Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

Tiền nhiều phục vụ ai?

Nguyễn Hữu Tâm

TVN - Nếu như hai chữ “tâm huyết” mà còn thiếu vắng thì tiền nhiều cũng chỉ phục vụ các mục đích ngoài khác mà thôi.  

Được mọi người tín nhiệm và mến phục là biểu hiện rõ ràng nhất về uy tín của một ai đó. Uy tín trong bất kỳ mối quan hệ hay ở giai tầng xã hội nào đều cũng được coi trọng. Nhưng uy tín lãnh đạo luôn được xã hội nhìn nhận là đặc biệt quan trọng vì tầm ảnh hưởng của nó. Uy tín của lãnh đạo cao hay sụt giảm luôn là thước đo có sức thuyết phục ghê gớm, giúp mọi người nhận ra được chân giá trị về tài năng và nhân cách.

Hãy xem việc đổi mới thi tốt nghiệp

Ai cũng hiểu cụm từ “giáo dục là quốc sách hàng đầu” nhưng hiểu sâu sắc hơn hết vẫn là những nhà lãnh đạo GD. Có như thế các nhà lãnh đạo GD mới làm tròn nhiệm vụ của người tham mưu, giúp Chính phủ có những quyết sách đúng đắn, là liều thuốc để củng cố lòng tin trong nhân dân.

Gần đây, một số quyết định quan trọng của Bộ GD đều được tham khảo ý kiến rộng rãi của dư luận. Đây là một cách làm khôn ngoan và thận trọng, nhưng lại thiếu đầu tư cho cái ban đầu, vì vậy tạo dư luận không tốt cho uy tín của ngành. Trong 03 vấn đề lớn Bộ tung ra để thăm dò ý kiến của công chúng trong đổi mới thi tốt nghiệp THPT năm 2014,  gồm: Thi 04 môn, trong đó có 02 môn tự chọn; mỗi tỉnh chọn tuyển thẳng 20% và Ngoại ngữ là môn tự chọn thì đã có đến 02 nội dung đa số mọi người không đồng tình.

Khi đưa ra các điểm mới trên, các chuyên gia của Bộ GD trả lời với báo chí đều đưa ra các lý lẽ tưởng như rất khoa học, đủ sức thuyết phục: Tuyển thẳng 20% là hợp lý, để tiết kiệm, bởi những em này cho thi cũng sẽ đỗ. Ngoại ngữ là môn tự chọn, đăng ký thi để cộng điểm khuyến khích, có như vậy các trường mới đổi mới cách học, cách dạy.v.v… Và cuối cùng Thông tư chính thức ban hành thì vẫn như cũ (môn Ngoại ngữ vẫn là môn tự chọn, đối tượng tuyển thẳng vẫn như cũ).

Chỉ mỗi nội dung giảm số lượng môn thi từ 06 xuống còn 04 và cho học sinh tự chọn 02 môn để thi… được Bộ đánh giá là “được nhân dân đồng thuận”. Mà không “đồng thuận” cũng lạ? vì cách hỏi của Bộ giống như câu hỏi tu từ trong văn chương: Em là ai, cô gái hay nàng tiên/ Em có tuổi hay không có tuổi? Hoặc: Tháng sau lên lương nhé! Phần này không thi nhé, các em...đồng ý không?

Một vấn đề quan trọng như vậy, thiết nghĩ cơ quan đầu não của ngành GD phải bàn bạc, dự báo mọi ý kiến của dư luận… nhưng rồi các nhà chuyên môn “quá sâu” vẫn bất lực trước những “tay ngang” nghiệp dư. Thế mới biết nhận định chua chát nhưng xác đáng lâu nay vẫn lan truyền là có căn cứ: “Ai nói về GD cũng được”.

Lần thứ hai trình bày dự thảo đề án đổi mới chương trình, SGK GD phổ thông sau năm 2015 trước Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, một Thứ trưởng Bộ GD cho biết để xây dựng chương trình và SGK, dạy thử nghiệm và đại trà... sẽ cần 34.275 tỷ đồng (VietNamNet, ngày 14/04/2014). Ngay lập tức dư luận “nổi sóng”. Nhiều từ ngữ, nhận định góc cạnh, hình tượng tràn ngập trên các mặt báo: “Sốc”, “té ngửa”, “GD đang vỡ trận”, “không cần nhiều tiền mà cần tâm huyết”, “tiền khủng mà lòng tin thì…thủng”…

Để giải thích cho con số “siêu khủng” trên, người của Bộ biện luận chỉ là “bảo vệ thử luận án”, chưa nói việc ông Phó Vụ trưởng Vụ TH nói cần 5000 tỉ để viết chương trình, SGK, trong khi đó ông Thứ trưởng nói chỉ cần hơn 100 tỉ (?) Để dư luận hết hơi phản đối, bình luận, cuối cùng vị tư lệnh của ngành giải thích đơn giản vì “sơ xuất”, vì bận đi công tác nước ngoài…

Cần lắm những con người…

Thực tế, phản ứng của công chúng cũng nên được phân tích kỹ. Công chúng cũng chỉ là đám đông  lớn tiếng và có khi đúng, khi sai. Vấn đề quan trọng là bản lĩnh, lòng dũng cảm của người đưa ra quyết định. Một quyết sách đúng đắn, mang tầm thời đại, có ý nghĩa dẫn đường và vô cùng cấp thiết trong thời điểm GD khủng hoảng, bất cập như hiện nay đôi khi chỉ vài người ủng hộ.

Có lẽ, ngành GD nên xác định động cơ, mục tiêu dài hạn, từ đó định hình những giá trị đích thực để vươn tới. Những giá trị đó phải được sẻ chia trong bộ máy lãnh đạo và lan tỏa đồng thuận xuống cơ sở. 

Nếu để những động cơ khác chi phối, thì lòng nhiệt huyết, sự tận tâm sẽ bi che lấp bởi những mỹ từ vô hồn. Như tác giả Lê Chân Nhân đã lạnh lùng nhận định: “Cái chúng ta đang thiếu nguồn lực ngoài tiền bạc, đó là tâm huyết. Không dám cho rằng tất cả người làm công tác GD đều thiếu tâm huyết, nhưng cũng không ít người xem trọng các loại quyền lợi hơn mục đích cống hiến cho nghề nghiệp. Nếu như hai chữ “tâm huyết” mà còn thiếu vắng thì tiền nhiều cũng chỉ phục vụ các mục đích ngoài GD mà thôi”[2]  

Đúng thế! GD cần lắm những con người trí tuệ, can đảm, dũng cảm và tâm huyết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét