VNN - Một nhà khoa học nói rằng khi xem bài chép trên lớp của người con vốn theo học cùng ngành ở đại học, cùng thầy dạy, anh giật mình khi nhận ra chẳng có gì khác biệt so với những gì anh được học gần 40 năm về trước!
Trong vòng 20 năm trở lại đây, trên sách báo, tạp chí chuyên ngành hay diễn đàn khoa học, dường như thiếu cái gì đó để cởi bỏ sự "bàng bạc" hay thay đổi cái "phẳng, lặng" đi xuyên qua hàng thập kỉ. Sự "phẳng lặng này" gợi lên điều gì? Đó có phải là tín hiệu tốt và làm thế nào để phá tan thực trạng này?
Bên dưới sự phẳng lặng
Một nền khoa học, nhất lại là khoa học xã hội phát triển, lành mạnh thường luôn ăm ắp những phát hiện, kiến giải mới. Chúng có thể đúng, có thể sai, có thể tuyệt đối, có thể tương đối, có thể nhận được đồng thuận cao, khen ngợi hoặc ý kiến trái chiều phản biện hay phản bác lại. Sự khác biệt, tranh luận thậm chí là phủ nhận trên tinh thần thượng tôn khoa học ấy là cần thiết. Nó minh chứng sức sống, sự vận động, phát triển cũng như nỗi nhọc nhằn của những người LÀM khoa học chân chính.
Còn khi sự "im lặng" hay "phẳng lặng" ngự trị trong hàng thập kỉ, điều đó khiến người ta phải đưa ra nhiều giả thiết, nhiều phán đoán hay thậm chí hoài nghi về một căn bệnh nào đó. Và nếu vậy, thì cần thiết phải nhìn lại chương trình đào tạo ở mọi bậc học, xem tính sáng tạo có được đề cao trong trường học hay không. Tôi đã được nghe lời than thở từ một nhà khoa học rằng khi xem bài chép trên lớp của người con vốn theo học cùng ngành ở đại học, cùng thầy dạy, anh giật mình khi nhận ra chẳng có gì khác biệt so với những gì anh được học gần 40 năm về trước!
Phải chăng, đây phần nào cho thấy kết quả của sự "tụt hậu" ở người làm khoa học đối với những biến đổi vốn luôn ồn ào, gấp gáp từ cuộc sống? Liệu có phải vì thế mà ngòi bút của một số nhà khoa học chỉ quẩn quanh bên những đề tài xáo mòn, những luận giải theo kiểu "nước đôi, nửa vời" hay những "kiến nghị" chung chung mà người làm chính sách có đốt đèn đọc thâu đêm cũng chẳng rút ra được điều gì cụ thể, bổ ích. Tôi đã nghe hơn một lần phàn nàn rằng sao bây giờ các công trình khoa học cứ công thức thế, cứ "dầm mình", giống nhau đến kì lạ trong những chủ đề, lối mòn "xưa như Diễm" đến thế?
Có phải ở ngoài kia đang vẫy gọi nhiều điều khác quan trọng, ý nghĩa hay thiết thực hơn đối với nhà khoa học (nhất là nhà khoa học trẻ), khiến có những người mải mê chạy theo để rồi thờ ơ với công việc nhọc nhằn trên cánh đồng tri thức còn đang bộn bề với bao dấu hỏi?
Các thế hệ tiền bối của tôi từng chia sẻ nỗi niềm đau đáu về một cuộc "khủng hoảng" thế hệ khi họ ngờ có những người trẻ trong giới không còn đủ "máu lửa", say mê và độ cần mẫn để nối bước tiền nhân. Họ chỉ ra có những đồng nghiệp trẻ đã không mấy khi đọc nghiêm túc các công trình khoa học của người khác, những cuốn sách tặng dường như chẳng được giở ra để đọc bao giờ.
Có phải chúng ta chưa xây dựng đủ chính sách khuyến khích, khen thưởng, cổ vũ thậm chí là bảo vệ, đảm bảo không khí lành mạnh, dân chủ, thượng tôn khoa học trong phản biện khoa học? Liệu chúng ta đã thực sự cổ súy những công trình đề cao tính phản biện, lấy phản biện làm bệ phóng cho việc tìm tòi các vấn đề, hướng đi mới trong khoa học? Từ lâu, tồn tại một cách nói vui trong giới khoa học rằng đề tài nghĩa là "tài" chọn "đề". Nghĩa là đừng có dại gì mà lao vào những vấn đề thời sự, hóc búa. Hãy cứ chọn vấn đề nào đó người khác đã làm, đã được nghiệm thu, đánh giá, chấm điểm cao. Rồi thì "men" theo đó mà đi.
Cho và nhận
Bản chất của phản biện khoa học không phải là so tài "cao, thấp", phân định rạch ròi "trắng đen" hay quy kết "lập trường chính trị" của ai đó. Trái lại, phản biện nhằm kiểm chứng tính logic, chính xác, phổ quát và khách quan mà thông tin, nhận định, kết luận được rút ra từ một công trình khoa học cụ thể. Chính vì thế, phản biện cần phải coi là một phần tất yếu trong nghiên cứu khoa học bởi chẳng có nền khoa học nào mà không tồn tại phản biện.
Người nhận được ý kiến phản biện vì thế cần phải biết cầu thị, lắng nghe và tôn trọng ý kiến phản biện. Có đồng nghiệp trẻ của tôi từng tâm sự họ rất khó xử khi thầy dạy hay lãnh đạo của mình quá "thù dai" trước những phát biểu trái chiều mà họ đưa ra thảo luận trong các buổi sinh hoạt khoa học. Sau những lần ấy, họ cảm thấy mình dường như bị "ghẻ lạnh", thậm chí bị "cô lập".
Người nhận được ý kiến phản biện có quyền đồng ý hay phản đối ý kiến phản biện, chừng nào họ có đủ bằng chứng, lí lẽ để bảo vệ quan điểm của mình. Ngay cả trong trường hợp đó, ý kiến phản biện vẫn có ích, bởi nó giúp bạn nhìn lại kĩ hơn công trình của mình. Chính vì thế, sẽ là không cần thiết khi ném "cái nhìn hình viên đạn" hay thái độ bực dọc, kẻ cả trước một ý kiến phản biện nào đó.
Một nhà khoa học tỉnh táo, bản lĩnh luôn hiểu rằng, chứng minh quan điểm của người khác sai không nhất thiết có nghĩa quan điểm của mình là đúng.
Sẽ là tuyệt vời nếu người phản biện đủ dũng cảm để không đồng nhất ý kiến phản biện của mình với "chân lí", "sự thật" hay "con đường duy nhất". Sẽ là thuyết phục hơn nếu quan điểm phản biện ấy được đưa ra như một gợi ý, một lựa chọn khác thay vì "đóng đinh" chúng như chuẩn mực, buộc người khác phải đi theo. Bởi chẳng có giới hạn trường tồn nào trong khoa học cả.
Người phản biện sẽ thật khôn ngoan khi không tự đặt mình ở thế đối lập, đối đầu với người mình phản biện. Bởi thực chất, công việc phản biện cũng là hoạt động khoa học, nó có thể được hoặc không được chấp nhận từ người khác. Bởi lẽ nếu ai cũng làm vậy, cuộc tranh luận khoa học sẽ chẳng đi về đâu cả. Khi cái "Tôi" của mỗi người quá lớn, phản biện khoa học dễ biến thành nơi người ta khoe hơn là lắng nghe.
Câu hỏi chưa có lời giải
Sự phẳng lặng quá lâu cũng có thể khiến đâu đó lầm tưởng khoa học xã hội nước nhà toàn phát hiện ra chân lí, toàn giải quyết nhanh chóng, tròn trịa, toàn mĩ những vấn đề của xã hội, đến độ người ta chẳng có nhu cầu trao đi, đổi lại? Người ta có thể lầm tưởng mọi công trình khoa học nước nhà đã đạt đến trình độ cao, ở "cảnh giới" siêu thực đến độ việc phản biện là không cần thiết nữa.
Hoặc giả người ta cũng có quyền nghi ngờ vào việc liệu nền khoa học ấy có đang tồn tại, vận động, phát triển, song hành với biến chuyển của thời cuộc và thực sự có ích cho xã hội như nó vốn từng có trong suốt nửa đầu thế kỉ 20? Người ta cũng có quyền nghi ngờ tại sao lại cần đến nhiều đề tài khoa học các cấp, nhiều chương trình, dự án, luận chứng, luận cứ đến thế khi mà có quá ít nhu cầu trao đổi, phản biện? Người ta cũng có quyền nghi ngờ về tính cần thiết, hiệu quả của việc đầu tư cho các tạp chí khoa học chuyên ngành, mà đa phần in xong thì cất vào kho, giống như nhiều báo cáo khoa học ngủ vùi trong bụi?
Người ta cũng có thể đặt câu hỏi cho việc liệu có cần phải xem xét lại các tiêu chí đánh giá đóng góp cho xã hội của một công trình khoa học. Giữa một công trình "an toàn" ngủ yên trên giá sách hàng thập kỉ và một công trình gây ra nhiều "ồn ào" với cả lời khen ngợi và chê bai, người ta nên cổ súy cho phía nào?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét