VOA - Có nhiều thắc mắc chứng khoán phái sinh là gì, tại sao gọi là sản phẩm phái sinh, sau khi Việt Nam khai trương thị trường chứng khoán phái sinh với “hợp đồng tương lai chỉ số VN30” là sản phẩm phái sinh đầu tiên hôm 10 tháng 8, 2017 vừa qua. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, trong cuộc phỏng vấn với đài VOA mới đây, giải thích về thuật ngữ và sản phẩm tài chính này.
VOA: Nhân ngày 10/8 vừa rồi khi Việt Nam chính thức khai trương thị trường chứng khoán phái sinh, Tiến sĩ Hiếu đã trình bày về hoàn cảnh và sự cần thiết Việt Nam mở thị trường chứng khoán phái sinh vào thời điểm này. Tuy nhiên có rất nhiều thính giả/độc giả hỏi ‘không hiểu thuật ngữ phái sinh là gì?’. Tiến sĩ đã đề cập rằng thuật ngữ này được dịch từ thuật ngữ tiếng Anh là derivatives. Có những người đã biết “derivatives” tại thị trường chứng khoán ở các nước phát triển như ở Mỹ chẳng hạn, nhưng nhiều người đặt câu hỏi tại sao Việt Nam gọi đó là “phái sinh?” Xin Tiến sĩ giải thích.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Quý thính giả, độc giả của VOA đặt câu hỏi đó có lẽ cũng không phải là điều ngạc nhiên, vì chính tôi cũng từng đặt câu hỏi “tại sao gọi là phái sinh?” Từ phái sinh của tiếng Việt đi từ tiếng Anh “derivatives,” [và] derivatives có gốc từ là “derive” có nghĩa là dẫn xuất từ một sản phẩm cơ bản.
Một thuật ngữ dễ hiểu, tôi nghĩ phải nên gọi là “sản phẩm dẫn xuất,” nó được “derive” (dẫn xuất) bởi những sản phẩm cơ bản. Tôi không hiểu tại sao các nhà kinh tế của Việt Nam dùng từ “phái sinh.” Thực sự tôi cũng cố tìm hiểu mãi, nhưng chưa cảm thấy mãn nguyện. Vì thế đối với tôi thuật ngữ phái sinh có lẽ nó xa lạ, và đáng lý có thể dùng từ “sản phẩm dẫn xuất” thì có thể phù hợp hơn.
[Tuy nhiên] Bây giờ chúng ta hãy xem “phái sinh” là thuật ngữ thông dụng của tiếng Việt. Chứng khoán phái sinh hay sản phẩm phái sinh đó là một công cụ tài chính, mà giá trị của chúng phụ thuộc vào giá trị của một tài sản cơ sơ.
Lấy một thí dụ dễ hiểu. Một công ty phát hành cổ phiếu. Bước đầu tiên, doanh nghiệp đó phát hành cổ phiếu mà trong tiếng anh gọi là IPO (Initial Public Offering) ra thị trường sơ cấp. Sau IPO, cổ phiếu hay chứng khoán đó được tiếp tục giao dịch trên thị trường mà ở Việt Nam gọi là “thị trượng thứ cấp (secondary market). Trong thị trường thứ cấp có hai thị trường, đó là thị trường của các tài sản cơ sở, và thị trường của các tài sản phái sinh.
Khi một người mua và một người bán một chứng khoán ngay tại thời điểm giao dịch hiện tại, thì đó là giao dịch cơ sở. Còn nếu không phải là hợp đồng giao dịch ngay lúc đó, mà có một hợp đồng trong tương lai. Chẳng hạn tôi thỏa thuận bán một số chứng khoán tại một thời điểm tương lai, như vào ngày 30/9, hoặc kỳ hạn một tháng, hay ba tháng, thì hợp đồng đó gọi là hợp đồng phái sinh.
Hợp đồng phái sinh đó dựa trên cơ sở của chứng khoán đầu tiên đã được phát hành và thị trường của những sản phẩm phái sinh đó ở Việt Nam được gọi là thị trường chứng khoán phái sinh.
Các cơ quan quản lý chứng khoán Việt Nam định nghĩa có bốn loại chứng khoán phái sinh: hợp đồng kỳ hạn ( tiếng Anh gọi là forwards), hợp đồng tương lai (futures), hợp đồng quyền chọn (options), và hợp đồng hoán đổi (swaps).
Khi thị trường chứng khoán phái sinh khai trương ở Việt Nam, chỉ có một sản phẩm duy nhất được thực hiện, đó là hợp đồng tương lai (futures), ba hợp đồng kia chưa được thực hiện.
Sở dĩ chính phủ chỉ cho thực hiện hợp đồng tương lai là vì thị trường phái sinh còn rất mới mẻ ở Việt Nam, và để tránh rủi ro, cũng như để các thành viên trong thị trường dần dần tìm hiểu, am hiểu và quen thuộc với thị trường phái sinh.
Hiện tại hợp đồng tương lai đó được giao dịch dựa trên chỉ số VN30.
VOA: Trong ‘hợp đồng tương lai chỉ số VN30’ đó thì cái gì là sản phẩm cơ bản mà Tiến sĩ vừa giải thích?
TS Hiếu: Nó không có sản phẩm cở bản trong hợp đồng này. Chỉ số VN30 gồm 30 công ty có lẽ là hàng đầu của Việt Nam, cũng giống như Dow Jones 500 hay S&P500 ở bên Mỹ. Họ chọn ra những công ty hàng đầu có hoạt động động tài chính vững vàng nhất, cổ phiếu ổn định nhất. VN30 tập hợp cổ phiếu của những công ty hàng đầu đó.
Một người mua bán chứng khoán phái sinh đó sẽ không mua trực tiếp bất cứ cổ phiếu nào trong nhóm 30 đó, mà họ thương lượng, mua bán, giao dịch với nhau dựa trên chỉ số VN30. Chỉ sổ VN30 hiện tại là 744 điểm. Còn VN Index, tập hợp hàng trăm công ty, hiện tại là 774 điểm.
Có quy định về “position” mà ở Việt Nam gọi là “vị thế,” theo đó, nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể có 20.000 vị thế trên một tài khoản, các tổ chức kinh tế có 10.000 vị thế trên một tài khoản, các nhà đầu tư cá nhân có 5.000 vị thế trên một tài khoản, có thể tạm gọi đó là đơn vị, nhưng đơn vị đó không phải là cổ phiếu, mà là đơn vị để giao dịch trên thị trường phái sinh VN30. Người mua hoặc người bán chứng khoán phải giao dịch qua sở giao dịch chứng khoán, trong đó có phân khúc thị trường phái sinh. Người giao dịch sẽ ra lệnh mua hoặc ra lệnh bán một số lượng đơn vị nào đó. Hiện tại VN30 là 744 điểm. Nếu người giao dịch dự báo trong tương lai VN30 sẽ tăng lên 754 điểm, thì người đó sẽ ra lệnh mua bao nhiêu đơn vị tại một thời điểm nào đó trong tương lai, căn cứ vào cái vị thế (position) mà người đó có, và phải phải tìm được người bán cho số đơn vị đặt mua.
Nếu người giao dịch tin rằng VN30 sẽ tăng từ 744 lên 754 điểm, thì họ sẽ mua, và sẽ tạo ra một “long positon” (vi thế dài hạn), còn nếu họ dự báo VN30 sẽ từ 744 giảm xuống còn 734 điểm, thì họ sẽ tìm cách bán, trong trường đó là “short position” (thế đoản vị).
Nhiều người thắc mắc là “mua bán cái sản phẩm nào?” Dựa trên VN30 đó thì nó không có sản phẩm, mà nó chỉ dựa trên cái dự đoán của mình về VN30 sẽ lên hay xuống. Chính vì thế nó mang tính cách đầu cơ nhiều hơn là mang tính giao dịch để nắm tài sản. Vì trong trường hợp này ta không nắm một tài sản nào cả. Nói đúng ra là như đánh bạc dựa trên VN30 lên hay xuống, ta có bao nhiêu đơn vị đó, ta bỏ ra một số tiền đó để tạo ra một “long position” hay “short position” và từ đó ta kiếm lời.
Ta không giữ một tài sản vật chất, vật lý nào cả, và có thể nói là một cái tài sản trù tượng dựa trên cơ sở của VN30.
Có lẽ chúng ta sẽ đặt câu hỏi với một sản phẩm phái sính như thế thì nó giúp gì cho thị trường chứng khoán, cái lợi và bất lợi của nó là gì?
Về mặt lợi thì theo tôi thì thị trường vốn của Việt Nam còn đang rất là giới hạn. Bây giờ có thêm thị trường phái sinh nữa thì nó sẽ tạo ra thêm các sản phẩm. Trong tương lai, sau một thời gian thử nghiệm, có lẽ chính phủ sẽ cho phép không những chỉ có VN30, mà những trái phiếu của chính phủ sẽ nhập cuộc, và cổ phiếu của các công ty khác cũng sẽ nhập cuộc. Và có thể không chỉ có hợp đồng tương lai, mà còn có hợp đồng hoán đổi, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng kỳ hạn, và nó cũng tạo thanh khoản cho các nhà đầu tư trên thị trường.
Ngoài ra nó còn mang tính “hedging” để nhà đầu tư dùng sản phẩm phái sinh này bù đắp, và bao phủ những rủi ro.
Về mặt hại, nó không phải là mua bán một sản phẩm vật chất nào, mà nó dựa trên dự báo của tôi về VN30, thì nó mang tình cách đầu cơ, như một canh bạc. Chính vì thế nó mang độ rủi ro rất cao.
Đồng thời, thành viên của thị trường phái sinh còn rất giới hạn. Thật sự mở thị trường phái sinh vào thời điểm này, tôi đồng ý với Ủy ban chứng khoán là chỉ nên giới hạn ở sản phẩm tương lai dựa trên VN30 của những công ty ổn định, không lên xuống thất thường
Tôi hy vọng là đã giải thích được thuật ngữ phái sinh.
VOA: Xin cám ơn Tiến sĩ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét