Thứ Tư, 9 tháng 8, 2017

Tranh giành “miếng bánh” bảo hiểm y tế

Hoàng Nhung

(TBKTSG) - Hiện nay nguồn quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) được ví như “miếng bánh” ngon mà nhiều bên liên quan đều muốn dự phần, từ bệnh viện công, bệnh viện tư, đến cả các công ty dược.

Theo bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, hiện tỷ lệ tham gia BHYT ở Việt Nam đã đạt mức trên 82% dân số, tiệm cận đích đến BHYT toàn dân. Cũng theo thống kê của BHXH Việt Nam, năm 2016, số thu BHYT cho khám chữa bệnh ước khoảng 64.000 tỉ đồng và số chi ước trên 69.000 tỉ đồng; số kết dư từ những năm trước được bổ sung vào quỹ dự phòng nên lũy kế đến hết năm 2016, quỹ BHYT dự phòng còn khoảng 49.000 tỉ đồng.

Từ ngày 1-1-2016, chính sách thông tuyến BHYT ở bệnh viện tuyến huyện có ý nghĩa quan trọng trong việc tổ chức cung ứng dịch vụ y tế, đảm bảo quyền lựa chọn cơ sở y tế của người tham gia BHYT. Trong năm 2016 đã có thêm 92 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân tham gia khám chữa bệnh BHYT, nâng tổng số cơ sở y tế tư nhân tham gia BHYT lên 596 cơ sở. Cũng trong năm 2016, hệ y tế tư nhân có số lượt khám chữa bệnh tăng gấp 3 lần so với năm 2015...

Hiện Nhà nước đang thúc đẩy thông tuyến BHYT ở bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương trước thời hạn năm 2021. Mục tiêu phấn đấu trước mắt của năm 2018 là tỷ lệ dân tham gia BHYT đạt đến 90-95%.

“Bầu sữa” của bệnh viện

Hiện Nhà nước đang tạo điều kiện cho nhiều bệnh viện công được tự quyết về mặt tài chính để hoạt động có lãi. Nhà nước đang chi trả phí khám chữa bệnh bảo hiểm qua mệnh giá. Ví dụ có hai bệnh viện cùng đầu tư máy chụp CT, một bệnh viện đầu tư máy trị giá khoảng 40 tỉ đồng với hơn 64 lát cắt; một bệnh viện đầu tư máy chỉ khoảng 10 tỉ đồng với vài lát cắt. Nhưng mức chi trả của BHYT dành cho dịch vụ y tế này là bằng nhau ở hai bệnh viện, nghĩa là chưa đi sâu chi trả BHYT theo chất lượng dịch vụ. Điều này dẫn đến việc bệnh viện muốn có lãi nhanh thì họ có khuynh hướng đầu tư trang thiết bị giá trị thấp.

BS. Nguyễn Hữu Tùng, người khai sinh tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, cho biết một thực tế trong ngành là khi số bệnh viện tham gia khám chữa bệnh BHYT tăng lên, các bệnh viện thường chạy đua đầu tư về y tế điều trị để thu hút ngày càng nhiều bệnh nhân có BHYT, đồng nghĩa với hút sự chi trả của BHYT. Nhưng muốn làm ăn có lời thì từ thiết bị y tế cho đến thuốc men, các loại hóa chất, nguồn nhân lực... bệnh viện cũng không dám đầu tư mạnh, xài sản phẩm tốt để nâng chất lượng. Rõ ràng BHYT đang phải chi trả một cách kém hiệu quả và người bệnh đang gánh chịu thiệt thòi. Giới quan sát đã ghi nhận có những bệnh viện đầu tư theo tiêu chuẩn quốc tế 4-5 sao nhưng gần đây đã phải hạ giá dịch vụ xuống mức thấp để thu hút người bệnh.

Trong khi đó, theo một thống kê, nếu Chính phủ bỏ 1 đồng cho y tế dự phòng thì sẽ tiết kiệm được 10 đồng cho y tế điều trị. BS. Tùng cho rằng tầm nhìn chiến lược về y tế đã bị lệch hướng khi quá chú trọng đầu tư giường bệnh mà quên đầu tư y tế dự phòng. Lương bác sĩ y tế dự phòng rất thấp trong khi lại chi trả cao cho suất điều trị. Trong khi đó, BHYT thì sẵn đầu ra, người dân đi khám bệnh phải trả tiền trước thông qua tham gia BHYT.

Theo các chuyên gia y tế, Nhà nước cần có chiến lược đầu tư tập trung vào y tế dự phòng. Khi người dân ít đến bệnh viện, ít mắc các bệnh mãn tính... thì sẽ không tốn nhiều thuốc men, giảm được nhiều chi phí điều trị.

“Bầu sữa” của các công ty dược

Theo một lãnh đạo quản lý ngành dược, việc đấu thầu tập trung thuốc thường để lộ một số hạn chế, trong đó có việc “đi đêm” để lộ thông tin của chủ thầu. Ví dụ một đơn vị có thuốc tốt bán với giá 300 đồng, nhưng thông tin bị lộ, đối thủ cạnh tranh chào giá 299 đồng và họ... trúng thầu. Đây là vấn đề mấu chốt khiến các bên liên quan đều muốn ôm quyền đấu thầu về phía mình.

Luật Dược Việt Nam thay đổi từ ngày 1-1-2017, theo đó, các chính sách đều tập trung cho các nhà sản xuất và phân phối trong nước. Điều này trở thành thách thức đối với các công ty đa quốc gia, đặc biệt là thách thức khi phải phân phối trên nhiều vùng miền. Do đó, các công ty này buộc phải tìm cách chen chân vào thị trường đấu thầu thuốc tập trung. Họ mua cổ phần của các công ty dược trong nước, sau đó nhượng quyền sản xuất một số sản phẩm thuốc nghiên cứu, hoặc mua luôn các công ty dược có tên tuổi và đã có thị phần để lấy danh nghĩa công ty Việt Nam, có giá thành rẻ hơn so với công ty nhập khẩu và được ưu tiên trong danh sách đấu thầu tập trung thuốc quốc gia.

Đại diện một hãng dược lớn của nước ngoài tại Việt Nam cho biết, nhiều hãng dược nước ngoài có thuốc gốc (thuốc phát minh) đã hết hạn bảo hộ bản quyền. Họ đàm phán với Bộ Y tế và BHYT về giá thành, về tỷ lệ giảm giá so với thuốc gốc... để được đấu thầu đưa các loại thuốc này vào BHYT. Một số công ty muốn thương lượng giảm giá 20% nhưng họ bị ép giảm tới 30% và họ cũng chấp nhận để được chen chân vào danh mục thuốc được BHYT chi trả.

Các nhà quản lý bệnh viện cho biết đã có một sự thay đổi trên thực tế trong cách thức chào thuốc vào bệnh viện. Cách trước đây là đội ngũ trình dược viên tiếp cận bác sĩ kê toa và chi trả hoa hồng cho bác sĩ. Nay, các công ty dược trực tiếp làm việc với BHYT mà không cần tới nhiều trình dược viên như trước nữa.

Theo IMS Health, công ty chuyên cung cấp thông tin về thị trường dược phẩm, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng chi tiêu cho tiền thuốc giai đoạn 2017-2021 của Việt Nam sẽ vào khoảng 15-17%. Chi tiêu cho thuốc men tăng ngoài lý do dân số tăng trưởng nhanh, thu nhập bình quân đầu người cải thiện dẫn tới sự quan tâm chăm sóc sức khỏe ngày càng cao, còn có yếu tố Việt Nam bắt đầu bước qua giai đoạn già hóa dân số từ năm 2017. Các nghiên cứu cho thấy, số năm bệnh tật và số loại bệnh trung bình mắc phải của người già ở Việt Nam đang tăng nhanh khiến chi phí thuốc men ngày càng nhiều.

Một số chuyên gia cho biết trước năm 2012 khi áp dụng quy định đấu thầu cũ, chi phí quỹ BHYT dùng mua thuốc chỉ trên 10.000 tỉ đồng/năm, gần đây lên đã tới 30.000 tỉ đồng.

Còn trong hoạt động đấu thầu, nếu trong danh mục thuốc mời thầu của bệnh viện hay đấu thầu tập trung của thành phố không có loại có hàm lượng cho phép, thì các công ty dược phải “chạy” để thuốc đó có trong danh mục mời thầu.

“Chạy” xong danh mục mời thầu thì phải “chạy” tiếp vào danh mục BHYT, vì trúng thầu mà không vào được danh mục BHYT sẽ không bán được bao nhiêu. Rồi lại “chạy” để thuốc được nhập vào kho, “chạy” để được bên tài chính thanh toán. Đây chính là lý do để giải thích tại sao một số loại thuốc có hàm lượng không thông dụng lại trúng thầu vào bệnh viện với giá bán cao gấp 2-5 lần.

Đối tượng cuối cùng phải gánh chịu sự tăng giá là người bệnh và quỹ BHYT. Mà nói cho cùng thì quỹ BHYT chủ yếu được hình thành từ nguồn đóng góp của những người mua bảo hiểm!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét