VNN - Người thị dân HN kiểu mới trở nên kiêu bạc thực sự. Bạn thuê cửa hàng, như ở đâu bạn là khách hàng thì không biết, ở Hà Nội phố, bạn vẫn là người nhờ vả người ta.
Nghe ông bà kể lại, người Hà Nội đầu thế kỷ là dân các làng kéo lên, nên tập trung vào một khu vực để cùng sinh sống, làm ăn. “Buôn có bạn, bán có phường”, đều là dân cùng làng, tình làng nghĩa xóm còn nguyên, nay lại thêm gắn bó bởi yếu tố “tương trợ kinh tế”. Hồi cách đây mấy chục năm, mình xuống Hải Phòng vẫn còn ngạc nhiên khi thấy các cửa hàng ở đây bán đủ cả, từ dây thừng, lợn đất đến linh kiện điện tử... Bởi vốn đã quen kiểu buôn bán khá chuyên biệt ở Hà Nội – chỉ có Chợ Giời Hà Nội là giống khu Tân Thành, Dân Sinh trong Sài Gòn một chút, còn thì vẫn tập trung thành khu phố “hàng”.
Về sau có những khu hình thành rất thú vị, như Hàng Bồ thôi bán bồ, mà bán kim chỉ đồ khâu. Lại cái “anh” hàng Da, bị “chú” hàng xóm Hà Trung “lấy” mất nghề đồ da. Còn hàng Cháo tuyệt nhiên không bán cháo, mà bây giờ lên đó mua khoan, mua máy mài, mũi khoan lưỡi cắt đủ cả…
Theo mình hiểu qua lời kể của người lớn, thì dân hàng phố thường làm nghề luôn, nên sống với nhau có tình, cũng là thêm tình đồng nghiệp nữa. Ngày xưa đi lại xa xôi cách trở, lại di cư làng xóm cứ kéo cả nhà, cả thôn lên, nên cũng ít “về quê”. Người thị dân Hà Nội cũng dễ sống, vì trung tâm buôn bán sầm uất, chốn phồn hoa đô hội, làm gì mà chẳng sống được – dù không phải ai cũng giàu có. Tuy nhiên, vì cái “chất Hà Nội” chẳng lẫn đi đâu được trong đi đứng ăn uống nói năng chừng mực, từ tốn; có vẻ e dè và hơi khép kín, do đó có tiếng kiêu bạc chăng.
Mình là người đã bị mai một đi nhiều cái sự giáo dục cẩn thận của các cụ, từ thưa gửi lễ độ, đi lại khẽ khàng… nay chỉ còn giữ được chút chút thôi, không nhiều. Cũng đã đi dép lê đi ra xa xa cách nhà cả cây số, chứ trước đây chỉ có ra vỉa hè ngồi mới đi dép lê, còn đã dùng “phương tiện” (xe đạp trở lên) là ít ra, dép quai hậu, không thì đi giày. Ông bà dạy cẩn thận từ đánh đôi giày, chải bộ veston bằng cái bàn chải lông ngựa ông vẫn treo ở sau cánh cửa. Hôm nọ gọi ông con trai ngoài đường to tiếng, lại sực nhớ ra, ngày xưa được dạy không được như thế, muốn gọi, đi lại gần, nói vừa đủ nghe.
Cách đây hai năm, chỗ chị xã làm có một chú bé người Hà Nội gốc, đúng còn giữ được như thế. Ăn nói nhỏ nhẹ, cần gì vào tận nơi mà nói, cấm có gọi với từ phòng này sang phòng khác. Chú ta kém mình đến già một giáp chứ không có ít, thế mà gia đình giữ được nếp kỹ càng đến vậy!
Lại nói chuyện cũ, về người Hà Nội của những năm sau tiếp quản Thủ đô. Hồi ấy, gần nhà mình có một “khu tập thể” của bộ văn hóa. Mình dùng cái ngoặc kép là vì nó không phải là khu tập thể được xây mới, hay chỗ phân đất, mà là cái biệt thự cũ của một ông chủ người Pháp da đen, nhà ông ấy là chủ của trại bò trên phố Lò Đúc đã mấy đời. Ông ấy về Pháp năm 1953, bỏ lại cái nhà to đùng vừa xây mới cứng được trưng dụng chia cho cán bộ của bộ văn hóa.
Về “khu tập thể” đầu tiên là những cư dân từ Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hòa Bình… sau thì con cái của họ lớn, lấy vợ lấy chồng cũng về đó ở cả. Tiếp đến, xuất hiện thêm những cư dân từ Nghệ An, Hà Tĩnh… Rồi từ con lợn, con gà, từ vại nước tiểu để lâu ngày tưới rau… tất cả những đất lề quê thói được những “người Hà Nội mới” mang lên từ quê, vẫn còn gắn chặt chẽ với họ, chứ chưa có đâu xa. Nhưng thời bao cấp, không tăng gia, không được, ai cũng thế cả, nên dần nó thành quen.
Song cái lối sống, thì thật khó thể nào quen được với cái kiểu Bộ VH gì mà lắm cái... kém văn hóa. Từ chuyện hắt nước sang cửa nhà hàng xóm đến tranh cãi xem nhà nào tổng vệ sinh cái khu hố tiêu công cộng thiếu béng mất một hôm…
Dần dần, tất cả những cái cư xử đó, nó trở thành bình thường và biến thành những chuẩn mực mới.
“Người Hà Nội phố” của đầu thế kỷ 20, càng ngày càng ít đi, thay thế bằng những “người Hà Nội mới hơn”, và cái sự kiêu bạc của họ cũng khác. “Đất làm ăn” không đẻ ra thêm được, ngày càng chật, người ngày càng đông. Sự dịch chuyển dân cư của Hà Nội rất đặc thù và khá phổ biến: nhiều gia đình phải chấp nhận cho các gia đình “người Hà Nội mới” chia sẻ chỗ ở cùng, thì chọn “lên gác”, dành cái mặt tiền tầng 1 cho những gia đình mới đến. Đó chính là những người thị dân mới, làm thành bộ mặt mới cho Hà Nội.
Qua thời gian, những gia đình “lên gác” rồi cũng chuyển đi nơi khác gần hết, thay thế cho họ là những gia đình khác nữa, về sau mới đến mua lại để ở, còn làm ăn, buôn bán, “không có chỗ thì thuê.” Và thế là hình thành lối sống mới, có nhà mặt phố đem cho thuê để sinh sống, còn những người “trên gác mới”, thì đi thuê lại cửa hàng để buôn bán.
Cái “chất” ngày xưa có nhà ở phố đó, sống bằng nghề đó, dần mai một đi rất nhiều. Nay mua nhà mục đích trước mắt để cho thuê, hoặc nhiều tiền hẳn, thì người buôn bán ở tỉnh khác về Hà Nội mua nhà trong khu phố để buôn bán.
Cứ thế, cứ thế… Hà Nội đâu có nhiều đất mặt đường, nên không cho chú thuê được thì tôi cho người khác thuê. Người thị dân Hà Nội kiểu mới trở nên kiêu bạc thực sự. Bạn thuê cửa hàng, như ở đâu bạn là khách hàng thì không biết, ở Hà Nội phố, bạn vẫn là người nhờ vả người ta, bạn vẫn phải quỵ lụy, chứ không “hành hạ” người ta được. Và người ta vẫn có quyền đều đặn đến ngó ngàng xem bạn làm gì với cái nhà của người ta, nhìn ngó hoạt động kinh doanh của bạn bằng cặp mắt xét nét…
Mình từng đi thuê nhà làm văn phòng mà ông chủ nhà yêu cầu phải được thỉnh thoảng vào ngó “xem các cháu có làm hỏng nhà của chú không.” Khái niệm “trong thời gian thuê, người thuê là chủ nhà” không có trong đầu của những người “Hà Nội kiêu bạc kiểu mới.”
Lúc ngồi viết những dòng này, mình cũng hoang mang không rõ, “chất Hà Nội ngàn năm văn hiến” “đất văn vật” nó như thế nào nữa – vì chính bản thân mình cũng đã không nguyên gốc, bị mai một đi bao nhiêu.
Chỉ nhìn ra cửa sổ thấy mùa thu Hà Nội vẫn thế, nắng vàng rực rỡ và gió ào ào thổi, mát lạnh, chuẩn bị cho một mùa gió Đông Bắc se lòng bao người xa xứ…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét