TT - Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, việc đổi mới chính sách hình sự thông qua sửa đổi Bộ luật hình sự lần này là để bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cũng cho rằng việc đổi mới chính sách hình sự nhằm khắc phục cơ bản những bất cập, hạn chế của Bộ luật hình sự năm 1999 đã và đang gây trở ngại cho sự phát triển nền kinh tế.
Đồng thời xây dựng khuôn khổ pháp lý đồng bộ, bảo vệ quyền bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; xây dựng các quy định có tính minh bạch cao nhằm động viên, khuyến khích các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế.
Dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi) đề xuất phi hình sự hóa đối với một số hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật hình sự nhưng không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế thị trường, đồng thời hình sự hóa một số hành vi vi phạm có tính nguy hiểm cao cho xã hội gây cản trở hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển lành mạnh, ổn định và bền vững của nền kinh tế.
Cụ thể, về nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, Chính phủ đề xuất bỏ các tội danh như tội kinh doanh trái phép, tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế.
Bổ sung tám tội danh mới trong các lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là bổ sung tội vi phạm quy định về cạnh tranh nhằm trừng trị những hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về cạnh tranh, bảo đảm sự bình đẳng, lành mạnh trong sản xuất kinh doanh.
Nội dung hoàn toàn mới tại dự thảo là việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân (công ty, doanh nghiệp...) đối với sáu tội: buôn lậu; trốn thuế; cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; thao túng giá chứng khoán; trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động.
Trả lời phóng viên Tuổi Trẻ về nội dung này, TS Trần Văn Dũng, phó vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính Bộ Tư pháp, phân tích:
“Tiêu chí chung để phi tội phạm hóa là do có sự thay đổi mà hành vi nào đó không còn tính nguy hiểm cho xã hội hoặc mức độ nguy hiểm cho xã hội giảm xuống, đã có biện pháp khác xử lý mà không cần thiết phải xử lý hình sự.
Với tội kinh doanh trái phép được quy định tại điều 159 Bộ luật hình sự hiện hành thì chúng ta thấy rằng Hiến pháp 2013 đã thể hiện rõ tư tưởng tôn trọng và đảm bảo quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc người dân, doanh nghiệp được đầu tư, kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Luật đầu tư (sửa đổi) và Luật doanh nghiệp (sửa đổi) được Quốc hội thông qua năm 2014 đã thể hiện rõ tư tưởng này.
Doanh nghiệp chỉ cần đăng ký kinh doanh rồi tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh mà không còn phải xin phép, ghi vào giấy phép ngành nghề, lĩnh vực cụ thể như trước đây.
Hơn nữa, những lĩnh vực cấm kinh doanh thì đã được quy định tại một số điều luật cụ thể của Bộ luật hình sự (buôn bán, vận chuyển hàng cấm; sản xuất, buôn bán, vận chuyển ma túy, chất hướng thần; buôn bán người...)”.
Như vậy, điều luật quy định về tội kinh doanh trái phép không còn cơ sở để tồn tại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét