Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

Chuyện lương giám đốc

(TBKTSG) - Khi nói đến chuyện lương thưởng của giới điều hành doanh nghiệp, hầu như mọi người đều nhất trí nếu đó là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán thì trả lương cho tổng giám đốc bao nhiêu là quyền của người chủ hay quyền của cổ đông.

Thật ra ở nước ngoài, cũng có những đợt rộ lên nhiều ý kiến phản đối giới CEO tự trả lương cho mình quá cao. Nhưng đó là những mức lương, thưởng tính ra cả chục triệu đô la Mỹ và ngay cả với những trường hợp này, cổ đông cũng chấp nhận mức lương cao nếu giá trị mà người tổng giám đốc đem về còn gấp mấy trăm lần khoản lương, thưởng này. Với các tài năng quản trị, con số lương không có mấy ý nghĩa vì, ví dụ như với Steve Jobs, CEO của hãng Apple, chỉ nhận 1 đô la tiền lương tượng trưng và thậm chí còn cam kết không nhận thưởng hay cổ phiếu ưu đãi. Thế nhưng giá trị ông đem lại cho cổ đông Apple, trong đó có cả cổ phiếu của ông, là con số tăng trưởng kỷ lục.

Quay trở lại nước ta, chuyện lương thưởng của giới giám đốc chỉ trở thành vấn đề tranh cãi khi đó là doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nơi người điều hành đồng thời là công chức nhà nước. Tuy nhiên, để các tranh luận mang tính khách quan, cứ giả định DNNN tuyển người bên ngoài vào làm tổng giám đốc thì sao? Có lẽ lúc đó ít ai phản đối chuyện trả lương cao. Bởi DNNN chỉ có thể thu hút được người giỏi, có kỹ năng quản trị, có tài lãnh đạo, có tầm nhìn chiến lược nếu doanh nghiệp ấy được quyền trả lương theo mức thị trường bằng không người dự tuyển sẽ đầu quân cho khối doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Không những thế, một trong những điều kiện những giám đốc làm thuê cao cấp này đặt ra là họ phải có quyền trả lương theo cơ chế thị trường cho bộ máy bên dưới bằng không họ cũng không thể có những phụ tá giúp họ lèo lái doanh nghiệp. Chính vì lý do này mà việc thí điểm tuyển giám đốc bên ngoài cho DNNN hầu như không tiến triển gì.

Vậy hóa ra vấn đề chỉ còn với DNNN mà giới lãnh đạo do Nhà nước cử ra để điều hành. Tại sao phải ràng buộc chuyện lương thưởng với những người này nếu thật lòng mong muốn DNNN xoay chuyển từ chỗ thua lỗ sang làm ăn hiệu quả, bảo toàn và phát triển đồng vốn cho Nhà nước? Không có một lý lẽ nào có thể đứng vững cả. Trả lương thấp chắc chắn sẽ dẫn tới những hệ quả: chỉ còn lại người có khả năng làng nhàng làm việc hoặc người giỏi biến báo sổ sách để tư lợi và do đó làm hại cho tài sản nhà nước; nếu còn người giỏi có tâm huyết với sự nghiệp chung, họ cũng không thể tổ chức bộ máy đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp thuộc thành phần khác. Lương thấp cũng sẽ là động cơ để giới điều hành tổ chức doanh nghiệp sân sau, doanh nghiệp gia đình, để miếng ngon thì dành cho sân sau, miếng xương xóc buộc DNNN gánh chịu.

Người ta thường so sánh mức lương cao của giới giám đốc so với mức lương thấp của công nhân để đòi hỏi sự công bằng. Nhưng phải nhớ chỉ khi giới điều hành an tâm với đồng lương để không tìm cách “xoay xở”, họ mới thực sự toàn tâm toàn ý vì sự phát triển của doanh nghiệp. Và doanh nghiệp có phát triển, thu nhập công nhân mới được cải thiện và tăng lên theo đúng thị trường. Doanh nghiệp thua lỗ, lương giám đốc dù bị ép xuống thấp, lương công nhân lúc đó càng tệ hại.

Dĩ nhiên hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sẽ là phép thử tài năng của người điều hành. Nếu làm dở, doanh nghiệp thua lỗ triền miên, lúc đó không còn là chuyện lương nữa. Lúc đó cứ sa thải người điều hành yếu kém để tìm người khác xứng đáng hơn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét