Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Oan sai, dân đau… quan có đau?

NGỌC QUANG

(GDVN) - Ông Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã xin lỗi nhân dân vì xảy ra oan sai, nhưng trước dấu hiệu vi phạm của cấp dưới thì ông sẽ làm gì?

Nói đến kiểm tra việc tuân thủ theo pháp luật, cần chú trọng trước hết kiểm tra việc tuân theo pháp luật của các cơ quan Nhà nước, bởi vì sự vi phạm của một số công dân nào đó với pháp luật có lẽ không tai hại bằng những sự lạm quyền của các cơ quan chính quyền, các cơ quan quản lý kinh tế, văn hóa và đặc biệt là của những người có trách nhiệm thi hành pháp luật.

Nếu những người này làm sai pháp luật thì chẳng những vi phạm các quyền tự do dân chủ của nhân dân, mà còn làm trái chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Việc đó sẽ đánh vào nguồn gốc sức mạnh của chế độ ta là sự tín nhiệm và sự ủng hộ của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Và trên thực tế, niềm tin của dân đối với các cơ quan thực thi pháp luật bị suy giảm nhiều vì để xảy ra oan sai nghiêm trọng. Thế nhưng điều nguy hiểm là Nhà nước, nhân dân đều phải gánh chịu hậu quả khi oan sai đã rõ ràng, còn những người có trách nhiệm thực sự thì dường như chỉ "múa tay trong bị", nói cách khác là "vô cảm trước oan ức của người dân".

Bởi thế mà mấy ngày nay, dư luận sôi lên sùng sục khi hay tin Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Hồ Chí Minh có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi truy tố hình sự đối với người không phạm tội là bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết.

Trong vụ việc này, bà Tuyết bị truy tố tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” - làm giả chữ ký, con dấu của Công ty TNHH L&M Foundation Specialist Việt Nam để chuyển tiền bất hợp pháp.

Thế nhưng, do cáo trạng truy tố bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết không có căn cứ nên Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh nhiều lần trả lại hồ sơ, yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh, cơ quan điều tra cùng cấp "làm rõ các căn cứ truy tố".

Trong khi đó, các tài liệu bị coi là được làm giả thì đã được cả Công an TP. Hồ Chí Minh và Bộ Công an giám định độc lập, kết luận là không phải là tài liệu được ký, đóng dấu giả mà là tài liệu được ký trực tiếp, đóng dấu thật bởi ông Yee Lip Chee, Tổng giám đốc và Wong Kong Hee, Chủ tịch Công ty TNHH L&M Foundation Specialist Việt Nam.

Như vậy, bà Tuyết không làm giả các giấy tờ theo như lệnh truy tố và cần được trả tự do ngay lập tức. Thế nhưng thay vì đình chỉ vụ án, trả tự do cho người bị hại thì Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh, mà trực tiếp là bà Kiểm sát viên Hà Thị Bích Thu lại: "Giữ nguyên quan điểm truy tố theo cáo trạng" – một cách “tiếp sức” đẩy người dân vào vòng lao lý.

Vậy thì vì lý do gì mà Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hồ Chí Minh (trực tiếp là bà Kiểm sát viên Hà Thị Bích Thu) lại suy diễn sai sự thật, nhằm đẩy người dân vào vòng lao lý?

Phải chăng vì bà Tuyết đã bị tạm giam hơn 600 ngày, nay Viện Kiểm sát TP. Hồ Chí Minh đang cố “buộc tội” bằng được nhằm rũ bỏ trách nhiệm, tránh phải đối diện với một vụ oan sai?

Chưa kể, vụ án chỉ đơn thuần kinh tế, bị can lại là nữ nhưng gia đình nhiều lần làm đơn xin bảo lãnh tại ngoại nhưng các cơ quan liên quan làm ngơ, thậm chí không trả lời.

Năm 1967, trong Hội nghị cán bộ toàn ngành kiểm sát, phát biểu về một số vấn đề về chuyên chính vô sản và pháp chế xã hội chủ nghĩa, Tổng Bí thư Lê Duẩn từng nói: “Một người bị tội oan, chẳng những người ấy đau khổ, mà gia đình, con cái họ càng đau khổ hơn. Làm điều oan cho một người nào đó thì chúng ta không còn lẽ sống nữa, bởi vì chúng ta là những người cộng sản.

Cán bộ ngành Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát phải thấy hết trách nhiệm cao cả và nặng nề của mình, luôn luôn tôn trọng sự thật, phân rõ đúng sai, hết sức giữ thái độ khách quan, thận trọng, công minh, chính trực…”.

Và để đảm bảo cho pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh trong nhân dân, ngành Kiểm sát cần kiểm tra các vụ bắt giam, và xét xử một cách sáng suốt, thận trọng, kiên quyết không xử oan.

Nhìn ở khía cạnh đời sống xã hội, có lần Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương chia sẻ rằng “làm những điều sai trái thì rồi nó sẽ vận vào mình, sẽ phải chịu báo ứng, nếu anh không phải trả, thì con cháu anh phải trả”.

Một khi đã hành xử phi nhân tính thì làm sao mong nhận những điều tốt đẹp?

Bởi vậy mà người xưa đã có lời răn: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, là để nhắc nhở con người ta dù làm gì cũng không được gây tội ác, không thể đạp lên luân thường đạo lý.

Kinh pháp cú của Nhà phật có nói đến “Luật Nhân Quả”. Nhân thế nào thì quả thế ấy. Trong giới hữu hình, vật chất hay trong giới vô hình, tinh thần đều như vậy. 

Nếu muốn có quả cam thì ta phải ươm hạt giống cam; nếu muốn có hạt đậu thì ta phải gieo giống đậu. Gieo việc làm tốt tất sau này sẽ thu được kết quả tốt. Gieo việc làm xấu sẽ thu được kết quả xấu.

Đức Phật còn dạy rằng: “Nhưng riêng tội ác, bất lương/ Luôn là một vết nhơ trong cõi này”. Nó có nghĩa là trong số rất nhiều tội lỗi, thì hành vi gây tội ác sẽ phải trả cái giá báo ứng đắt nhất. Không chỉ bản thân họ, mà cả những người thân có khi cũng phải hứng chịu sự trừng phạt từ tội ác mà họ đã gây ra.

Đấy là một kết cục bi thảm cho những kẻ "gieo việc xấu". Muốn tránh được cái kết bi thảm ấy, chẳng có cách nào khác là đừng gây tội ác.

Ở kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII vừa qua, ông Nguyễn Hòa Bình – Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã nói rằng ““Dẫu còn 1 vụ oan thì chúng tôi cũng đau như nhân dân” và “Thay mặt lãnh đạo ngành, tôi xin lỗi những người bị oan và gia đình người bị oan, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để hạn chế thấp nhất những vụ oan sai”.

Dù nói trước Quốc hội như vậy, nhưng lạ là trước những hành vi vi phạm pháp luật của lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh và kiểm sát viên Hà Thị Bích Thu trong việc bắt, tạm giam và truy tố bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thì cho tới lúc này người đứng đầu ngành kiểm sát chưa hề có động thái nào.

Hơn 600 ngày bị tạm giam, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết và gia đình đã phải chịu đựng quá nhiều tủi khổ, cơ hàn, còn những ông quan của ngành kiểm sát bao giờ mới thấy “đau”?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét