Đất Việt - Trên thực tế có hối lộ bằng tình dục nhưng cũng rất ít và núp dưới hình thức tinh vi đến mức khó mà định lượng được đó là tội phạm.
Đại biểu Quốc hội Lê Nam, đoàn Thanh Hóa đã chia sẻ với Đất Việt trước ý kiến của ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương rằng: nên đưa vào luật quy định về xử lý hành vi hối lộ tình dục vào hoàn thiện các quy định về tội hối lộ trong Bộ luật hình sự năm 1999.
Cần bổ sung tội đưa hối lộ bằng tình dục?
Cụ thể, tại một cuộc họp, ông Khánh đề nghị, bên cạnh các yếu tố vật chất thì người đưa hối lộ đang sử dụng những lợi ích khác không thua kém như chạy thành tích, khen thưởng, danh hiệu hoặc tình dục để đạt được mục đích của mình.
“Những vấn đề này sẽ phải được nghiên cứu đưa vào dự thảo Bộ luật hình sự sẽ sửa đổi trong thời gian sắp tới”, ông Khánh nói.
Theo ông Khánh, các chuyên gia tư pháp quốc tế đã khuyến cáo Việt Nam cần sớm sửa đổi Bộ luật hình sự, bổ sung các hành vi đưa hối lộ và cơ chế kiểm soát, xử lý kịp thời mới mong ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng.
“Họ khuyến cáo chúng ta nên đưa vào luật quy định về xử lý hành vi hối lộ tình dục”, ông Khánh cho biết.
Ông Khánh cũng khẳng định: Việc đưa hối lộ bằng tình dục chắc chắn có ở Việt Nam. Do đó trong luật sửa đổi sắp tới sẽ phải đưa ra những khái niệm chung để xử lý được cả hành vi hối lộ tình dục. Trong quá trình hướng dẫn thực hiện sẽ phải nói rõ, đưa ra các khái niệm rạch ròi để xử lý được những hành vi này.
Khó vì... bằng chứng đâu?
Cũng cho rằng hành vi này có thể có trong thực tế, song đại biểu Lê Nam e ngại: Về mặt xã hội cũng khó mà xác định đây là việc đưa hối lộ.
“Trên thực tế cũng có thể có câu chuyện này nhưng cũng rất ít và núp dưới hình thức tinh vi đến mức khó mà định lượng được đó là tội phạm”, ông Nam nhận định.
Theo ông Nam, nếu việc quan hệ tình dục với một người có chức có quyền để đổi lấy một cơ hội nào đó cũng không rõ phải quy định trong Luật như thế nào.
“Nếu định vào tội hối lộ tức là người ta đưa cho người có chức quyền một lợi ích vật chất hoặc tinh thần nào đó để được người kia cho lại họ một quyền lợi hoặc lợi ích trái pháp luật. Nhưng về quan hệ về tình dục thì không xác định được, kể cả khía cạnh tội phạm cũng không biết xét thế nào (kể cả chủ quan và khách quan)”, ông Nam băn khoăn.
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn ĐBQH TPHCM: trong khái niệm hối lộ nên chú ý cả tài sản vô hình và hữu hình và cả những mối lợi vật chất, tinh thần, tình cảm. Đây cũng là xu hướng các nước hiện nay đang hướng tới. Điều này có nghĩa là một người cũng có thể dùng tình cảm để hối lộ.
“Tình dục cũng là một công cụ dùng để hối lộ được và cũng nên nghiên cứu mở rộng. Mục đích của mình là chống tham nhũng nên những hành vi gì đưa ra hối lộ thì đều phải chống.
Ở Việt Nam mới đang chú ý tới hối lộ bằng hiện vật nhưng ít chú ý tới các hình thức khác như tạo cơ hội, lợi thế (xin việc làm) hiện nay chưa được chú ý”, ông Nghĩa nói.
Còn đại biểu Bùi Thị An, đoàn Hà Nội bày tỏ quan điểm: “Nói chung loại hình nào của hối lộ cũng là tội nhưng làm sao để xác định được tội hối lộ bằng tình dục. Nguyên do là vì đã tội thì phải trọng chứng hơn trọng cung, song lấy gì để làm chứng cứ?”, bà An đặt câu hỏi nghi ngại.
Đại biểu Đinh Xuân Thảo, Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cũng nhìn nhận: Nếu có chuyện đưa trao đổi lợi ích bằng tình dục thì xử vào tội danh khác chứ đưa vào tội danh hối lộ thì khó.
“Khi quy định một tội danh phải có hành vi, mục đích, động cơ của nó như những tội khác xâm phạm tình dục…. Bây giờ đưa vào tội danh hối lộ nhận vật chất hoặc tinh thần, nhưng bây giờ quy định cũng rất khó”, ông Thảo nói.
Do đó, đại biểu Lê Nam kiến nghị: “Không nên đưa điều này vào Luật và nếu có đưa ra Quốc hội thì cũng khó thuyết phục.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét