VNN - Đất nước bắt đầu chuyển đổi, người ta kịp thấy ngay rằng chuẩn cán bộ viên chức trước hết ở các ngành kinh tế giao thương, đối ngoại là "thấp hẳn" so với yêu cầu mới. Đi vào từng giao dịch công việc cụ thể mới thấy cái lỗ hổng "vốn liếng" ngoại ngữ của cán bộ ta.
Nghe các bạn trẻ bàn chuyện học ngoại ngữ trong bối cảnh có biết bao nhiêu điều kiện thuận lợi như ngày nay, tôi không khỏi chạnh nghĩ đến việc trang bị kiến thức cho cán bộ nhà nước thời xưa. Đặc biệt, nghĩ đến cái nguồn cơn sâu xa dẫn tới tình trạng tiếng Anh "lỗ mỗ" trong đội ngũ cán bộ nhà nước hiện nay.
Còn nhớ, thời bao cấp, người ta thấy các cấp các ngành luôn luôn lấy lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở cán bộ viên chức nhà nước là công bộc của dân, theo tấm gương của Bác vì nghĩa lớn quốc gia dân tộc "khổ trước thiên hạ, sướng sau thiên hạ".
Thời đó đánh giá đội ngũ cán bộ, ta thường thấy câu: Về cơ bản cán bộ viên chức nhà nước đáp ứng yêu cầu thời chiến và thời hậu chiến.
Đất nước khi đó còn bị "cấm vận" chưa mở cửa giao thương. Đời sống kinh tế xã hội có phần giản đơn, eo hẹp, nhu cầu của người dân còn dưới cả mức trung bình so với các nước láng giềng kề cận ở khu vực Đông Nam Á. Việc học hành, trang bị vốn ngoại ngữ chỉ bó hẹp trong phạm vi một vài lĩnh vực thiết yếu liên quan tới công tác đối ngoại. Còn thì, do sự vận động cá nhân của từng gia đình. Chỉ vậy thôi cũng đủ "đáp ứng yêu cầu..."
Bắt đầu đất nước chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế từ bao cấp sang thị trường, mở cửa và hội nhập, đặc biệt sau thời điểm gia nhập "sân chơi kinh tế toàn cầu" WTO, theo định hướng làm bạn với tất cả các nước, người ta kịp thấy ngay rằng chuẩn cán bộ viên chức trước hết ở các ngành kinh tế giao thương, đối ngoại là "thấp hẳn" so với yêu cầu mới. Đi vào từng giao dịch công việc cụ thể mới thấy cái lỗ hổng "vốn liếng" ngoại ngữ của cán bộ ta.
Đa phần, nếu không muốn nói hầu hết cán bộ đầu ngành ở lĩnh vực này xuất xứ từ cán bộ chính trị, cán bộ quân đội, cán bộ phong trào... do bối cảnh lịch sử, chưa đạt trình độ ngoại ngữ tối thiểu trong giao tiếp, chứ đừng nói gì đến giao dịch chuyên ngành với "đối tác". Chỉ có số ít thành thạo là do làm công tác ngoại giao hoặc được gửi đi đào tạo ở nước ngoài.
Không có ngoại ngữ thì trước hết phần kiến thức chuyên môn hẹp kinh tế các ngành đã và đang diễn ra "như vũ bão" trên thương trường khu vực và thế giới khiếm khuyết đã đành còn nói gì đến am hiểu "luật chơi" kinh tế ở những quốc gia đặc thù. Mà ở đó luật kinh tế hàng hóa, luật xuất nhập khẩu, hàng rào thuế quan dày đặc và khác biệt hoàn toàn so với ta…v.v…
Thiếu kiến thức tổng hợp chuyên ngành và đa ngành do "một chữ nước ngoài bẻ đôi không biết" hoặc quá kém, trong thực tế giao dịch, giao thương buôn bán kinh tế đã xảy ra không biết bao nhiêu chuyện "cười ra nước mắt" ngay trên sân nhà chứ đừng nói "sân người". Sân chơi này phần thua thiệt thuộc về "bên kém cỏi".
Không có ngoại lệ. Không có thông cảm chiếu cố!
Hiển nhiên không ai lỡ hồ đồ trách cứ đội ngũ cán bộ viên chức nhà nước đi ra từ chiến tranh, xuất xứ từ đủ thứ ngành nghề xa rời chuẩn mực thời hiện đại nên chưa đáp ứng các đòi hỏi.
Mà, điều đáng nói là cơ chế mới khắc phục tình trạng đó quá chậm trễ, nhất là chiến lược về ngoại ngữ nhằm trang bị cho đội ngũ cán bộ năng lực giao tiếp, làm việc nghiên cứu với các đối tác nước ngoài khi sang “trời tây”, hoặc khi họ sang VN làm ăn. Sự loay hoay đó thể hiện ở những chiến lược, những chương trình.... vài năm thay đổi một lần.
Trong khi ngành giáo dục đào tạo - nói một cách hình ảnh, là máy cái "sản xuất người lao động có trình độ" thì bao nhiêu năm lại bị "chiến lược lạc hậu, chiến thuật cải cách chắp vá", "bệnh thành tích" làm chất lượng đi xuống. Trong khi đó, chủ trương “phủ ngoại ngữ cho học sinh toàn quốc” ra sao, đến giờ, ai cũng rõ. Khiến cho lớp cán bộ viên chức mới đủ chuẩn để "kế cận cha anh" vẫn "lạc lõng" với Tây.
Chủ trương của Bộ Nội vụ về tiêu chuẩn chức danh quản lý của công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, trong đó có vấn đề cần thông thạo ít nhất một ngoại ngữ là một chủ trương cần thiết. Khái niệm thông thạo cho thấy công chức làm nhiệm vụ quản lý phải sử dụng được ngoại ngữ đó qua giao tiếp nghe nói, hiểu chứ không phải chỉ cần có một tấm bằng trong hồ sơ lý lịch là…xong. Như vậy, dẫn đến việc thi tuyển công chức làm chức trách quản lý cũng phải thay đổi.
Bởi dân đã giao quyền cho nhà nước lo "đại sự" tầm vĩ mô và nhân dân chỉ là người thừa hành nhiệm vụ lịch sử. Nên mong sao khâu cán bộ then chốt mỗi ngày một hoàn thiện để dân được nhờ. Mong sao những chuyện cười ra nước mắt vì đội ngũ công chức ra nước ngoài mà líu lo ngọng nghịu cũng bớt dần.
Vì dân, thì trước hết ở chỗ không thể hạ chuẩn cán bộ, khâu then chốt quyết định thành bại việc nước từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét