(GDVN) - Chỉ có Ủy ban điều tra cấp Nhà nước mới đủ thẩm quyền ra lệnh mở hộp đen để điều tra nhằm tránh làm sai lệch chứng cứ.
Ngày 25/6, trong cuộc họp xem xét lại sự cố chở khách đi Đà Lạt lại hạ cánh xuống sân bay Cam Ranh của Hãng bay Vietjet Air xảy ra cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã lên tiếng xin lỗi hành khách và yêu cầu khiển trách Cục trưởng Cục Hàng không - ông Lại Xuân Thanh.
Đánh giá về quyết định này của Bộ trưởng GTVT, TS Trần Đình Bá - người đã từng thực tế tại Đại học Bách khoa Riga và Đại học Hàng không Riga (Liên Xô cũ ) - nơi đào tạo hàng trăm tiến sỹ và chuyên gia cho Hàng không Việt Nam đã gửi đến báo điện tử Giáo Dục Việt Nam bài phân tích bằng sơ đồ điều hành bay trong chuyến nay chở khách đi Đà Lạt nhưng lại hạ cánh xuống Cam Ranh chiều 19/6/2014 để biết cội rễ nguyên nhân!
TS Trần Đình Bá phân tích: Khác với các phương tiện tàu thủy, xe hơi do thuyền trưởng, lái trưởng tự điều khiển tìm đường đi theo biển báo dọc đường thì Hàng không khác hoàn toàn. Chỉ những máy bay cánh quạt có tốc độ thấp dưới 200 km/h, bay thấp ở độ cao dưới 3.000 m như thời kỳ đầu thì cơ trưởng chủ động điều khiển như điều khiển xe cơ giới.
Vào thời kỳ hiện đại, máy bay có tốc độ cao 300 đến 1.000 km/h nên việc điều khiển máy bay là một sự phối hợp hết sức chặt chẻ khoa học nghiêm ngặt. Lúc này cơ trưởng điều khiển máy bay "nhất cử nhất động" đều theo theo lệnh của đài chỉ huy bay ở mặt đất.
Quyết định hành trình bay là Đài chỉ huy
Đài chỉ huy là Hệ thống Kiểm soát không lưu (air traffic control gọt tắt là ATC) chịu trách nhiệm chỉ huy tàu bay từ khi tàu bay nổ máy tại sân đỗ ra đường băng, cất cánh, điều khiển hướng, độ cao, tốc độ cho đến khi tàu bay hạ cánh chạy về vị trí bến đỗ để trả khách xuống nhà ga.
Cục Hàng không Việt Nam là cơ quan “độc quyền cung cấp khai thác đường hàng không” quản lý cơ quan điều hành không lưu tức đài chỉ huy này để đảm bảo an toàn hàng không.
Về việc thay đổi tàu bay: Do chiếc máy bay thực hiện chuyến bay Hà Nội - Đà Lạt gần thời điểm khởi hành bị trục trặc kỹ thuật. Vì vậy, Vietjet Air đổi kế hoạch bay, thay vì để máy bay VN-A 692 lịch trình Hà Nội - Cam Ranh thì điều máy bay này đưa khách Hà Nội đi Đà Lạt trước. Thực chất là đổi cả ê kíp máy bay và cả tổ bay.
Nhân viên điều phối của hãng Vietjet Air đã làm xong thủ tục với các phòng ban tại sân bay. Kế hoạch thay đổi được duyệt này được thông báo cùng một lúc đến:
- Các cơ quan mặt đất (hướng dẫn cửa tiếp nhận, bố trí xe đưa hành khách ra máy bay). Hành khách có vé đi Đà Lạt đã lên máy bay .
- Phục vụ mặt đất (kiểm tra thiết bị an toàn máy bay – nạp đủ nhiên liệu – thức ăn nước uống – tiếp nhận hành lý cho chuyến bay đến Đà Lạt).
- Đài chỉ huy không lưu đã nhận được kế hoạch bay được duyệt là Hà Nội đi Đà Lạt.
- Duy chỉ Cơ trưởng và tổ lái – không được thông báo mới mà chỉ có thông báo cũ nên đã lái chiếc máy bay này đến Cam Ranh.
Cách giải thích này quá đơn giản và vô lý vì: Khi hành khách đã lên ngồi yên vị bao giờ Cơ trưởng cũng chào hành khách, thông báo kế hoạch bay hành trình Hà Nội - Đà lạt cho toàn thể phi hành đoàn và hành khách biết kèm theo có phổ biến các thao tác an toàn, hướng dẫn thoát người khi có sự cố. Lúc này mối liên hệ giữa tiếp viên trưởng và cơ trưởng là khăng khít bằng trao đổi trực tiếp mà không thông qua trung gian.
Lời tuyên bố Cơ trưởng không nắm được kế hoạch được duyệt cần phải điều tra nhưng nó vẫn chỉ là thứ yếu vì Cơ trưởng không thể qua mặt được Đài chỉ huy.
Như vậy, 4 bước của quy trình này đã làm đúng hoàn toàn. Ở thời điểm này toàn bộ Cơ trưởng và tổ lái chỉ chịu sự điều khiển của Đài chỉ huy.
Về phía Hàng không (Cục Hàng không Việt Nam): Các cơ quan sân bay làm đúng. Phục vụ mặt đất làm đúng. Đài chỉ huy đã có kế hoạch bay được duyệt thực hiện chỉ huy máy bay đáp xuống Sân bay Đà Lạt nhưng tại sao lại lạc hướng xuống Cam Ranh?
Máy bay đáp nhầm sân bay: Lỗi của Đài chỉ huy!
Giả thuyết 1: Đài chỉ huy lệnh cho Cơ trưởng bay theo hành trình Đà Lạt nhưng Cơ trưởng không chấp hành. Vì sao đài chỉ huy biết sai hướng mà không có biện pháp ngăn chặn mà vẫn điều hành không lưu cho máy bay bay an toàn suốt dọc đường và đáp xuống Cam Ranh an toàn.
Trong tình huống này Đài chỉ huy đã làm sai kế hoạch bay được duyệt gây nên thiệt hại vật chất cho Vietjet Air và hành khách nên phải bồi thường thiệt hại . Như vậy lỗi tại Đài chỉ huy là lớn nhất vì cơ trưởng vẫn bay theo điều khiên của đài chỉ huy.
Giả thuyết 2: Đài chỉ huy nhận được kế hoạch bay đã được duyệt nhưng lại nhầm lẫn là hành trình bay Hà Nội - Cam Ranh nên đã điều hành máy bay dáp an toàn xuống Cam Ranh trùng hợp với mục tiêu của Cơ trưởng thì việc làm của Đài chỉ huy là thiếu cẩn trọng trong nghề nghiệp, làm sai kế hoạch đã được duyệt. Trong tình huống này Đài chỉ huy đã làm sai kế hoạch.
Như vậy lỗi của Đài chỉ huy vẫn là lớn nhất vì Cơ trưởng bay theo điều khiển của đài chỉ huy.
Giả thuyết 3: Đài chỉ huy sau khi điều khiển cất cánh xong vô trách nhiệm bỏ mặc hoàn toàn cho Cơ trưởng tự điều khiển máy bay bay tự do (không có điều khiển từ mặt đất) trên suốt hành trình và đáp xuống sân bay Cam Ranh không có trong kế hoạch.
Như vậy Đài chỉ huy đã vi phạm nghiêm trọng luật Hàng không dân dụng Việt Nam có nguy cơ gây tai nạn dọc đường cho máy bay này và các máy bay khác, đe dọa an ninh quốc gia. Đài chỉ huy vừa chịu xử lý về pháp luật và vừa phải bồi thường về kinh tế.
Giả mã hộp đen máy bay: Sự thật nói lên tất cả!
Quy trình trên phản ảnh một lỗ hổng lớn trong khâu chỉ huy điều hành không lưu, tất cả đều tập trung ở Đài chỉ huy. Đây là mấu chốt của vấn đề. Việc xảy ra sơ suất của Cơ trưởng có thể xẩy ra nhầm lẫn nhưng nếu thực hiện theo lệnh của Đài chỉ huy thì không xẩy ra nhầm sân bay.
Nhưng ở đây máy bay thực hiện mệnh lệnh chỉ huy nhưng lại đáp nhầm xuống Cam Ranh không phải lỗi Cơ trưởng mà là lỗi của Đài chỉ huy...
Đài chỉ huy – tức kíp trực điều hành không lưu hôm đó là cơ quan đặc biệt độc quyền cung cấp dịch vụ điều hành không lưu chịu sự quản lý nhà nước của Cục Hàng không Việt Nam. Vì vậy chính Cục Hàng không Việt Nam là người chịu trách nhiệm cao nhất trong vụ việc này ở Đài chỉ huy.
Vì vậy các kết luận vừa qua của nhóm điều tra nội bộ của cục Hàng không Việt Nam và các phát ngôn của Cục Hàng không Việt Nam đều không khách quan, không có độ tin cậy và không đúng luật pháp
Trách nhiệm của cục Hàng không Việt Nam là cơ quan quản lý hàng không theo luật Hàng không dân dụng Việt Nam song phải tạo điều kiện thông thoáng thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động theo luật Doanh nghiệp, đó là một sự bình đẳng cần thiết để tồn tại, vì vậy Cục Hàng không Việt Nam phải nghiêm túc với chính mình.
Toàn bộ cuộc đối thoại trong chuyến bay từ bắt đầu lăn bánh tại Nội Bài đến lúc dừng bánh tại Cam Ranh được ghi đầy đủ trong hộp đen máy bay. Chỉ có Ủy ban điều tra cấp Nhà nước mới đủ thẩm quyền ra lệnh mở hộp đen để điều tra nhằm tránh làm sai lệch chứng cứ. Vụ mở hộp đen vô nguyên tác của vụ tàu hỏa E-1 trong thảm họa làm nhiều người chết bị thương bị tẩy xóa thông tin làm phức tạp cho quá trình điều tra.
Lúc này cần điều tra căn nguyên vấn đề là điều cần thiết mà Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam và các bên liên quan cần phải làm để rút bài học kinh nghiệm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét