Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2016

Ông chủ Thép Hòa Phát, Tôn Hoa Sen "bay mất" hàng trăm tỷ chỉ sau vài ngày

Hiền Anh

Infonet - Cơn bão chốt lời của nhà đầu tư cộng với thông tin các nhà sản xuất thép Mỹ kiện bán phá giá đã khiến tài sản của hai đại gia Trần Đình Long và Lê Phước Vũ “bốc hơi” đáng kể.

Các nhà sản xuất thép tại Mỹ đã đệ đơn kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nguội và thép chống ăn mòn do một số doanh nghiệp Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ. Thông tin này được Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) công bố ngày 04/10/2016. Theo đó, các nhà sản xuất thép của Mỹ cáo buộc nhiều doanh nghiệp thép Trung Quốc đã chuyển hàng sang Việt Nam để gia công hoặc hoàn thiện nhỏ không đáng kể, sau đó xuất khẩu sản phẩm thép chống ăn mòn sang Mỹ để tránh thuế áp cho các nhà sản xuất Trung Quốc.

Vào ngày 24/5, Bộ Thương mại Mỹ quyết định áp dụng mức thuế chống bán phá giá là 199,4% và mức thuế chống trợ cấp là 241,4% đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Kể từ thời điểm này thép nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ tăng mạnh và điều này khiến các nhà sản xuất thép tại Mỹ nghi ngờ thép Trung Quốc đội lốt thép Việt Nam.

Bộ Thương mại Mỹ sẽ xác định xem sản phẩm thép chống ăn mòn từ Việt Nam có đang lách luật và có thể bị áp thuế như đối với sản phẩm từ Trung Quốc hay không. Việc điều tra sẽ tập trung vào phần giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam của sản phẩm bị điều tra. Và cho đến khi các nhà sản xuất Việt Nam chứng minh được một tỷ lệ  giá trị gia tăng nhất định được tạo ra tại Việt Nam thì sẽ không có vấn đề gì xảy ra.

Như vậy, mục đích chính của vụ kiện trên thực tế là để chống gian lận với mục đích lẩn tránh thuế chứ không phải là để chống bán phá giá. Bản chất vụ kiện lên Bộ Thương mại Mỹ liên quan đến việc thép Trung Quốc đội lốt thép Việt Nam để xuất sang Mỹ mà không nhằm vào các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam có hoạt động sản xuất sử dụng HRC làm đầu vào.

Sau khi có thông tin về vụ kiện, giá cổ phiếu HSG của Hoa Sen Group và HPG của Hòa Phát Group trong phiên giao dịch ngày 4/10 đã đi xuống. Cụ thể, cổ phiếu HSG giảm 3,40%, cổ phiếu HPG giảm 1,2%. 

Cơn bão chốt lời của nhà đầu tư cộng với thông tin các nhà sản xuất thép Mỹ kiện bán phá giá đã khiến tài sản của hai đại gia Trần Đình Long và Lê Phước Vũ “bốc hơi” đáng kể. 

Hiện tại, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát và vợ là bà Vũ Thị Hiền đang sở hữu khoảng 273 triệu cổ phiếu HPG, tương đương 12,4 nghìn tỷ đồng. Tính từ khi có thông tin về vụ kiện, cổ phiếu HPG giảm 4,6% sau 3 phiên giảm giá liên tiếp, còn 43.600 đồng/cp. Như vậy, tài sản của gia đình ông Trần Đình Long đã giảm 500 tỷ đồng chỉ sau 3 phiên giao dịch. Tuy nhiên, HPG đã có 5 phiên giảm giá liên tiếp từ ngày 29/09 tính đến ngày 05/10, do vậy, tài sản của gia đình ông Trần Đình Long đã bị "hao hụt" khoảng 800 tỷ đồng.

Trong khi đó, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tôn Hoa Sen thông qua 2 công ty con là Công ty TNHH MTV Tam Hỷ và Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen nắm giữ khoảng 70 triệu cổ phiếu HSG. Sau 3 phiên giảm giá liên tiếp gần đây, cổ phiếu HSG đã giảm từ 42.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 39.300 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giảm 6,4%. Như vậy, tài sản của ông Lê Phước Vũ cũng đã bay hơi mất 189 tỷ đồng.

Tuy vậy, theo nhận định của Công ty chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HSC), vụ kiện trên không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất thép lớn của Việt Nam như HSG hay HPG vì những doanh nghiệp này không nhập sản phẩm của Trung Quốc về để gia công, cũng như không xuất khẩu CRC.

Trên thực tế, nếu quan tâm đến sản phẩm của các doanh nghiệp, có thể dễ dàng nhận ra HPG chỉ sản xuất thép xây dựng và không trong cùng lĩnh vực với sản phẩm bị khởi kiện.

Trước việc giá cổ phiếu HPG giảm 6% trong 4 phiên vừa qua, trong khi giá cổ phiếu HSG cũng giảm 6% trong cùng thời gian này mặc dù giá quặng sắt đã tăng khá mạnh trong thời gian gần đây, các chuyên gia phân tích của HSC cho rằng, có thể NĐT đang chốt lời và sau khi cổ phiếu HPG đã tăng 79%, còn HSG đã tăng 101% so với đầu năm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét