LĐO - Câu chuyện Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thừa Thiên - Huế nhất quyết không chịu dời nhà, bàn giao mặt bằng làm đường đang khiến cho dư luận phẫn nộ.
Nhất là, đó là căn nhà duy nhất không chịu di dời. Nhất là, khi ông huỵch toẹt: “Chừ có cách chức anh thì chả có vấn đề gì cả. Nhưng mất của anh 200 triệu đồng thì cuộc đời làm phó giám đốc của anh có bòn được hai chục triệu đâu!”.
Và, với 6 lá đơn kiện không được giải quyết, ông tuyên bố “chừ tôi liều mạng luôn”!
Không phải không có lý khi người dân nhìn thấy ở đó câu chuyện kỷ cương phép nước, nghe thấy trong những phát ngôn thái độ coi thường dư luận, thiếu tôn trọng nhân dân, hay thậm chí, là sự tin tưởng vào bộ máy công quyền. Có gì trái khoáy hơn khi ngay chính một quan chức thẩm quyền về mặt pháp luật lại đang “ngồi xổm trên pháp luật” như vậy!
Nhưng thật ra, ông phó giám đốc sở đã không sai khi bảo vệ quyền khiếu nại, rằng: Trước khi làm lãnh đạo thì tôi phải làm công dân đã, tôi khiếu nại với tư cách công dân chứ không phải làm lãnh đạo là cúi đầu chịu thiệt, bởi pháp luật là công bằng, ai cũng được hưởng”.
Làm lãnh đạo là không có quyền khiếu nại à? Tại sao là đảng viên thì phải chịu thiệt? - vị phó giám đốc, trong vai một người dân kiện đã nêu ra những câu hỏi không hề dễ trả lời, những câu hỏi mà người dân kiện không ít lần tự hỏi chính mình. Và sau đó ông tự trả lời “Đây là tài sản của anh, được Nhà nước bảo hộ nên không có quyền lực nhà nước nào đem đi cướp tài sản của anh hết”.
Có một tình tiết rất hài hước là vị phó giám đốc sở - đương sự hôm nay - từng là chánh tòa hành chính, nơi “Nhân danh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” phán xét những vụ “con kiến kiện củ khoai”.
Giá như hôm qua khi ngồi ghế chánh tòa hay khi đường bệ ngồi ghế phó giám đốc sở, ông cũng thấm thía, cũng nhìn nhận các vụ khiếu tố của dân đúng với cái tâm thế của người khiếu tố.
Đoàn khiếu tố đông người đang tăng 12,1%. 5.000 đơn giám đốc thẩm tồn đọng không cả phân loại, không biết cái nào đúng, cái nào sai. Những con số nhức nhối vừa được nêu tại diễn đàn Quốc hội. Và nguyên do cũng vừa được nói tới, rất rõ: Là do trách nhiệm của người giải quyết khiếu tố chứ không phải do cơ chế pháp luật.
Giá mà mỗi pháp quan ngồi tòa, giá mà mỗi vị lãnh đạo khi đối diện với những người dân đang gào hét uất ức với những khiếu tố kéo dài cả chục năm, cũng thấm thía nỗi cơ khổ, cũng có sự cảm thông, cũng một lần “được là người đi kiện” để hiểu cái tâm thế “Chừ tôi liều mạng luôn”!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét