Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, ngân hàng phá sản là cách tốt nhất để người gửi tiền thức tỉnh giấc mơ làm giàu trên lãi suất huy động, đảm bảo yếu tố thị trường của ngành tài chính.
Tại phiên thảo luận về sửa Luật Các tổ chức tín dụng nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về quyền lợi người gửi tiền trong phương án phá sản ngân hàng. Khi không làm rõ vấn đề này có thể dẫn đến nguy cơ người gửi tiền rút tiền ồ ạt lan truyền, đe dọa đổ vỡ dây chuyền, ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng.
Trước băn khoăn của nhiều đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, chủ trương phá sản chỉ xem xét theo nguyên tắc là biện pháp cuối cùng khi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không có khả năng thực hiện hoặc thực hiện không thành công các phương án khác (phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, giải thể hoặc chuyển giao bắt buộc).
Trước quan điểm của cơ quan soạn thảo sửa Luật Các tổ chức tín dụng, trao đổi với phóng viên Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, nếu không cho phá sản ngân hàng sẽ không giải quyết dứt điểm được ung nhọt của ngành tài chính.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành dẫn giải, Luật Các tổ chức tín dụng không có quy định nào cấm ngân hàng phá sản nhưng Chính phủ không muốn cho ngân hàng phá sản. Vấn đề đặt ra ở đây, ngân hàng cũng như doanh nghiệp khi làm ăn thua lỗ không còn đủ điều kiện hoạt động của một tổ chức tín dụng tại sao lại không cho phá sản, quyết định không cho phá sản ngân hàng là thiếu cơ sở luật pháp.
“Không cho ngân hàng phá sản vì lo ảnh hưởng quyền lợi người gửi tiền là không thỏa đáng. Bởi theo Luật Các tổ chức tín dụng khi ngân hàng phá sản người gửi tiền lúc đó sẽ hưởng bảo hiểm tiền gửi 75 triệu đồng/ tài khoản. Luật pháp rất rõ ràng nhưng không áp dụng.
Tại sao không áp dụng vì Chính phủ lo ngại một ngân hàng phá sản sẽ gây hiệu ứng dây truyền người gửi tiền sẽ rút tiền ra, làm đổ vỡ hệ thống, từ một ngân hàng phá sản sẽ kéo theo đổ vỡ của nhiều ngân hàng,….Nhưng đây chỉ là suy nghĩ của một vài người”, ông Thành nói.
Theo ông Thành chính vì không muốn cho ngân hàng phá sản nên khi thảo luận tại kỳ họp lần này vấn đề tăng bảo hiểm tiền gửi được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.
“Tuy nhiên chúng ta phải hiểu xét về luật pháp tất cả công dân Việt Nam đều phải tuân thủ pháp luật và pháp luật áp dụng cho mọi người. Khi anh đem tiền gửi ngân hàng anh phải biết được nếu ngân hàng đó phá sản anh chỉ nhận được bảo hiểm tiền gửi là 75 triệu đồng ngoài ra anh sẽ mất trắng.
Từ đó anh mới lựa ngân hàng mà gửi nhưng mình lại không cho ngân hàng phá sản qua đó tạo điều kiện cho người dân ung dung với suy nghĩ không bị mất tiền, từ đó tạo ra tình trạng ham tiền lãi, chỗ này hơn chỗ kia 0,5%, 1% là nhao đến không cần biết ngân hàng đó ra sao.
Nếu không ham lãi suất lớn mà đưa tiền vào ngân hàng lớn, ngân hàng uy tín để gửi thì làm gì có rủi ro phá sản. Chính việc không cho ngân hàng phá sản khiến người gửi tiền ỷ lại và không thức tỉnh”, ông Thành chỉ rõ.
Trở lại vấn đề nâng bảo hiểm tiền gửi để người gửi tiền không chịu thiệt khi ngân hàng phá sản, ông Bùi Kiến Thành thẳng thắn cho rằng, nếu tăng bảo hiểm tiền gửi cho mỗi tài khoản lên ngân hàng không có tiền để trả.
Ông Thành phân tích, ngân hàng yếu kém đến mức phá sản khi vốn chủ sở hữu âm nhiều lần, tài sản ngân hàng bị thất thoát hoặc nằm trong khoản nợ xấu, nợ khó đòi…Trong khi 85% lượng tiền ngân hàng của Việt Nam đến từ kênh huy động tiền gửi. Nói cách khác tiền của người gửi đang nằm trong số nợ xấu, nợ khó đòi. Vì vậy nâng bảo hiểm tiền gửi ngân hàng sẽ không có đủ tiền để trả.
"Tài sản ngân hàng nằm trong số tiền cho vay, không phải ngày 1 ngày 2 là thu hồi trả lại cho người gửi, kể cả phần dự trữ không đủ. Lúc này chúng ta phải thẳng thắn đặt ra nếu ngân nào không còn đủ điều kiện hoạt động sẽ bị rút giấy phép, tức là phá sản.
Còn quyền lợi người gửi tiền dựa trên bảo hiểm tiền gửi, nếu người gửi tiền thua thiệt thì đó là cái giá phải trả cho việc ham lãi suất. Không thể mua mãi ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng", ông Thành cho biết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét