(PL)- Liên quan đến Điều 60 của Luật BHXH 2014, các ý kiến cho rằng luật cần điều chỉnh theo hướng phù hợp với thực tế Việt Nam.
Đó là ý kiến của các đại biểu tại hội thảo “Đảm bảo an sinh xã hội cho người dân: Triển vọng và thách thức” do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức tại Đà Nẵng ngày 10-4.
Siết thu hồi nợ
Ông Nguyễn Diễn, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI tại miền Trung, cho rằng đã là tiền BHXH thì không nên đem đi kinh doanh. Bởi kinh doanh là đứng trước hai nguy cơ hoặc mất hoặc lời, mà đã là tiền BHXH thì nhất thiết không được đẩy vào nguy cơ rủi ro mà phải bảo tồn. Kèm theo đó, ông Diễn cũng đặt vấn đề có hay không có nguồn tiền BHXH đầu tư vào Công ty Tài chính II có nguy cơ bị mất.
Trao đổi lại về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi nói: “Vấn đề liên quan Công ty Tài chính II của Ngân hàng Agribank là một bài học. Hôm nay tôi chưa chắc chắn rằng có mất 100% không nhưng tôi biết hơn 700 tỉ đồng là gốc, cộng lãi là hơn 1.000 tỉ đồng vẫn đang khoanh nợ. Vừa rồi có trả được hơn 200 tỉ đồng rồi. Nhưng cố gắng nếu không lấy được lãi cũng phải tận thu lại toàn bộ gốc”.
Theo ông Lợi, BHXH là chính sách của Nhà nước, do Nhà nước quản lý trên nguyên tắc bảo toàn, tăng cường đảm bảo cho dân. “Vừa rồi có vài ý kiến nói rằng nên cho một số công trình trọng điểm có hiệu quả vay quỹ để sinh lời. Nhưng chúng tôi không đồng ý vì tiền này phải đảm bảo tính bảo toàn. Lần này quỹ quản lý chặt hơn. Quỹ BHXH hiện nay chủ yếu là cho ngân hàng chính sách vay và dùng để mua trái phiếu chính phủ. Những ngân hàng nào đứng trong tốp 10 được xác nhận làm ăn có hiệu quả mới cho vay” - ông Lợi nói.
Luật phải phù hợp thực tế
Liên quan đến việc sửa đổi Điều 60 của Luật BHXH năm 2014, theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, mục đích của luật mới là phần đóng BHXH đó dành cho hưu trí của người lao động. Vì thực tiễn ở nước ta hiện nay có 140.000 người từ tuổi 80 trở lên không có lương hưu, không có thu nhập hay trợ cấp. Nếu người lao động tham gia quỹ này sẽ không tạo ra gánh nặng cho Nhà nước. Ông Lợi nhấn mạnh thêm: “Phải nói rõ rằng không phải tất cả người lao động đều không được chi trả BHXH một lần, mà đối với những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật họ không thể làm tiếp được và muốn có tiền chữa bệnh, chăm lo trước mắt thì phải giải quyết một lần như trước đây cho họ”.
Góp ý về việc này, ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng, cho rằng nhiều người lao động ở nông thôn lên TP và họ vào làm cho một vài doanh nghiệp và doanh nghiệp chỉ nhận từ 18 đến 35 tuổi. Qua độ tuổi này họ về lại nông thôn. Theo như luật BHXH mới thì họ cầm sổ về, 20-30 năm sau mới được nhận tiền BHXH trong khi đời sống của họ thì chật vật, khó khăn nên rất khó để họ chấp nhận.
Đồng tình, một đại biểu khác nêu: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, không ai lường trước được hoàn cảnh của bản thân mình và theo tôi luật cũng nên tôn trọng ý kiến của người lao động. Theo đó, luật cần sửa theo hướng nếu họ muốn nhận một lần thì cũng nên có phương án giải quyết cho phù hợp”.
***
Tại phiên họp thường kỳ tháng 3-2015 (ngày 1-4), Chính phủ đã thống nhất với kiến nghị của Bộ LĐ-TB&XH, lãnh đạo TP.HCM và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam liên quan đến việc xem xét sửa Điều 60 Luật BHXH năm 2014. Theo đó, Chính phủ sẽ kiến nghị với Quốc hội xem xét để sửa một phần Điều 60 của Luật BHXH mới theo hướng linh hoạt cho phép người lao động tự lựa chọn giữa hưởng BHXH một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng để tiếp tục tham gia BHXH và hưởng lương hưu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét