VNN - Việc cảnh sát giao thông kiểm tra, xử phạt các chủ phương tiện không có giấy đăng ký xe bản chính khi tham gia giao thông khiến nhiều chủ xe lo lắng.
Số liệu của Cục đăng ký giao dịch bảo đảm quốc gia, hiện cả nước có gần 1,3 triệu phương tiện giao thông đang thế chấp giấy tờ tại các ngân hàng, những chủ phương tiện này có nguy cơ bị công an xử phạt vì lưu thông sử dụng đăng ký phô tô.
Luật giao thông đường bộ năm 2008, qui định người điều khiển phải mang bản gốc đăng ký khi tham gia giao thông. Theo quy định này sẽ có nhiều chủ xe sẽ bị xử phạt do giấy tờ xe đang cầm cố, thế chấp ngân hàng.
Theo Nghị định 163/2006 của Chính phủ, khi chủ phương tiện thế chấp tài sản, ngân hàng được phép giữ bản chính, chủ sở hữu cầm bản copy đăng ký xe để tham gia giao thông.
Tuy nhiên, nhằm tránh xung đột với Luật giao thông đường bộ năm 2008, qui định người điều khiển phải mang bản gốc đăng ký khi tham gia giao thông. Nghị định 11/2012 sửa đổi thay thế Nghị định 163/2006 quy định không cho ngân hàng giữ bản chính đăng ký xe nữa và người chủ xe phải giữ bản chính để tham gia giao thông.
Việc cảnh sát giao thông kiểm tra, xử phạt các chủ phương tiện không có giấy đăng ký xe bản chính khi tham gia giao thông khiến nhiều chủ xe lo lắng, bởi rất nhiều người khi vay tiền ngân hàng mua xe, trả góp đều bị ngân hàng bắt thế chấp giấy đăng ký xe bản chính. Chính vì vậy, nhiều người dân, doanh nghiệp kinh doanh vận tải và cả phía ngân hàng cũng đều lo lắng, bồn chồn như "ngồi trên đống lửa" khi CSGT bắt đầu xử phạt.
Hoang mang vì bị phạt xe không có giấy tờ gốc
Anh Dương Văn Quyền, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội chạy xe khách hợp đồng cho biết, để mua được xe 30 chỗ chạy hợp đồng, anh phải đi vay một nửa số tiền để mua xe. Khi mọi giao dịch hoàn tất thì giấy tờ gốc của xe cũng phải đem vào thế chấp ngân hàng. Hôm trước anh chở khách đi Nghệ An và bị CSGT dừng xe và cho biết với lỗi không có giấy tờ gốc sẽ bị phạt anh mới biết.
“Mấy năm nay tôi chạy xe đều chỉ có giấy tờ công chứng thôi chứ không có giấy tờ chính, CSGT kiểm tra không xử phạt lỗi này. Giờ mà xử phạt lỗi này thì có khi phải để xe ở nhà. Mong các cơ quan chức năng có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân cũng như doanh nghiệp”, anh Quyền nói.
Không chỉ các hộ cá nhân đơn lẻ, nhiều hợp tác xã vận tải, doanh nghiệp taxi cũng trong tình trạng tương tự. Ở các đơn vị này gần như 100% xe mua là vay vốn ngân hàng, hiện giấy tờ đang thế chấp để vay tiền.
Ông Vũ Quốc Huy, đại diện hãng Taxi Ba Sao (Hà Nội) cho biết, hiện Công ty Ba Sao có khoảng 1.000 xe ôtô chạy taxi, trong đó đi vay ngân hàng đã khoảng 500 xe.
“Công ty chúng tôi kinh doanh xe ôtô chạy taxi gần hai mươi năm nay đều phải vay vốn ngân hàng. Trong xe luôn chỉ là giấy đăng ký xe bản sao và đều được pháp luật thừa nhận. Tại sao “đùng một cái” chẳng có thông báo gì cả cảnh sát giao thông lại xử phạt xe của chúng tôi và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh của công ty”, đại diện hãng Taxi Ba Sao nói.
Cũng theo đại diện của hãng này, hiện công an giao thông đang giữ một xe của hãng vì lỗi không có giấy đăng ký xe bản chính, còn trong mấy ngày nay, nhiều xe của hãng bị CSGT gọi lại hỏi kiểm tra giấy tờ.
Theo ông Huy, từ khi chưa bị giữ xe, hãng đã gửi công văn hỏi ngân hàng về quy định giữ bản gốc giấy đăng ký xe khi vay vốn ngân hàng nhưng các ngân hàng cũng chỉ trả lời họ làm theo quy định của Luật Dân sự năm 2015 vì đây là văn bản Luật cao nhất.
Xử lý thế nào?
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, Luật từ xưa đến nay vẫn yêu cầu ngân hàng không được giữ bản chính và người có xe phải giữ bản chính thì đương nhiên việc nhắc nhở không phải là Nghị định nữa mà thực chất là nhắc nhở thực hiện theo đúng luật và cụ thể ở đây là Luật Giao thông đường bộ.
“Thực tế thì dường như các cơ quan không để ý, thậm chí đến hôm nay Nghị định hết hiệu lực rồi vì Luật dân sự 2015 có hiệu lực từ 1/1/2017 trong khi nghị định lại hướng dẫn luật cũ. Như vậy bây giờ các cơ quan chức năng mới chợt nhớ ra”, LS Trương Thanh Đức nói.
Ông Phạm Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp cho biết, thông tư liên tịch số 15 giữa các Bộ Tư pháp, Tài nguyên - Môi trường, Giao thông Vận tải, Công an và Ngân hàng Nhà nước đã qui định về việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan liên quan trong việc bảo đảm tài sản khi thực hiện giao dịch giữa ngân hàng và người thế chấp tài sản khi đăng ký giao dịch đảm bảo theo Luật, khi đó tài sản thế chấp được công khai toàn quốc trong việc đảm bảo thế chấp khoản vay.
“Theo thông tư 15, các trung tâm đăng ký xong mà có yêu cầu gửi yêu cầu đăng ký thế chấp sang bên công an thì các trung tâm sẽ phải gửi văn bản về việc thế chấp phương tiện giao thông cơ giới cho các cơ quan công an có liên quan. Mục địch thứ nhất là nhằm để cơ quan công an nắm được thông tin là tài sản đã được thế chấp ở ngân hàng A. Thứ hai là để họ ghi vào sổ nhằm ngăn chặn việc người bên thế chấp chưa thực hiện nghĩa vụ mà họ tìm cách chuyển dịch trái pháp luật đối với tài sản”, ông Ngọc cho hay.
Như vậy có thể khẳng định, việc ngân hàng vẫn tiếp tục giữ bản chính đăng ký xe của chủ phương tiện khi thế chấp từ năm 2012 đến nay là sai với nội dung Nghị định 11/2012 của Chính phủ. Nếu ngân hàng không trả bản gốc đăng ký xe cho người thế chấp thì gần 1,3 triệu phương tiện lưu thông có thể bị công an xử phạt bất cứ lúc nào mà trên thực tế đó không phải là lỗi của chủ phương tiện.
(Theo VOV)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét