nhũng là hoàn toàn hợp lý. Mà e rằng, với tình hình ngày càng giảm số vụ tham nhũng như hiện nay, có khi 5 năm nữa, chúng ta còn chẳng tìm ra vụ nào để mà phòng chống nữa ấy chứ.
5 năm nữa, chiến thuật chống tham nhũng vẫn chưa thay đổi, vẫn ở trong giai đoạn “phòng ngự chặt” kiểu đổ bê tông chứ chưa phản công. Nghe thấy chiến thuật này, chắc các ông kễnh tham nhũng sẽ bật sâm- panh ăn mừng chứ chẳng chơi.
Thôi thì các bạn và tôi hãy gắng chờ thêm 5 năm nữa.
Tóm lại là nước Việt Nam ta không có bất minh về kinh tế và nạn tham nhũng cũng không đáng kể?
Trả lờiXóaTóm lại mấy ông lãnh đạo cao cấp nói quá lên mắng mỏ "Ăn không từ thứ gì" "Ăn hết phần của Dân" rồi " một bộ phận cán bộ không nhỏ ltham nhũng làm ảnh hưởng tới uy tín của đảng" là bịa đặt, là xiên tạc chăng ?
Ôi một đất nước, một xã hội thật KHÓ HIỂU ?