Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2017

Việt Nam thiếu những nhà đầu tư cho các ý tưởng 'điên rồ'

Thu Anh

MTG - Liên quan đến vấn đề đầu tư cho các dự án khởi nghiệp, Bộ KH-CN đang đề xuất các quỹ như Quỹ đổi mới sáng tạo quốc gia, Dự án FIRST (Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ)…Nhưng theo ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software thì Việt Nam đang thiếu những nhà đầu tư cho các ý tưởng 'điên rồ'.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) Trần Văn Tùng, người phụ trách về hoạt động khởi nghiệp thì Việt Nam không quá chậm trong phong trào khởi nghiệp. Khởi nghiệp thành công hay không hoàn toàn phụ thuộc vào con người, trong khi nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay được đánh giá là có chất lượng vàng.

Cần phải hiểu nhà đầu tư muốn gì

Theo Bộ KH-CN, vấn đề khởi nghiệp sáng tạo còn khá mới mẻ ở Việt Nam, do đó chưa có số liệu thống kê chính thức của Nhà nước về số lượng doanh nghiệp này.

Được biết hiện nay có hơn 20 quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài đang đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam như 500 Startup, VinaCapital, IDG Ventures… và đang có xu hướng tăng lên.

Tại Techfest 2016, Quỹ 500 Starup - một quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ vừa công bố quyết định sẽ lập riêng quỹ nhỏ có trị giá 10 triệu USD cho 100 - 150 dự án khởi nghiệp tại Việt Nam. Trong 5 năm tới, Quỹ đầu tư 500 Starup sẽ tăng vốn lên 100 triệu USD cho Starup Việt.

Trao đổi cùng báo điện tử Một Thế Giới tại Techfest - Ngày hội khởi nghiệp 2016, ông Bình Trần (Quỹ đầu tư 500 Startup, Mỹ) nhấn mạnh: “Tôi đánh giá cao đội ngũ kỹ sư mảng công nghệ của Việt Nam. Khi đến Việt Nam, tôi mong muốn tìm kiếm những startup có tham vọng mới và có thể giải quyết thị trường lớn nhưng các startup cũng phải hiểu được những nhà đầu tư cần gì, muốn gì".

Hiện tại, đề án “Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon ở Việt Nam” của Bộ KH-CN cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ huy động vốn đầu tư ban đầu và các vòng gọi vốn đầu tư tiếp theo cho các dự án khởi nghiệp có tiềm năng.

Thiếu cả cơ chế lẫn nhà đầu tư đặc biệt

Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, tạo cơ chế thuận lợi là vấn đề mấu chốt thúc đẩy khởi nghiệp phát triển; Do đó các văn bản chính sách phải được quy định rõ ràng; môi trường pháp lý phải đảm bảo, công khai…

Được biết Bộ KH-CN đang tính toán việc xây dựng các chương trình KH-CN quy mô quốc gia, cấp tỉnh để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong đó tập trung hỗ trợ thành lập và phát triển các mô hình tổ chức trung gian kiểu mới, liên kết với thị trường quốc tế nhằm gọi vốn, thoái vốn đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp…

Tuy nhiên, bên cạnh một cơ chế thuận lợi, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software khi chia sẻ trong Startup Festival 2016 lại cho rằng phong trào startup Việt dù mạnh nhưng vẫn đang thiếu nhiều thứ. Ông kể khi đến thăm thung lũng Silicon (Mỹ), ông đã gặp rất nhiều nhà đầu tư thiên thần với năng lực rất đặc biệt, đó là khả năng lắng nghe các bạn trẻ trình bày “những điều rất lăng nhăng và không bài bản”.

“Họ đã tìm thấy giữa những lời trình bày lộn xộn đó những ý tưởng đặc biệt xuất sắc và họ sẵn sàng nuôi dưỡng điều đó. Chúng ta cần những con người sẵn sàng đầu tư cho mọi ý tưởng điên rồ có thể thay đổi cả thế giới như vậy” - ông Tiến nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét