Thứ Hai, 10 tháng 7, 2017

Người phán xử

Khắc Giang

VNExp - Tôi vừa bị cướp ở Buenos Aires.

Một tình thế tệ hại: bọn cướp lấy đi ba lô, trong đó có hộ chiếu và vé máy bay, chỉ ít phút trước khi tôi lên đường ra sân bay để trở về Việt Nam.

Tệ hơn, ở đây hầu hết cảnh sát đều không nói được tiếng Anh. Nhưng đó cũng là lúc tôi có một trải nghiệm may mắn: sức mạnh của công nghệ. Nhờ Google Translate, công cụ dịch ngôn ngữ của Google, tôi có thể giao tiếp được với cảnh sát, qua đó có được bản tường trình để làm lại giấy tờ và đổi vé máy bay. Đây có lẽ là điều không tưởng chỉ cách đây 10 năm về trước.

Đó là lúc tôi chứng kiến một cách thực tế nhất công nghệ làm phẳng thế giới như thế nào.

Nhưng cùng thời điểm tôi bị cướp, ở phía bên kia Đại Tây Dương, Google bị Liên minh châu Âu phạt 2,42 tỷ Euro với cáo buộc độc quyền và vi phạm những quy định trong kinh doanh.

"Google tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ sáng tạo, giúp thay đổi cuộc sống của chúng ta. Đó là điều tốt. Nhưng chiến lược lợi dụng vị thế số một về công cụ tìm kiếm, để loại bỏ đối thủ cạnh tranh trong dịch vụ so sánh giá, đã khiến khách hàng không có cơ hội lựa chọn sản phẩm dựa trên công năng thực tế của chúng" - bà Magareth Vestager, phụ trách điều tra chính của EU phát biểu với báo chí.

Với một người vừa được "cứu" bởi Google, hẳn nhiên tôi có thiên kiến cá nhân trong việc ủng hộ họ. Nhưng nói như bà Vestager, chúng ta không nên chỉ nhìn những tiến bộ công nghệ như các thiên thần. Liệu tôi có còn ủng hộ Google không, nếu họ dùng độc quyền để loại bỏ một start-up công nghệ khác về ngôn ngữ mà có chất lượng hơn hẳn họ?

Sau tất cả, đằng sau công nghệ mới là những doanh nghiệp. Mục đích quan trọng nhất của họ vẫn là đảm bảo lợi nhuận. Để đảm bảo lợi nhuận, như những công ty truyền thống khác, đôi khi họ cũng bất chấp các nguyên tắc về công bằng. Vì thế, điều chỉnh hoạt động của công nghệ không thể chỉ dựa trên cảm tính cá nhân, mà còn phải bằng pháp luật.

Tranh cãi giữa một bên là Uber và Grab, với một bên là taxi, có lẽ là điển hình cho câu chuyện điều chỉnh xung đột tạo ra bởi công nghệ mới. Tôi từng viết về câu chuyện đó trên mục này gần 3 năm trước, với quan điểm ủng hộ sự tồn tại của các dịch vụ nói trên. Đến bây giờ, tôi không thay đổi góc nhìn đó.

Suy cho cùng, việc Uber và Grab xuất hiện khiến dịch vụ di chuyển thuận lợi hơn rất nhiều, taxi truyền thống cũng đã cải thiện vượt bậc dịch vụ khách hàng. Bản thân Vinasun, Thành Công và một số hãng taxi cũng đã cho ra mắt các sản phẩm ứng dụng của riêng mình. Đó chính là "ngoại ứng tích cực" của công nghệ, giúp khách hàng "có cơ hội lựa chọn sản phẩm dựa trên công năng thực tế" như bà Vestager phát biểu.

Thế nhưng sau 3 năm quan sát, tôi cũng thấy những lo ngại về cạnh tranh không bình đẳng không phải là không có cơ sở. Các ứng dụng gọi xe, từ ý tưởng ban đầu của việc tận dụng xe cá nhân nhàn rỗi, đã phát triển thành đội xe chuyên nghiệp với đối tác là những hợp tác xã vận tải lớn thay vì các cá nhân nhỏ lẻ. Như thế, thay vì tận dụng xe nhàn rỗi, dịch vụ gọi xe trực tuyến lại có nguy cơ tăng lượng xe lưu thông trên đường.

Thêm vào đó, việc Uber và Grab chỉ coi lái xe là "đối tác" thay vì "lao động" của mình cũng là một vấn đề cần quan tâm, bởi như vậy họ sẽ không có nghĩa vụ đảm bảo quyền lợi cho lao động. Doanh nghiệp hiện tại phải đóng trung bình 24% tổng quỹ lương cho nghĩa vụ trên. Điều này sẽ là không công bằng cho chính lái xe của các hãng công nghệ mới.

Đó chỉ là hai trong số nhiều lo ngại phát sinh trong quá trình thí điểm của Uber và Grab. Qua thời gian đó, có thể thấy họ đã trở thành một người chơi lớn trên thị trường. Và cũng như những người chơi khác, họ cần được điều chỉnh bởi những quy định. Nhưng đến bây giờ, việc “phán xử” mâu thuẫn này, đang được thực hiện bằng cảm tính.

Các tài xế cảm tính, đe nẹt và hành hung đối phương đã đành. Các hãng cạnh tranh với Grab và Uber cũng đang dừng lại ở việc "kêu cứu" cơ quan chức năng hạn chế hay cấm Uber và Grab như đã làm trong thời gian qua.

Thay bằng kiểu cảm tính đó, họ cần dùng pháp luật làm "người phán xử" cho mình bằng cách đưa nhau ra toà - như taxi truyền thống ở một số nước khác. Đó hẳn sẽ là lựa chọn tốn kém và mất nhiều thời gian: quá trình điều tra Google mất đến 7 năm để hình phạt được đề ra. Nhưng nếu muốn tránh việc chuyển thị trường từ điểm không bình đẳng này tới điểm không bình đẳng khác, đó là lựa chọn khả dĩ nhất.

Và trên hết, trách nhiệm chính vẫn sẽ thuộc về Bộ Giao thông - Vận tải, người phán xử có vẻ như đang chậm chạp trong việc trả lời các nghi ngại.

Tôi đã làm được giấy thông hành, và gõ những dòng này trên điện thoại trong lúc chờ đợi chuyến bay tiếp theo để trở về. Sức mạnh công nghệ đã “cứu” tôi. Nhưng cũng sức mạnh ấy, khiến tôi ngần ngại: sự tiện dụng của nó, sự đáng yêu của nó, hoàn toàn có thể trở thành tiền đề cho một sự bất bình đẳng trên thị trường mà chúng ta chưa nhận ra.

Thế giới ngày càng phẳng và các nhà đầu tư có thể dễ dàng bước chân vào Việt Nam qua đường truyền cáp quang. Sự tiện lợi chưa từng có, xuất hiện cùng những băn khoăn chưa từng có.

Khi mà các hãng công nghệ nước ngoài và trách nhiệm xã hội của họ, vẫn là đề tài được bàn luận ngày này qua ngày khác, thì vai trò của “người phán xử” - chính là luật pháp bản địa, trở nên hết sức quan trọng. Không thể nhìn nhận bằng cảm tính.

EU mất 7 năm với Google. Nếu chúng ta không bắt đầu quá trình tìm hiểu, bắt đầu việc xây dựng luật pháp riêng cho loại hình kinh doanh thời thượng này, thì có thể ta sẽ chẳng bao giờ nhận ra rằng mình đã mất gì và được gì.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét