(PetroTimes) - Tướng Nguyễn Việt Thành rất có thể sẽ phải đối mặt với một vụ kiện do đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Bùi Mạnh Lân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hưng Thịnh. Ông Lân là nạn nhân của tướng Thành trong vụ án “Bắt giữ người trái pháp luật” hơn 10 năm về trước.
“Lạm quyền…” gây thiệt hại cho doanh nghiệp
Ngoài ông Nguyễn Việt Thành, những thành viên trong ban chuyên án có hành vi “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” sẽ bị ông Lân khởi kiện trong một vụ án dân sự để đòi bồi thường về danh dự, thiệt hại về tài sản. Ngày 16-7 vừa qua, Hội đồng Xét xử tỉnh Tiền Giang đã tuyên án bị cáo Nguyễn Tuyến Dũng (nguyên điều tra viên trong Ban Chuyên án Z.501) 10 năm tù về hành tội danh trên.
Hội đồng Xét xử cũng đã xác định, ông Lân và Công ty Hưng Thịnh có thiệt hại nên ghi nhận ý kiến của luật sư đại diện cho ông Lân và dành cho bị hại quyền khởi kiện trong vụ án dân sự khác.
Báo Năng lượng Mới xin trở lại vụ việc của hơn 10 năm trước. Vào ngày 26-3-2003, Khu Công nghiệp Ðồng An được nhận Huân chương Lao động hạng Ba và cá nhân ông Bùi Mạnh Lân được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Thành tích trên đạt được do ông Lân đã kêu gọi và thu hút được gần 100 nhà doanh nghiệp vào đầu tư tại khu công nghiệp. Ông Bùi Mạnh Lân đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động và đóng góp cho ngân sách Nhà nước hàng chục tỉ đồng mỗi năm.
Ðối với cá nhân ông Bùi Mạnh Lân, là Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hưng Thịnh, chủ đầu tư Khu Công nghiệp Ðồng An I, doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh Bình Dương, chịu sự chỉ đạo và quản lý của UBND tỉnh Bình Dương. Khi ông Lân bị bắt, khu công nghiệp đã có 86 nhà đầu tư và hàng ngàn công nhân đang làm việc trong các doanh nghiệp này.
Vụ Công an tỉnh Tiền Giang đi bắt “đàn em Năm Cam” tại tỉnh Bình Dương nhưng lãnh đạo tỉnh Bình Dương không biết ông Lân bị bắt về tội gì và cũng không có ai đến làm việc với cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương về việc bắt khẩn cấp ông Lân.
Việc bắt khẩn cấp ông Lân được thực hiện bởi Nguyễn Văn Nên và Nguyễn Tuyến Dũng cùng một số người khác đã làm sai quy định về thẩm quyền, khi từ một địa phương này sang địa phương khác thực hiện mà không thông qua cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.
Ngay sau khi ông Bùi Mạnh Lân, ông Ðỗ Cao Bằng và ông Phạm Văn Hướng bị bắt, Nên và Dũng đã “phun” ra nhiều thông tin… giả và ác ý cho các báo đài đưa tin không đúng sự thật, dựng chuyện ông Lân, ông Bằng và ông Hướng là… đàn em của Năm Cam.
Nên và Dũng còn gây nên sự ngộ nhận khiến lãnh đạo tỉnh Bình Dương thời bấy giờ phải sửng sốt: Công ty Hưng Thịnh là “tập đoàn” đứng sau tội án của Năm Cam.
Họ đẩy sự việc lên theo dạng, công ty xây hồ bơi, nhà hàng, phòng nghỉ… để nói về sự xa hoa có được từ việc làm ăn phi pháp. Và cũng rất có thể, một vài phóng viên đã trở thành công cụ cho một số thành viên biến chất trong Ban Chuyên án Z.501 điều khiển theo ý đồ riêng.
Cơ quan tố tụng của tỉnh Tiền Giang đã khỏa lấp việc bắt khẩn cấp, giam giữ người trái pháp luật và 3 lần Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao không phê chuẩn lệnh bắt giam do không đủ chứng cứ của Nên và Dũng cùng những người có liên quan được thay thế bằng một lệnh tạm giam. Ðối với lãnh đạo TP HCM và tỉnh Bình Dương, ông Lân là người đứng đầu một doanh nghiệp có năng lực, có tâm và lương thiện. Công ty Hưng Thịnh lại là doanh nghiệp lớn hàng đầu của tỉnh Bình Dương.
Ông Nguyễn Minh Ðức, Bí thư tỉnh Bình Dương lúc bấy giờ đã có văn bản gửi một số đồng chí lãnh đạo cao cấp ngay sau khi ông Bùi Mạnh Lân được thả ra khỏi trại giam tỉnh Tiền Giang. Sau đó, Văn phòng Thủ tướng đã có công văn chuyển đến lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu: “Kiểm tra lại vụ việc này và có báo cáo đầy đủ cho Thủ tướng Chính phủ”. Từ đây, vụ việc đã được làm sáng tỏ.
Cũng phải nói rõ là khi Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng giám đốc và 2 Phó tổng giám đốc Công ty Hưng Thịnh bị bắt giam, các nhà đầu tư trong khu công nghiệp bàng hoàng và hàng chục ngàn công nhân hốt hoảng.
Các đối tác đầu tư và xây dựng số thì bỏ ngang, số thì ngưng thi công các công trình hạ tầng, nhà máy. Nhiều chủ đầu tư còn đòi khu công nghiệp phải bồi thường do công nhân nghỉ việc, thậm chí bớt xén vật tư làm công trình không đảm bảo chất lượng, gây nên thiệt hại không nhỏ về kinh tế cho Công ty Hưng Thịnh.
Ước tính, thiệt hại từ hành vi “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” do Nên và Dũng gây ra cho Công ty Hưng Thịnh ở thời điểm đó lên đến 30 tỉ đồng. Phải mất 4 năm sau, Khu Công nghiệp Ðồng An mới có thể phục hồi lại như thời điểm xảy ra vụ bắt người trái pháp luật.
Tướng Nguyễn Việt Thành có vô can?
Ở thời điểm chưa có kết luận giám định bị tâm thần phân liệt theo thể hoang tưởng, Nguyễn Văn Nên đã khai toàn bộ quá trình xảy ra vụ án. Nên xây dựng kế hoạch điều tra, báo cáo tiến độ, kết luận điều tra, tiếp nhận và xử lý theo quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với ông Bùi Mạnh Lân đều báo cáo trực tiếp hoặc có bút phê của ông Nguyễn Việt Thành, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an, Trưởng ban Chuyên án Z.501.
Nên đã ký lệnh bắt khẩn cấp 5 người và trong đó có ông Lân. Ông Nguyễn Chí Phi lúc đó là Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Ðiều tra Công an tỉnh Tiền Giang đã gọi điện thoại cho Nên nói: “Cứ làm theo chỉ đạo của Ban Chuyên án”. Liên quan đến hành vi sai phạm của Nên và Dũng có trách nhiệm liên đới trực tiếp đến hai ông Nguyễn Việt Thành, Nguyễn Chí Phi.
Nên còn khai nhận, khoảng 16 giờ ngày 27-8-2003, bà Trần Thị Bích Hòa, Phó vụ trưởng Vụ 1, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao xuống Trại tạm giam tỉnh Tiền Giang để phúc cung 7 bị can trong vụ “Gây rối trật tự công cộng” thì nhận được 3 quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với các ông Bùi Mạnh Lân, Ðỗ Cao Bằng, Nguyễn Ðức Bình.
Bà Hòa đã yêu cầu Nên ký nhận và tống đạt cho các bị can. Nên đã gọi điện thoại cho ông Nguyễn Việt Thành và nhận được ý kiến chỉ đạo là làm báo cáo lên. Sau đó, Nên làm báo cáo cho ông Nguyễn Việt Thành và ông Nguyễn Thế Bình. Ðến 17 giờ 30 cùng ngày, ông Nguyễn Việt Thành đã gọi điện thoại cho Nên nói rằng: “… đã trao đổi với ông Nguyễn Thế Bình, Phó cục trưởng C16 thống nhất chưa tống đạt ngay cho 3 bị can…”.
Nên đã phải chờ Ban Chuyên án báo cáo lãnh đạo Bộ Công an và Ban Nội chính Trung ương và khi nào có ý kiến cấp trên sẽ thực hiện. Ðến ngày 1-9-2003, ông Nguyễn Việt Thành thông báo: “… đã xin ý kiến lãnh đạo, mới chấp thuận để Nên triển khai việc tống đạt các quyết định trên cho 3 bị can”.
Nên cũng thừa nhận nếu căn cứ theo Ðiều 63 và Ðiều 92 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì việc ký lệnh bắt khẩn cấp 7 đối tượng trong vụ án “Gây rối trật tự công cộng” là không đúng thẩm quyền theo lãnh thổ hành chính, cũng như không rơi vào trường hợp khẩn cấp nào do luật quy định.
Nên còn khai, sở dĩ Công an tỉnh Tiền Giang thụ lý vì trước đó tỉnh Bình Dương không làm. Trong báo cáo giải trình, liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Gas Bình Dương, Nên báo cáo đề xuất Ban Chuyên án chỉ đạo cho C16 thụ lý, nhưng Ban Chuyên án họp chỉ đạo giao cho Tổ A4 tiến hành bắt khẩn cấp, với lý do cho rằng, Tiền Giang phát hiện tội phạm, thu thập chứng cứ ban đầu.
Nên chấp hành do việc này có biên bản họp, kế hoạch phân công chỉ đạo, bút phê của Ban Chuyên án và C16. Liên quan đến tố cáo của vợ chồng ông Cư, bà Thu, Nên cũng khai rõ điều tra viên đã có báo cáo đề xuất, được ông Nguyễn Việt Thành, Trưởng ban Chuyên án bút phê chấp thuận.
Nguyễn Tuyến Dũng trong các lời khai và tường trình trong giai đoạn điều tra đã nhìn nhận khi tham gia điều tra vụ án “Gây rối trật tự công cộng” xảy ra tại Công ty Gas Bình Dương thực hiện nhiệm vụ với tư cách điều tra viên. Khi bắt khẩn cấp ông Bùi Mạnh Lân, Dũng không hề thu giữ sổ đỏ thửa đất 23.383m2 đất tại Khu Công nghiệp Ðồng An.
Toàn bộ quá trình điều tra từ đơn tố cáo của vợ chồng ông Cư, bà Thu đều theo chỉ đạo của Ban Chuyên án và lãnh đạo Công an tỉnh Tiền Gang. Dũng cũng trình bày rõ, mặc dù về thẩm quyền, vụ án nói trên do chính Cơ quan Ðiều tra Bộ Công an là cơ quan tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và làm lệnh tạm giam đề nghị Viện Kiểm sát Tối cao phê chuẩn.
Tuy nhiên, đến ngày 22-3-2003, ông Nguyễn Việt Thành là người chủ trì cuộc họp và chỉ đạo: “…làm thủ tục bắt, khám xét khẩn cấp Ðỗ Cao Bằng, Nguyễn Ðức Bình và 3 đối tượng trong số người được thuê đến gây rối…; giao C16 khởi tố rồi ủy thác cho PC16 Công an Tiền Giang để điều tra…”.
Sau khi bắt khẩn cấp những người nêu trên, ngày 28-4-2003, ông Nguyễn Việt Thành đã chỉ đạo: “Tiến hành bắt khẩn cấp Lân và Hướng vào ngày 29-4-2003 trước lễ 30-4 và 1-5 nếu không Lân, Hướng sẽ bỏ trốn…” với lý do C14B có báo cáo ông Bùi Mạnh Lân, Phạm Văn Hướng đang tìm cách bán nhà, bán cổ phần, tài sản, không về nơi thường trú…
Xuyên suốt trong quá trình điều tra, kể cả khi có lệnh của Viện Kiểm sát Tối cao thay đổi biện pháp ngăn chặn, chính ông Nguyễn Việt Thành còn ra lệnh thực hiện chậm tống đạt các quyết định, dẫn đến tình trạng giam giữ oan sai các công dân nói trên.
Và cũng có thể khẳng định rằng, nếu không có lệnh của tướng Nguyễn Việt Thành thì chắc chắn những người như Nguyễn Văn Nên, Nguyễn Tuyến Dũng không thể nào thực hiện được việc bắt oan sai ông Lân, Hướng…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét