Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

Quy hoạch cán bộ: biến dạng của cha truyền con nối

NGUYỄN TRẦN SÂM

Lề Trái - Thời phong kiến, toàn bộ quyền thống trị nằm trong tay một cá nhân: vua. Trong những quyền hành vô hạn mà ông ta (đôi khi là bà ta) mặc nhiên có, có quyền chọn kẻ kế vị. Để quyền lực không rơi vào tay “người ngoài”, tức là những kẻ “khác máu”, hầu như bao giờ vua cũng truyền ngôi cho một trong những đứa con trai của mình. Trong trường hợp ông ta không có con trai thì có thể truyền ngôi cho anh hoặc em trai hoặc cho một đứa con trai của anh hoặc em trai.

Việc truyền ngôi cho con trai hay nói chung là người ruột thịt là xuất phát từ tình cảm ruột thịt, đồng thời để hạn chế đến mức thấp nhất khả năng bị phản bội. Nếu người ngoài nắm quyền thì trong xã hội phong kiến rất dễ xảy ra việc cựu hoàng tộc bị vua mới và quần thần của y tàn sát, kể cả khi vua mới là kẻ chịu ơn vua cũ. Ngay anh em ruột, nhất là các hoàng tử với nhau, còn có thể giết nhau để tranh ngôi, thì đám quần thần vây quanh vua mới càng dễ bày mưu hãm hại hoàng tộc cũ để tâng công và tiến thân. Những chuyện hãm hại nhau như vậy gần như là bản chất của triều đình trong xã hội phong kiến.

Trong thời cộng sản, ban đầu việc chuyển giao quyền lực diễn ra có vẻ vô tư và công khai. Do mấy vị thủy tổ của CNCS sinh ra sau cách mạng dân chủ tư sản mấy chục năm, nên để tỏ ra rằng cách mạng vô sản còn tiến bộ hơn cả cách mạng dân chủ tư sản, họ buộc phải nêu cao một số khẩu hiệu mà cách mạng tư sản đã nêu, trong đó có “tự do, bình đẳng, bác ái”. Đã bình đẳng thì không còn chế độ truyền ngôi. Việc chuyển giao quyền lực cho lớp người kế nhiệm phải được bàn bạc tập thể. Ngoài ra sự chuyển giao quyền lực diễn ra từ từ, theo kiểu thay thế dần: trong lớp lãnh đạo của nhiệm kỳ mới bao giờ cũng có (thường là quá nửa) những người đã có mặt trong ban lãnh đạo của nhiệm kỳ cũ.

Tuy nhiên, trong học thuyết về CNXH và CNCS đã có sẵn một nhân tố tạo ra cơ hội cho việc chuyển giao quyền lực theo một kiểu gần giống chế độ phong kiến. Nhân tố đó là mô hình xã hội độc đảng. Dù viết hàng trăm tập sách về tự do, bình đẳng, bác ái, nhưng cái mô hình độc đảng này đến thời khắc của nó sẽ tiêu diệt mọi khả năng thực hiện những tư tưởng về sự bình đẳng.

Ở những nước mà đảng CS đã lãnh đạo thành công việc cướp chính quyền, đảng này nhanh chóng loại bỏ mọi đối thủ cạnh tranh với nó về quyền lực. Sau vài chục năm cầm quyền, tâm lý say quyền lực tất yếu xuất hiện. Về điểm này, chính cố TBT ĐCSVN Lê Duẩn đã từng nói đại ý: Bây giờ người ta vẫn còn có thể từ bỏ mọi thứ, nhưng dứt khoát không chấp nhận thôi làm lãnh đạo.

Nói như vậy thì cần hiểu là việc ham muốn làm vua quan có thể lấn át mọi thứ. Tâm lý say quyền lực trở thành một trạng thái bệnh hoạn không thuốc nào chữa được. Nhưng điều đó không có nghĩa là “cán bộ cách mạng” chỉ cần được làm quan để “cống hiến”, để được đóng vai trò “đầy tớ của dân”. Các thứ quyền lợi, trong đó có quyền lợi kinh tế, cũng trở nên ngày càng hấp dẫn đối với họ. Điều này chắc chẳng cần chứng minh bằng lý luận cao siêu gì.

Khi đã có quyền thao túng toàn xã hội và cai quản mọi thứ tài sản công, và những quyền đó lại được bảo đảm bằng một thứ quyền rất quan trọng khác là quyền thống lĩnh các lực lượng vũ trang, nhà cầm quyền không bao giờ muốn trao nó vào tay người khác. Tất nhiên, khi già yếu thì họ buộc phải chuyển giao quyền lực cho lớp người kế cận. Nhưng cũng như những ông vua ngày xưa, họ chỉ trao quyền cho những người nào bảo đảm không phản bội lại những quyền lợi của tập đoàn của họ, không tước đi quyền lợi của lớp tiền nhiệm. Tuy nhiên, khi nói công khai trước toàn dân thì họ nói là phải chọn những người có đức có tài để phục vụ nhân dân!

Dần dần, họ nhận ra rằng để bảo đảm sự chuyển giao quyền lực xảy ra theo ý họ thì cần tiến hành một “quy trình” gồm rất nhiều bước, và do đó phải làm sớm, chứ không phải đợi đến gần đại hội mới chọn đội ngũ kế cận. Nếu như trước đây việc chọn lựa nhân sự cho một nhiệm kỳ mới chỉ bắt đầu được thực hiện khoảng trên dưới một năm trước đại hội, thì ngày nay người ta làm công tác nhân sự trước hàng chục năm. Ở Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình không những đã nhắm trước để đưa Giang Trạch Dân vào chức vụ tổng bí thư (kiêm chủ tịch nước, kiêm chủ tịch quân ủy trung ương), mà còn tìm cả người sẽ kế nhiệm Giang sau hơn 2 nhiệm kỳ là Hồ Cẩm Đào. Ở VN, việc làm như vậy được gọi là “quy hoạch cán bộ”, và có lẽ nó là hệ quả của việc bắt chước lãnh đạo TQ. (Có một thời gian dài, cỡ vài chục năm, lãnh đạo CSVN làm gì cũng nhìn TQ mà làm.)

Tất nhiên, trong quá trình thực hiện quy hoạch, người ta tiến hành cả những việc như “bồi dưỡng trình độ và lập trường tư tưởng” cho đương sự, đồng thời nếu phát hiện thấy đương sự “có vấn đề” thì sẽ thay thế bằng một trường hợp nhân sự khác “xứng đáng hơn”. Bằng cách như vậy, người ta hy vọng rằng sẽ tìm được những người kế nhiệm trung thành hơn cả vua con đối với vua cha.

Chỉ với cách làm như nói trên thì cũng đã có thể nói quy hoạch cán bộ là biến dạng của cha truyền con nối. Trong cả hai trường hợp, quyền lực đều được trao truyền cho những kẻ thân cận, và “người ngoài” – trong trường hợp “quy hoạch” là dân chúng – không có tí quyền nào để được can dự vào quá trình này.

Sự giống nhau giữa hai hình thức “truyền ngôi” này càng thể hiện mạnh mẽ hơn nữa do có những trường hợp con đẻ của những vị cấp cao cũng được bố trí để rộng đường leo lên đỉnh cao quyền lực. Không những thế, còn có những trường hợp một số vị được “cơ cấu” vào cơ quan lãnh đạo cấp cao, khi công bố lý lịch không hề khai tên cha mẹ, trong khi rõ ràng là cái thứ lý lịch này là vô cùng hệ trọng. Lẽ dĩ nhiên các vị cấp cao phải biết cha mẹ những người này là ai, vì họ không thể phiêu lưu giao trọng trách cho người không rõ tông tích. Đó chính là lý do cho những tin đồn lan truyền trong bàn dân thiên hạ rằng những vị như vậy là con rơi của những vị khai quốc công thần.

Tóm lại, cái gọi là “quy hoạch cán bộ” đã làm cho các đảng CS hiện đang còn cầm quyền trở về rất gần với tầng lớp vua quan phong kiến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét