NLĐO - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố: Năm 2013, lợi nhuận hợp nhất toàn tập đoàn đạt 9.197 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ sau khi bù các khoản lỗ lũy kế còn 267 tỉ đồng.
Trước đó một năm, EVN công bố lãi năm 2012 cũng cực đậm: 4.404,63 tỉ đồng.
Trong lúc không ít tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn kém hiệu quả thì việc EVN lãi lớn là đáng khích lệ. Tuy nhiên, ít ai vui khi biết khoản lợi nhuận khổng lồ đó được chủ yếu là nhờ tăng giá bán điện chứ chẳng phải nhờ nỗ lực của doanh nghiệp.
Trong kinh doanh, bên bán luôn dè dặt mỗi khi tăng giá hàng hóa vì sẽ làm giảm sức cạnh tranh, dù đó là công cụ sinh lãi dễ dàng nhất. Thế nhưng, EVN dường như rất chuộng công cụ này. Bởi lẽ, ngành điện đang độc quyền kinh doanh, khỏi lo cạnh tranh với ai. Kinh doanh độc quyền mà không lãi lớn mới là... chuyện lạ!
Không chỉ ngành điện, nhiều ngành còn độc quyền khác như xăng dầu, than... cũng lãi đậm nhờ tăng giá bán hàng. Riêng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) năm 2013 đạt tổng lợi nhuận hợp nhất 2.021 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đến từ khối kinh doanh xăng dầu đã đạt trên 1.300 tỉ đồng so với mức công bố khi hết năm 2013 là khoảng 1.200 tỉ đồng.
10 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối hiện đang hoạt động, cứ tưởng có cạnh tranh trong lĩnh vực này song thực tế chẳng phải như vậy. Tất cả cùng chung một giá bán, theo giá bán của “ông lớn” Petrolimex và hầu như cùng tăng, cùng giảm. Một khi cạnh tranh bị triệt tiêu hoàn toàn thì người tiêu dùng không còn lựa chọn nào khác. Nhờ đó, các nhà kinh doanh tha hồ hốt bạc.
Việc tăng giá dù phải được sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước song thực tế cho thấy các “ông độc quyền” luôn có cách để đạt được mục đích. Ngành xăng dầu thường than lỗ lã do giá thế giới tăng còn ngành điện thì lấy lý do chi phí sản xuất điện (than, khí...) tăng cao. Năm 2014 này, theo tính toán của ngành điện, chi phí sản xuất điện sẽ đội lên từ khoảng 6.500-7.000 tỉ đồng, trong khi EVN đã được cho phép tăng giá điện đến năm 2015 lên tới 21,6% so với giá hiện hành, cán mốc giá cao nhất là 1.835 đồng/KWh. Trung bình năm 2014-2015, mỗi năm, EVN có thể được tăng giá hơn 10%. Và theo cơ chế giá điện mới, EVN có quyền điều chỉnh giá điện tới 7%, Bộ Công Thương có thể thông qua mức tăng giá điện 10% và 2 lần điều chỉnh liên tiếp là 6 tháng.
Ít người biết rằng trong suốt 19 năm, điện khí được nhà nước trợ giá. Ngoài ra, EVN còn được sử dụng vốn, đất đai, hạ tầng... của nhà nước và độc quyền kinh doanh. Tập đoàn này được ưu đãi quá nhiều và đã lãi đậm trong nhiều năm, có điều kiện lấy lãi để bù trừ lỗ lũy kế của các năm trước... Do đó, việc tăng giá bán điện theo lộ trình phải được xem xét lại để giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực đến cả nền kinh tế.
Chính sách của nhà nước thường phải hướng đến sự hài hòa của tam giác lợi ích: nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Riêng chính sách về giá điện chưa đạt được yêu cầu này, thậm chí còn ưu ái cho độc quyền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét