Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Hé lộ nguồn gốc cây xanh trồng mới ở Hà Nội

Nhóm PV

TP - Xung quanh đề án chặt hạ 6.700 cây xanh ở Hà Nội, PV Tiền Phong tiếp tục hỏi các tổ chức, cá nhân liên quan về nguồn gốc cây xanh được trồng mới trên các tuyến phố, nhưng chỉ nhận được những câu trả lời thiếu rõ ràng.

Ngày 23/3, PV Tiền Phong liên lạc với ông Nguyễn Xuân Hanh, Giám đốc Xí nghiệp Cây xanh, hoa đô thị thuộc Cty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, hỏi về nguồn gốc, số tiền mua cây giống trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận Ba Đình). Ông Hanh nói không nắm được. Ông Hanh nói rằng, mình là chuyên gia về cây trồng nhưng không xác định được cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây gì, vì loại cây này không có trong hồ sơ cây xanh đường phố Hà Nội.

Trao đổi với PV, ông Hoàng Nam Sơn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, nói rằng, theo hồ sơ phê duyệt của UBND thành phố Hà Nội, loài cây được trồng mới trên các tuyến phố là vàng tâm. Tuy nhiên, khi PV hỏi cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây gì, ông Sơn nói không biết. Ông Sơn nói: “Đến cả các nhà khoa học bàn ra, tán vào cũng không biết là cây gì, huống gì tôi”. Theo ông Sơn, khi nào nhà tài trợ trồng mà cây sống, bàn giao lại cho Sở Xây dựng, lúc đó mới xác định được đó là cây gì.

Để đi tìm nguồn gốc số cây mới trồng ở Hà Nội, PV hỏi lực lượng CSGT làm việc tại các chốt có đường từ ngoại thành đổ về nội đô và tại các trạm thu phí. Sau một ngày dò hỏi, PV được một số cán bộ trạm thu phí cao tốc Nội Bài - Lào Cai xác nhận, có thấy xe tải chở cây xanh về Hà Nội những ngày qua. Tiếp tục dò hỏi ngược tuyến, đến khu vực đường dẫn từ Yên Bái lên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nhiều người dân nói họ thấy xe tải chở cây xanh đi lên đường cao tốc...

Từ những căn cứ trên, PV tiếp tục dò tìm, rốt cuộc cũng liên hệ được với một cán bộ xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Ông này cho biết, thời gian qua có một số người Hà Nội đánh xe tải lên xã Đại Lịch mua cây gỗ mỡ. Tuy nhiên, sau hôm 22/3, không thấy xe nào lên mua nữa. Vị cán bộ này nói rằng, cây mỡ được người dân trồng rất nhiều trong xã Đại Lịch và bán với giá 100.000 đồng/cây đã cắt gốc, 300.000 đồng/cây đánh cả gốc (?!).

Hôm qua, PV Tiền Phong đi dọc tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, đếm thấy 249 cây xanh bị chặt hoặc bứng gốc để thay thế cây mới. Cụ thể, tính từ đầu đường Nguyễn Chí Thanh giáp Kim Mã xuống đường Láng, bên phải đường có 118 cây, bên trái 131 cây, chủ yếu là cây hoa sữa, cây keo, cây phượng trên chục năm tuổi.

Đơn vị chặt hạ lên tiếng

Chiều 23/3, Cty Công viên cây xanh Hà Nội mở cửa khu vực vườn ươm và kho tập kết gỗ sau khi chặt hạ tại Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm). Theo ông Đỗ Ngọc Hoàng, Tổng giám đốc Cty Công viên cây xanh Hà Nội, hiện có 128 cây hoa sữa nằm trong đề án thay thế 6.700 cây xanh ở Hà Nội sau khi cắt lá, tỉa cành được chuyển về chăm sóc tại khu vườn ươm của đơn vị ở Cầu Diễn. Toàn bộ 128 cây xanh này được đơn vị đánh chuyển từ phố Nguyễn Chí Thanh về, sẽ được mang đi trồng bổ sung ở các vị trí khác.

Đối diện khu vườn ươm là khu vực tập kết gỗ và cây xanh sau khi được chặt hạ trên các tuyến phố. “Trong bãi tập kết gỗ này, chủ yếu là số gỗ của 95 cây xà cừ lớn chặt hạ từ đường Nguyễn Trãi từ năm 2014. Còn lại là một số cây keo, bằng lăng và một số loại cây khác không đáng kể cũng được lưu giữ tại đây”, đại diện Cty Công viên cây xanh nói.

Theo ông Hoàng, ở Cầu Diễn, đơn vị hiện có hai điểm tập kết cây xanh được chặt hạ, toàn bộ số gỗ ở đây đều thu hồi từ việc chặt hạ cây xanh ở các tuyến phố Nguyễn Trãi, Phố Huế - Hàng Bài, Nguyễn Chí Thanh... Toàn bộ số gỗ này sẽ được bán đấu giá. “Thân, cành cây đường kính dưới 20cm thì làm củi, đường kính trên 20cm thì lưu giữ làm gỗ. Từ trước đến nay không hề có chuyện thất thoát gỗ vì từ lúc chặt về, đến lúc báo đấu giá được có quy trình lưu trữ, giám sát chặt chẽ”, ông Hoàng nói. 

Theo ông Hoàng, việc chặt cây, thu hồi củi và gỗ sau khi chặt hạ có nhiều thành phần tham gia giám sát, lập biên bản. Họ xác định khối lượng thu hồi, sau đó lập biên bản chi tiết, trong đó ghi rõ thời gian, địa điểm, loại gỗ, tình trạng gỗ, khối lượng gỗ… Tại Cầu Diễn, có biên bản giao nhận, vào số lượng gỗ nhập. Sau đó, phía Cty Công viên Cây xanh báo cáo Sở Tài chính về khối lượng, chủng loại gỗ để khảo giá thị trường làm cơ sở thực hiện đấu thầu. Gỗ sẽ được bán đấu giá theo quy định thông qua một đơn vị đấu giá độc lập.

Chi hàng chục triệu đồng để chặt 1 cây xà cừ

Liên quan thông tin phản ánh xe tải chở gỗ xà cừ vào làng Chuông (huyện Thanh Oai) nghi là gỗ tuồn từ việc chặt hạ cây trong nội đô, ông Hoàng khẳng định: “Số gỗ, xe chở gỗ trên không phải của Cty chúng tôi, vì quy trình chặt, thu hồi gỗ củi rất chặt chẽ, không thể có gỗ lọt ra ngoài. Chúng tôi là doanh nghiệp công ích Nhà nước, làm theo đơn giá của Nhà nước”.

Về đơn giá chặt hạ cây xanh, ông Hoàng cho biết, Cty Công viên Cây xanh thực hiện theo Quyết định 510 ngày 30/1/2015 của UBND thành phố Hà Nội, theo đó, giá thành chặt hạ cao nhất là khoảng 25 triệu đồng đối với cây xà cừ có đường kính lớn hơn 1,2 m và khoảng 15 – 23 triệu đồng đối với cây xà cừ có đường kính 0,8 -1,2 m. Chi phí đào gốc, lấp đất vào khoảng 10 triệu đồng/cây có đường kính trên 1,2m. Đơn giá chặt hạ các loại cây khác bằng 70% chi phí so với cây xà cừ.
***

Ngày 23/3, trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Sở Xây dựng cho biết, sau khi có chỉ đạo của thành phố, đơn vị đã yêu cầu các cá nhân liên quan kiểm điểm. Các cán bộ bị đình chỉ chức vụ là Trưởng phòng Quản lý hạ tầng, môi trường và công trình ngầm - ông Trần Trọng Hiếu; một vị Phó trưởng phòng và một số cán bộ liên quan thuộc Sở Xây dựng. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét