(TBKTSG) - Tỷ giá ổn định hơn 10 tháng đầu năm, rồi bất ngờ tăng gần 2% trong hai tuần qua. Cách tỷ giá tự điều chỉnh đang khiến các chủ thể trên thị trường ít nhiều băn khoăn.
Một trong những nhân tố quyết định mà cơ quan quản lý phải thận trọng khi điều hành tỷ giá là nợ nước ngoài của Chính phủ. Luôn luôn, ở mọi thời điểm, tồn tại một luồng ý kiến cho rằng điều chỉnh tỷ giá theo hướng đồng Việt Nam mất giá so với đô la Mỹ làm nợ nước ngoài của ta tăng lên. Điều đó không sai.
Tuy nhiên, không thể nói không nên điều chỉnh tỷ giá bởi nợ nước ngoài vì nền kinh tế mang tính tổng thể. Lợi ích của các chủ thể của nền kinh tế là người dân, doanh nghiệp, hộ cá thể, kinh doanh gia đình... phải được tính tới.
Bên cạnh đó, sự tăng trưởng của nền kinh tế phụ thuộc không nhỏ vào xuất khẩu. Người dân, ở đây chủ yếu là nông dân - những người sản xuất ra cà phê, cao su, lúa gạo, thủy - hải sản... và các doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lợi từ việc điều chỉnh tỷ giá. Một đồng tiền đứng yên hay một đồng tiền mất giá quá nhanh đều không nên. Một đồng tiền mất giá vừa phải so với đô la Mỹ luôn là lựa chọn của nhiều quốc gia đang phát triển và công nghiệp hóa như Việt Nam.
Nhân tố thứ hai tác động trực tiếp đến tỷ giá chính là lạm phát. Lạm phát của Việt Nam năm nay dự kiến 5% là hợp lý. Lạm phát mục tiêu của Mỹ khoảng 2%. Nhìn từ đây đồng Việt Nam về mặt lý thuyết cũng như thực tế có thể giảm giá 2-3% so với đô la Mỹ. Giả sử tiền đồng giảm giá 2% trải đều trong cả năm 2016 là lý tưởng. Về dài hạn, mức trượt giá 4-5%/năm của đồng nội tệ có thể gây sốc, người ta có thể chuyển sang nắm giữ ngoại tệ thay cho tiền đồng.
Nhưng cả năm tỷ giá gần như đứng yên, rồi tăng tới 2% trong nửa tháng là không nên cho dù sự điều chỉnh này được nhận định bám sát tỷ giá trung tâm do Ngân hành Nhà nước (NHNN) công bố hàng ngày. Của cho không bằng cách cho! Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời trang web của NHNN ngày 25-11-2016 nhấn mạnh: “Tỷ giá tăng nhanh trong một thời gian ngắn, tức là trong mấy ngày vừa qua chủ yếu do yếu tố tâm lý. NHNN sẵn sàng bán ngoại tệ để can thiệp thị trường”.
Đây không phải lần đầu tiên NHNN tuyên bố bán ngoại tệ can thiệp nếu cần thiết và thị trường hiểu rất rõ với dự trữ ngoại hối hiện nay, nhà điều hành đủ sức can thiệp ở mọi thời điểm. Song điều thị trường chờ đợi và giải pháp giải tỏa tâm lý không phải chỉ là sự bán ra, mà bán ra ở mức giá nào. Thực hiện giao dịch kỳ hạn để phát tín hiệu ra thị trường về vùng giá mà NHNN sẽ can thiệp là điều cần thiết hiện nay.
Không ai có thể phủ định tâm lý là yếu tố mạnh mẽ chi phối tỷ giá. Và đầu cơ đang lợi dụng tâm lý kỳ vọng về tỷ giá để kiếm lời. Tâm lý ấy đã không tồn tại chỉ một, hai ngày, nó được tích lũy suốt những tháng lãi suất liên ngân hàng thấp vừa qua. Đến giờ, lãi suất tiền đồng đã đi lên, dư địa để nâng lãi suất tiền đồng nhằm kiểm soát tỷ giá không còn rộng rãi. Chưa kể trên thị trường có thể nảy sinh một tâm lý kép rằng tiền đô đã tăng, đến lượt tiền đồng cũng tăng. Nói thế để thấy giải pháp hút mạnh tiền đồng về trong bối cảnh hiện nay không phải là ưu tiên hàng đầu.
Ở một góc độ khác, nâng lãi suất tiền đồng quá nhanh trở lại là con dao hai lưỡi. Nền kinh tế vẫn chưa lấy lại đà tăng trưởng, doanh nghiệp cần lãi suất thấp để nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm nội. Những tháng gần đây sở dĩ lãi suất đầu ra của một số ngân hàng giảm là nhờ họ có cơ hội vay vốn lãi suất thấp trên thị trường liên ngân hàng, trộn lẫn với vốn huy động từ dân cư, tạo ra một lãi suất chung tương đối thấp. Nay nguồn cung tiền đồng lãi suất thấp từ liên ngân hàng không còn, ngân hàng làm sao giữ lãi suất cho vay thấp cho được?
Thị trường tiền tệ quốc tế sẽ còn biến động, xác suất Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất ngày càng cao. Đồng tiền của các quốc gia G-7 được thả nổi hoàn toàn, chúng chuyển đổi được, chúng có thể lên xuống rất nhanh trong một thời gian ngắn. Đồng yen của Nhật đã từng rơi về mốc 100 yen/đô la Mỹ trong vài ngày, thì việc nó mất giá 12-13% trong nửa tháng là có thể hiểu được. Xu thế mất giá của các ngoại tệ mạnh so với đô la Mỹ đã định hình và có thể còn rõ nét hơn trong tương lai. Đồng Việt Nam dù muốn hay không cũng không thể đi ngược lại xu thế ấy. Vấn đề là chúng ta cần chủ động, không để tiền đồng biến động quá mạnh, quá nhanh như đồng tiền các nước xung quanh và thế giới vì đồng Việt Nam chưa chuyển đổi được.
Cơn đầu cơ tỷ giá đã đến lúc phải dừng lại và người chấm dứt nó không phải ai khác, chính là NHNN. Không thể để đầu cơ lợi dụng các yếu tố tiền tệ bên ngoài để tạo thành tâm lý thói quen cho các chủ thể trên thị trường (chẳng hạn, cứ Fed chuẩn bị nâng lãi suất là tỷ giá chạy). NHNN đủ sức và có công cụ để khép đầu cơ vào tầm kiểm soát. Còn lại là cách thức ngăn chặn đầu cơ chính bằng một sự điều hành tỷ giá thích hợp, đúng thời điểm, đúng điểm rơi cả về liều lượng và chất lượng, không loại trừ giải pháp hành chính đi kèm liệu pháp thị trường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét