Chủ Nhật, 12 tháng 3, 2017

Hàng rong dưới góc nhìn chức năng luận

Lê Minh Tiến

(TBKTSG) - Trong các chiến dịch lập lại trật tự đô thị ở nước ta, hình như những người buôn bán hàng rong là một trong những “chủ điểm” để xử lý và điều này khiến ta nghĩ rằng sự lộn xộn của đô thị nói chung và của giao thông đô thị có nguyên nhân chính từ việc buôn bán hàng rong trên đường phố, vỉa hè. Nhưng vì sao hàng rong lại tồn tại và liệu ta có thể xóa bỏ hàng rong trong ngắn hạn không? Thử nhìn hàng rong dưới góc độ của chức năng luận (fonctionnalisme) để hiểu được lý do tồn tại của nó từ đó có cách xử lý vấn đề này thích hợp hơn.

Hàng rong và những chức năng của nó

Dưới góc độ chức năng luận, xã hội là một tổng thể hữu cơ bao gồm các thành tố có sự hội nhập hài hòa với nhau để giữ cho xã hội vận hành trong sự ổn định. Các thành tố ấy có thể được tìm hiểu thông qua các chức năng của nó trong tương quan với những thành tố khác. Nói cách khác, các thành tố của xã hội có lý do để tồn tại và ta cần tìm hiểu xem cái lý do tồn tại của nó là gì. Hàng rong là một thành tố cấu thành trong tổng thể kinh tế - xã hội của đất nước chúng ta. Một nền kinh tế còn kém phát triển, giao thông với sự thống trị của xe gắn máy hai bánh, hoạt động kinh tế ở các đô thị bám chặt vào mặt tiền thì đương nhiên hàng rong cũng tồn tại vì nó thích hợp với bối cảnh như vậy.

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay, hàng rong có một trong những chức năng rất quan trọng vì nó là một sinh kế cho nhiều người thiếu nguồn vốn và thiếu tay nghề chuyên môn. Có thể nói ở các quốc gia có trình độ phát triển còn tương đối thấp như nước ta, hoạt động kinh tế phi chính thức (informal sector) chiếm một tỷ lệ lớn trong hoạt động kinh tế nói chung của đất nước, đặc biệt là ở các khu vực đô thị lớn. Những việc làm như bán hàng rong, chạy xe ôm, bán nước mía, bán trái cây dạo, bán cà phê xe đẩy ở vỉa hè… là những điển hình của các việc làm thuộc khu vực phi chính thức. Mặc dù bị thiếu thốn đủ điều như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cộng với nguồn thu nhập bấp bênh nhưng những việc làm phi chính thức là nguồn sinh kế quan trọng của tầng lớp người yếu thế (yếu về học vấn, tay nghề, nguồn vốn…) và tất nhiên chúng cũng đóng góp vào nền kinh tế nói chung. Chúng ta thử đặt câu hỏi xem Hà Nội và TPHCM nếu không có sự đóng góp của khu vực phi chính thức thì đời sống kinh tế - xã hội ở hai nơi này sẽ ra sao? Các bà nội trợ và hầu hết các hộ gia đình có thu nhập thấp, giới công nhân lẫn sinh viên… ở thành phố sẽ mất đi một nguồn cung ứng rau quả, thực phẩm, hàng hóa nhanh - rẻ - tiện lợi từ các gánh hàng rong, trong các chợ cóc và trên các vỉa hè. Phó chủ tịch của một quận ở TPHCM phát biểu rằng “sau gánh hàng rong là nguồn sống của một gia đình” là điều hoàn toàn chính xác.

Bên cạnh chức năng kinh tế - xã hội như vừa nêu trên, hàng rong trong chừng mực nào đó còn có chức năng văn hóa nữa khi nó là một trong những nét riêng biệt của Việt Nam so với thế giới. Những quang gánh hàng rong tất nhiên tạo nên một sự thích thú nào đó cho du khách từ các nước khác đến với chúng ta. Đồng thời, hàng rong nó cũng gắn với lối sống của phần lớn người dân Việt bởi người Việt thích ăn hàng rong và có lẽ không có ai trong đời mà chưa từng ăn hàng rong. Người ta có thể ý thức được sự không an toàn về chất lượng sản phẩm của hàng rong nhưng người ta vẫn dùng đến nó vì những lý do mang tính thói quen văn hóa nào đó.

Hàng rong và những “rối loạn chức năng” của nó

Như câu ngạn ngữ Pháp “cái gì nhiều quá cũng không tốt” (tout excès est mauvais), hàng rong có những chức năng quan trọng của nó, nhưng nếu nhiều quá cũng gây rối loạn cho sự vận hành của xã hội tổng thể và điều này được các nhà chức năng luận gọi là “rối loạn chức năng” (dysfonctions) của các thành tố xã hội. Người ta đang muốn loại bỏ hàng rong vì nó bị xem là một trong những thủ phạm làm mất mỹ quan đô thị, tác động tiêu cực đến giấc mơ “được giống Singapore” của không ít người. Cái rối loạn chức năng thứ hai của hàng rong vì nó là một trong những yếu tố gây ùn tắc giao thông trong đô thị, đặc biệt là ở Hà Nội và TPHCM. Cái rối loạn chức năng thứ ba là có thể làm cho nguồn thu thuế của Nhà nước bị giảm vì không thể đánh thuế trên những gánh hàng rong. Cuối cùng, hàng rong có thể là kẻ tiếp tay cho sự tồn tại của của những loại thực phẩm, sản phẩm không đạt yêu cầu về vệ sinh, chất lượng.

Có lẽ vì chỉ nhìn thấy những rối loạn chức năng như vậy của hàng rong mà người ta đang muốn xóa sổ một trong những loại hình chính của hoạt động kinh tế phi chính thức này.

Giải pháp nào cho hàng rong?

Như đã nói bên trên, hàng rong là một thành tố cấu thành trong cấu trúc kinh tế - xã hội của chúng ta hiện nay và có lẽ cả trong trung hạn. Đồng thời nó có những lý do quan trọng để tồn tại và do đó, dẹp hẳn hàng rong là một ý tưởng bất khả thi bởi dù có dẹp nơi này thì nó cũng sẽ chuyển sang nơi khác chứ không hề mất đi hoàn toàn.

Có lẽ cần suy nghĩ các giải pháp sao cho có thể hạn chế bớt đi những rối loạn chức năng của hàng rong hơn là loại trừ loại hình sinh kế này. Tất nhiên, ta vẫn có thể loại bỏ được hàng rong với điều kiện là cải thiện được đời sống kinh tế - xã hội cho người dân và đây là giải pháp căn bản, lâu dài và khó khăn. Do đó, trong ngắn hạn, nên nghiên cứu xem trên địa bàn có thể có những khu vực, con đường nào nào có diện tích đủ rộng có thể cho phép bán hàng rong trên vỉa hè và cương quyết cấm hàng rong trên lòng đường. Bên cạnh việc cấm thì cũng phải nghĩ đến các giải pháp hỗ trợ để người dân chuyển đổi phương thức sinh kế chứ không nên cấm, phạt còn sau đó người dân sống ra sao thì tùy. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét