Bản chất của nợ
Trong một quốc gia nợ được chia thành ba loại: nợ của chính phủ, của doanh nghiệp và của dân cư. Loại nợ sau cùng ở ta không có vì không có một định chế phổ biến cho việc mua nhà trả góp. Ở đây xin bàn đến nợ của các doanh nghiệp tức là của các ngân hàng thương mại. Thực sự ngân hàng không có nợ, nhưng vì họ cho vay mà không đòi lại được nên … dính nợ.
Về bản chất, theo các nhà kinh tế, nợ không phải là một điều gì xấu. Nó là một phương tiện có ích vì làm cho tiền đi đến chỗ nào cần nó nhất; từ chủ nợ có thừa sang con nợ cần tiền. Một thị trường nợ, ở tầm mức quốc gia hay quốc tế, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế; vì nó giúp cho nhiều con nợ ngày càng vay được những món nợ lớn với lãi suất ngày càng giảm. Theo báo The Economist, về mặt lịch sử có lẽ nợ là một định chế tài chính còn lâu đời hơn cả tiền bạc. Các nhà khảo cổ đã đào thấy các phiến đất sét của người ở Babylon ghi các món nợ phải trả từ 3000 năm trước Công nguyên. Dù được coi là cao cả như thế nhưng nợ vẫn không được kính trọng. Ở Đức, danh từ nợ (schuld) cũng có nghĩa là tội lỗi. Tại đó, những người đi vay được coi là phung phí và chủ nợ lúc đòi bị coi là người hám lợi và nhẫn tâm. Tâm lý ấy tồn tại là vì nợ là một cái gì không được tha thứ, phải được trả dầy đủ, đúng thời hạn, dù có chuyện gì xẩy ra nữa.
Nhìn vào bản chất của nợ như trên, ta thấy tựa bài ngô nghê. Ai nợ thì người ấy trả chứ còn gì nữa. Vâng. Điều ấy giống như lời tuyên bố dõng dạc của một vị chủ tịch tập đoàn lúc đương thời! Nhưng nếu người ấy không trả được thì sao? Thưa nó biến thành nợ xấu loại 5 sau khi quá hạn trả nợ 365 ngày? Nợ xấu loại 5 thì ai trả? Thưa nó được bán cho người khác!
Cơ chế mua bán nợ xấu
Bình thường cơ chế này có ba người chính: người bán nợ, tức là các ngân hàng thương mại (NBN), người mua nợ thứ nhất (NM1) và những người mua nợ thứ hai (NM2). Giả sử NBN có một món nợ là 100$; khi cho vay người ấy đã đòi một tài sản thế chấp được định giá là 130$; thí dụ là một villa cao cấp. Nay người đi vay không trả nợ và villa bán không có ai mua; vậy NBN đang ôm một đống gạch và không có tiền mặt để tiếp tục cho vay. Nay trên thị trường tài chính có NM1. Người này mua món nợ của NBN. Giá là 70$. NBN nhận được số tiền kia và họ kinh doanh tiếp. NM1 bây giờ có một villa và phải tìm cách bán đi, để lấy vốn và lãi về. Họ sẽ bán cho NM2. Tiếp theo, người NM2 bán cho NM2 khác. Những người này có nhiều. Họ mua bán lẫn cho nhau cho đến khi có người thực sự mua villa để ở. Các giao dịch ấy diễn ra được là vì nền kinh tế của một địa phương thay đổi theo chu kỳ: suy thoái - phục hồi - hưng thịnh. Khi mỗi chu kỳ xẩy ra có người mua vào, kẻ bán ra tùy theo vận hội và sự tiên đoán tình hình kinh tế của mỗi người. Những NM2 thường là những người có nhiều tiền và khi villa đã đến tay họ rồi thì nó có thể qua tay nhiều NM2 khác; có người sẽ được lãi; có người bị lỗ, tùy khả năng tiên đoán của họ. Người mua nhà để ở sẽ là người cuối cùng; họ không bán nữa. Vào lúc ấy, villa (nợ xấu) có thể không còn có giá 130$ nữa, mà có thể cao hơn, hay thấp hơn. Người được lời lãi hay chịu lỗ thực sự là người mua nhà để ở. Vậy họ chính là người ôm món nợ xấu. Tuy nhiên vì tất cả những người MN2 và người mua để ở chấp nhận lý lẽ thuận mua vừa bán nên không ai thấy thiệt hại vì cái villa kia. Ở xứ người là như thế, ở ta nó khác.
Trong tình hình của ta NBN bán villa cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Nơi sau là NM1. VAMC sẽ đưa cho NBN trái phiếu chuyển đổi và nhận villa theo giá thị trường. Việc mua bán nợ sẽ dừng nếu không có NM2. Chúng ta đang ở trong hoàn cảnh này. Chúng ta chưa có những NM2! Vậy VAMC sẽ là chủ của nhiều villa, cao ốc. Cứ tưởng tượng vào đầu tháng 11/2013, ở TPHCM có 10.053 căn hộ chung cư và 120,8 ha đất nền nhà bỏ trống. Ở Hà Nội có 152 khu đô thị thì chỉ mới có 15 khu đã làm xong và được sử dụng. NBN có thể cầm số trái phiếu đặc biệt đến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xin tái cấp vốn; nhờ đó họ sẽ có tiền đem cho vay. Do bán nợ cho VAMC, bảng cân đối của họ không còn nợ chưa trả, nên sạch, và họ có tiền đem cho vay lấy lãi. Dẫu vậy, NBN vẫn phải bỏ tiền lập quỹ dự phòng là 20% mỗi năm cho món nợ đã bán và vẫn phải tiếp tục đòi con nợ trả tiền. Nếu VAMC bán được món nợ cho NM2 thì họ sẽ giao tiền bán lại cho NBN và lấy 2% phí trên số tiền đó. VAMC cũng có thể chuyển nợ thành cổ phần để góp vốn vào công ty là con nợ của NBN. Nếu món nợ bán bằng giá, NBN không phải lập quỹ dự phòng nữa, còn không thì tiếp tục làm trong những năm còn lại. Từ quy định này ta thấy bao lâu mà nợ xấu tồn tại – dù đã bán đi cho VAMC- thì NBN vẫn phải lập quỹ dự phòng. Quỹ ấy làm tiền chia cổ tức bị giảm; các cổ đông sẽ chịu hậu quả; coi như sẽ ôm nợ xấu trong 5 năm. Nếu NBN không bán cho VAMC, như Vietinbank làm chẳng hạn, thì họ phải lập quỹ dự phòng; như thế nghĩa là cổ đông của họ ôm nợ xấu.
Một viễn cảnh
Bây giờ ta nhìn đến số tiền mà NHNN tái cấp cho các NBN. Theo thí dụ ở trên, họ sẽ được vay (70% của 70$) 49$. Sau khi trừ tiền cho quỹ dự trữ bắt buộc thì NBN có thể cho vay khoảng 40$. Vậy nền kinh tế sẽ có một số tiền mới thêm (40$) được đưa vào thị trường khi NBN đem cho vay. Cộng số tiền ấy với mức tăng tín dụng, bội chi ngân sách và tổng phương tiện thanh toán được tung ra hàng năm thì tổng số tiền nằm trong nền kinh tế sẽ gia tăng. Nếu số tiền kia được sử dụng hữu hiệu trong sản xuất kinh doanh thì nó sẽ không tạo ra lạm phát và giúp cho nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng. Nếu số tiền đó bị dùng không hiệu quả như ở Vinashin năm nào thì nó sẽ tạo nên lạm phát. Khi ấy mọi người trong xã hội, vì có dùng tiền, sẽ bị khổ hơn so với trước kia. Như thế là toàn xã hội sẽ bị buộc phải đứng ra trả các món nợ xấu! Sự bó buộc kia được thể hiện qua giá cả tăng, chi phí giáo dục, y tế, điện, nước cũng ngày càng tăng mà mỗi gia đình phải trả. Đó là một viễn cảnh có thể xảy ra cho chúng ta, nếu đồng tiền không được sử dụng hữu hiệu và hiệu quả.
Đến đây có một câu hỏi là liệu chúng ta sẽ có nhiều NM2 không? Thị trường bất động sản sở dĩ bị trầm lắng là vì các nhà đầu tư bất động sản đã phân khúc thị trường sai; thành ra nhà xây xong mà không bán được. Trong hai ba năm nữa nền kinh tế của chúng ta có phục hồi và tăng trưởng hay không? Các báo cáo của Quốc hội nhận định sự tăng trưởng ấy sẽ lên rất chậm. Như thế sẽ có ít người mua những villa cao cấp, cao ốc hiện đại để ở.
Chúng ta hy vọng nhà đầu tư nước ngoài sẽ bỏ tiền mua nợ của VAMC, tức là mua những villa, những cao ốc kia. Vậy họ sẽ mua những thứ đó làm gì? Sẽ bán chúng cho ai? Trong bao lâu? Không trả lời được những vấn đề thương mại như thế họ sẽ chẳng mua. Chưa kể đến hai yếu tố khác cũng quan trọng đối với họ. Một là luật lệ về nhà cửa (thí dụ, một căn hộ ba cách tính) về đất đai (giá cả, thế chấp) sẽ khiến họ ngại ngùng. Hai là bản chất của các nhà đầu tư vào Việt Nam như đã thấy sau khi ta vào WTO; họ toàn là những quỹ đầu tư bỏ vốn (private equity) nhưng không để vốn lâu qúa 5 năm trong một dự án. Mua các cao ốc để chờ thời vô hạn định là sai với nguyên tắc kinh doanh của các loại quỹ này.
Đi xa hơn nữa, thì trước gánh nặng nợ xấu đè trên các ngân hàng, nhóm tư vấn chính sách kinh tế cho Thủ tướng Chính phủ đã đệ trình ba phương án để Thủ tướng lựa chọn.
Thứ nhất là để ngân hàng thương mại và doanh nghiệp tự xử lý. Khi ấy xử lý nợ xấu mất 10 năm; như vậy, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán sụp đổ, tín dụng đóng băng và GDP rơi vào tăng trưởng 0% trong vòng 15-20 năm.
Thứ hai là ngân sách nhà nước, vay tiền từ Quỹ Tiền tệ quốc tế, vay tiền của các định chế tài chính quốc tế và vay cả của dân để xử lý. Thực hiện phương án này, xử lý nợ xấu chỉ mất 2 năm, sau đó, thị trường bất động sản, chứng khoán phục hồi, tăng trưởng kinh tế vào khoảng 7-8%/năm. Nhưng áp lực nợ công sẽ tăng cao khủng khiếp và cũng không thể thuyết phục được Quốc hội vì ngân sách không có tiền.
Thứ ba là dùng chính tiền của NHNN để xử lý nợ xấu bằng một trong hai cách là bơm thẳng tiền cho ngân hàng thương mại hoặc thành lập một khâu trung gian hoạt động như một doanh nghiệp nhà nước để xử lý nợ xấu.
Thủ tướng lựa chọn phương án ba. Là cách ta đề cập ở trên. Trong cách này thì có khả năng là toàn xã hội trả nợ xấu; nhưng việc đó diễn ra từ từ, nho nhỏ nên ít người thấy. Về mặt tâm lý, cái gì mình chịu mà giống như của những người khác đang chịu thì ta không thấy đó là điều bất hạnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét