(TBKTSG Online) - Ngoài việc chứng minh các dự án bauxite ở Tây Nguyên vẫn lỗ đúng như kế hoạch dự kiến, Bộ Công thương đã gửi văn bản cho biết, dự án điện phân nhôm “ăn theo” dự án alumin Nhân Cơ đang đề nghị Chính phủ hỗ trợ bù lỗ giá điện 490 tỉ đồng/năm.
Trong văn bản gửi báo chí hôm 30/3, Bộ Công thương giải trình rằng, các dự án chế biến alumin Tân Rai và Nhân Cơ vẫn sẽ lỗ như kế hoạch dự kiến là 4 năm và 5 năm, với thời gian thu hồi vốn kéo dài từ 11 năm rưỡi đến 12 năm. Nếu giá bán alumin tăng thêm trong thời gian tới thì thời gian lỗ và thời gian thu hồi vốn sẽ được rút ngắn hơn, không như các con số dự báo hôm 28/3 của nhóm các nhà khoa học tại Trung tâm thiên nhiên và con người (PAN).
Hơn nữa, để chứng minh cho dự án điện phân nhôm của Công ty Trần Hồng Quân đầu tư tại Nhân Cơ cũng có hiệu quả kinh tế, Bộ Công thương đưa ra một số thông tin.
Theo đó, dự án này mua điện ở cấp điện áp 220 kV, không mua điện cấp điện áp sinh hoạt. Trạm điện này do chủ đầu tư xây dựng nên giá thành bán điện cho dự án thấp hơn giá ở các cấp điện áp là đương nhiên. Mặt khác, đến năm 2018, dự án sẽ đạt công suất thiết kế là 300.000 tấn/năm .
Và từ tháng 4/2014, bộ đã báo cáo Thủ tướng đề nghị Nhà nước hỗ trợ về giá điện cho dự án trong 10 năm (2016-2025) là 229 triệu đô la Mỹ (khoảng 4.900 tỉ đồng); tính ra mỗi năm Trần Hồng Quân được bù lỗ 490 tỉ đồng từ giá bán điện thấp. Lý do là dự án này thuộc diện đặc biệt ưu đãi đầu tư ở địa bàn khó khăn, được Nhà nước hỗ trợ đầu tư.
Bộ này cũng khẳng định thay doanh nghiệp rằng theo tính toán, dự án điện phân nhôm có hiệu quả kinh tế. Theo tính toán nộp ngân sách giai đoạn 2016-2045 là 420 triệu đô la; bình quân 14 triệu đô la/năm. Nếu trừ đi chi phí Nhà nước hỗ trợ về giá điện cho dự án giai đoạn 2016-2025 là 229 triệu đô la thì dự án vẫn nộp ngân sách 190 triệu đô la.
Bộ Công Thương cũng cho rằng việc nhà nước hỗ trợ chuẩn bị mặt bằng là phù hợp với các qui định hiện hành, kể cả hỗ trợ 1.200 tỉ đồng (khoảng 54 triệu đô la). Dự án điện phân nhôm trong 10 năm dự kiến sẽ nộp ngân sách là 136 triệu đô la (190 triệu đô la nộp ngân sách trừ đi 54 triệu đô la hỗ trợ mặt bằng của nhà nước).
Trước đó, các nhà khoa học nhận định rằng, chỉ riêng tiền điện phải bù lỗ tại dự án điện phân nhôm ít nhất là 145 triệu đô/năm, tính ra khoảng 1,45 tỉ đô la/10 năm; còn nếu tính đúng giá bán điện cho doanh nghiệp là 12 cent/kWh thì mỗi năm phải bù lỗ cho công ty này gần 400 triệu đô la Mỹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét