Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

Mơ một chiếc đồng hồ nợ công

FB Đoàn Khắc Xuyên
(Tặng HN ngày bắn pháo bông)

Có lẽ nhiều người, trong đó có tôi, có một ước mơ. Mơ rằng, giá như bên bờ hồ Hoàn Kiếm, trước UBNDTP Hà Nội; trước tòa nhà hành chính thành phố Đà Nẵng; và trước UBNDTP Hồ Chí Minh, hướng nhìn ra đại lộ Nguyễn Huệ, người ta lắp đặt một chiếc đồng hồ nợ công của Việt Nam. Đồng hồ nợ công này chỉ cần cập nhật hàng tháng thôi chứ cũng không cần đến từng giây như cái đồng hồ nợ quốc gia của Mỹ gần quảng trường Thời đại ở New York hay cái đồng hồ nợ công toàn cầu trực tuyến của tờ tạp chí The Economist . 

Sẽ có người cho rằng, một cái đồng hồ nợ công như vậy có lẽ hơi hình thức và trong điều kiện thống kê, số liệu và văn hóa công khai kém như ở Việt Nam thì một ước mơ như vậy là xa vời. Nhưng ước mơ đâu có tốn tiền, vậy thì tại sao không ước mơ? Giàu như nước Mỹ, người ta còn nhắc nhau về món nợ quốc gia, nghèo như Việt Nam mình tại sao không? Dẫu thế nào, nếu có một đồng hồ nợ công như vậy ở Việt Nam, những người có quyền quyết định chi tiêu ngân sách sẽ phải liếc nhìn nó, ý thức và cẩn trọng hơn trong mỗi quyết định chi tiêu ngân sách, vay nợ; và công luận nói chung cũng như từng công dân sẽ có ý thức giám sát chặt chẽ hơn, quyết liệt hơn trong việc đòi hỏi quan chức nhà nước phải chứng minh hiệu quả số tiền ngân sách bỏ ra cho mỗi một dự án.

Bởi vào đầu tháng 10-2014 này, đồng hồ nợ công thế giới (The Global Debt Clock - GDC) của tạp chí The Economist ghi nhận mỗi người dân Việt Nam, bất kể già trẻ, lớn bé đã phải gánh thêm số nợ công 84 đô la (xấp xỉ 1,8 triệu đồng) so với năm trước. Theo GDC, nợ công của Việt Nam vào đầu tháng này là xấp xỉ 84,32 tỉ đô la Mỹ, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 47,3% GDP. Với dân số 90,964 triệu dân, thì hiện mỗi người Việt đang gánh hơn 930 đô la (khoảng trên 20 triệu đồng) nợ công. Đầu tháng 10-2013, nợ công của VN mới chỉ ở mức trên 76,24 tỉ đô la và với 90,126 triệu dân tại thời điểm đó, tính trung bình mỗi người VN gánh 846 đô la nợ công. Vậy là sau một năm, tổng nợ công đã tăng hơn 8 tỉ đô la, và mỗi người Việt phải gánh thêm 84 đô la. Con số nợ công của Việt Nam có thể xê xích ít nhiều theo các tính toán khác nhau, có chuyên gia đưa ra con số 90 tỉ đô la. Vấn đề là, dù chưa vượt qua ngưỡng an toàn 65%/GDP song nợ công của Việt Nam vẫn theo chiều hướng tăng trong khi nền kinh tế vẫn tiếp tục loay hoay với tái cơ cấu mà chưa thấy kết quả, chưa rõ lối ra và đã phải tính đến việc đi vay nợ mới để trả nợ cũ, trong khi những hệ quả xã hội của khủng hoảng kinh tế thì đã nhãn tiền.

Những con số thì khô khan, có thể làm người ta giật mình chốc lát rồi thôi. Nhưng những số phận con người cụ thể bị tác động bởi đói nghèo, hậu quả của lãng phí trong chi tiêu công, của sự thiếu hiệu quả trong đầu tư công khiến nợ nần quốc gia ngày càng tăng mà đời sống người dân chậm được cải thiện, thậm chí thụt lùi, thì đầy ám ảnh lâu dài. Không ám ảnh sao được trước tin một em bé lớp ba ở Hà Tĩnh, vì đói mà rơi xuống mương và chết đuối trên đường đi học về. Dù nhà nghèo kiết đến độ trên bàn thờ đặt di ảnh em không có nổi cái bát nhang và người đến viếng phải cắm nhang vào một cái thau quơ vội đâu đó, nhưng nhà em vừa được chính quyền địa phương đưa ra khỏi diện hộ nghèo để lên cận nghèo. Không ám ảnh sao được trước tin một người bán vé số dạo mới 43 tuổi, quê Nam Định, vì bị lừa lấy vé trúng giả mất ba triệu đồng mà cảm thấy quẫn bách đến nỗi phải gieo mình xuống kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau tự tử. Cũng ở Cà Mau, cách đây chưa lâu một phụ nữ có cái tên đẹp mà vắn số là chị Mỹ Nhân đã quyên sinh để nhà được đưa vào diện hộ nghèo và để con có tiền đi học. Và còn bao nhiêu câu chuyện tương tự mà truyền thông không biết đến?

Thế nên, trong khi đất nước còn không ít những câu chuyện buồn như vậy, trong khi tấm lưới an sinh xã hội còn chưa phủ khắp để đỡ lấy những thân phận bấp bênh (bảo hiểm xã hội mới phủ khoảng 20% lực lượng lao động, bảo hiểm y tế khoảng 69% dân số), thì không phải là vô lý khi có người mơ đến chiếc đồng hồ nợ công như một công cụ cảnh báo thường trực đối với những ai có quyền quyết định chi tiêu ngân sách. Trước khi ký duyệt những dự án, những công trình trăm tỉ, ngàn tỉ, chục ngàn tỉ đồng, họ cần nghe tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ nợ công, nhìn lên nó và nhớ đến những thân phận bạc phước vì nghèo trong những câu chuyện trên để tự hỏi: dự án này, công trình này có phục vụ việc cải thiện cụ thể đời sống người dân nói chung và người nghèo nói riêng hay chỉ phục vụ lợi ích một nhóm nhỏ nào đó, hoặc chỉ để phô trương?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét