MTG - Báo chí mấy ngày qua ầm ĩ về việc lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN) Phạm Lương Sơn khi còn là Trưởng ban Chính sách Y tế đã chỉ đạo ngầm toàn quốc không cho một số thuốc vào kế hoạch đấu thầu năm 2016, trong đó nổi bật là nước cất và thuốc tiêm đóng gói ống nhựa.
Chuyện rất nhỏ nhưng nó lại gợi ra một vấn đề rất lớn về công tác quản lý và sự quan liêu của quan chức điều hành trong hệ thống chính phủ Việt Nam đã vô tình "bức tử" doanh nghiệp Việt.
Nói đến ống nhựa, mọi người sẽ nghĩ ngay đến đây là một loại vỏ, đóng gói bằng nhựa, có gì to tát đâu. Có gì to tát đâu, cũng như chuyện cái ốc vít, khi mà nhiều nước trên thế giới đã đưa vào sản xuất và sử dụng đóng gói cho các loại thuốc sử dụng trong bệnh viện thì Việt Nam vẫn phải nhập.
Công ty Dược phẩm Trung Ương đã nhiều năm liền phân phối sản phẩm này của Ấn Độ. Cho đến tận năm 2015 thì mới có một công ty là CPC1 Hà Nội đầu tư 3 triệu đô nghiên cứu công nghệ BFS (công nghệ tiên tiến của Mỹ) đưa vào sản xuất tại Việt Nam. Sản phẩm nhanh chóng được đón nhận thay thế hàng nhập ngoại.
Sau 1 năm, 22 tỉnh đã sử dụng sản phẩm này và số lượng sẽ còn tiếp tục nhân rộng nếu không có chỉ đạo ngầm bằng email của lãnh đạo BHXHVN loại "nước cất ống nhựa", "thuốc tiêm ống nhựa" không cho vào kế hoạch đấu thầu thuốc năm 2016 vì "độc quyền giá cao".
Điều đáng nói là, nguyên nhân được BHXHVN đưa ra là do sản phẩm "độc quyền giá cao". Thế nhưng qua tìm hiểu về hồ sơ sản phẩm, giấy phép thì hóa ra đây lại là sản phẩm tiên phong được Bộ Y tế cấp phép chứng nhận về chất lượng và theo trần giá cả.
Một doanh nghiệp trong nước, đi tiên phong, tạo ra một xu hướng mới trong đầu tư, sản xuất và tiêu dùng, thay vì được khuyến khích, tạo điều kiện thì đã bị quy chụp với "tội danh" là "độc quyền" và chỉ sau 1 năm, đau lòng thay, đã bị cơ quan chức năng "hất thẳng cẳng" ra ngoài và đương nhiên tạo thế độc quyền cho sản phẩm ngoại nhập.
Thế nhưng, trả lời báo chí về điều bất hợp lý này, lãnh đạo BHXH đã tự tạo một khái niệm mới chưa từng có trong ngành khoa học sản xuất "sản phẩm độc quyền tự tạo", "độc quyền dân gian" và khẳng định việc "email ngầm là" do thời đại chính phủ điện tử”, và “đây là luật bất thành văn giữa Bộ y tế và BHXHVN, gửi công văn vẫn theo đường công văn, scan, email nhanh hơn rất nhiều”.
Lãnh đạo BHXHVN quan liêu, đánh đồng khái niệm công văn có dấu, chữ ký của tổ chức được scan gửi qua email khác với việc thư cá nhân không có chứng nhận của tổ chức, không có dấu má nhưng lại được cá nhân gắn với chức danh của tổ chức sử dụng để truyền đi mệnh lệnh cá nhân.
Chưa hết, viện dẫn cho việc công nghệ đóng gói đã tiêu tốn vào quỹ bảo hiểm và BHXHVN phải giữ lấy quỹ "vì những người đóng bảo hiểm y tế, vì những người bệnh ung thư, bệnh tim cần được mổ", lãnh đạo BHXH đã đưa ra một con số so sánh về việc sản phẩm đóng gói của Việt Nam sản xuất đã tiêu tốn quỹ như thế nào bằng... chính số liệu 3,5 triệu ống nước cất ống nhựa trúng thầu của Ấn Độ tại khu vực Hà Nội. Quan chức quản lý quan liêu không nắm được số liệu thực tế, người đánh máy hay nhân viên cung cấp sai, hay bản thân đánh đồng lấp liếm giữa hai sản phẩm của nội và của ngoại?
Những tưởng mọi chuyện chỉ dừng lại đó, BHXH sẽ "nhận ra" vấn đề và có thái độ tích cực hơn với doanh nghiệp, thì đại diện BHXHVN công khai triệt tiêu luôn sản phẩm bằng việc phát đi một thông báo lên truyền hình, phát thanh của nhà nước: "nước cất ống nhựa lạm dụng quỹ, tiêu tốn 15 tỷ/1 năm so với ống thủy tinh" và gắn kèm vào những vụ việc lạm dụng quỹ bị phát hiện tại các bệnh viện. 15 tỷ cho công nghệ đóng gói sử dụng cho 22 tỉnh trong 1 năm có là lớn không khi mà nó mang lại tiện ích, tránh rủi ro và đặc biệt thay thế sản phẩm ngoại nhập của Ấn Độ, tránh chảy máu ngoại tệ?
Thông tin rộng lớn phát trên toàn quốc đã ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của các bệnh viện sử dụng sản phẩm vì ủng hộ chủ trương của chính phủ "người Việt dùng hàng Việt" cũng như ảnh hưởng xấu đến hình ảnh doanh nghiệp. Thế nào là lạm dụng? Bệnh viện lựa chọn sản phẩm sử dụng đưa vào hội đồng đấu thầu, hội đồng đấu thầu sẽ xét duyệt chất lượng của thuốc, giá thành của sản phẩm và khả năng của nhà thầu.
Bệnh viện không thể lạm dụng được và doanh nghiệp cũng không thể lạm dụng được nếu như hội đồng đấu thầu gồm cả thành viên bộ y tế và BHXHVN làm việc minh bạch, công khai, nghiêm túc. Thay vì kiểm tra, giám sát hội đồng đấu thầu thì lãnh đạo BHXH lại gán cho "bệnh viện/DN" cái tiếng xấu "lạm dụng". Sở dĩ vậy là do, lãnh đạo quan liêu không nắm vững quy trình đấu thầu, không hiểu về thuật ngữ chuyên môn của từ lạm dụng hay lạm dụng từ ngữ và sử dụng không chính xác?
Có lẽ còn tệ hơn khi lãnh đạo BHXH khẳng định rằng: “Thực tế vỏ nhựa hay thủy tinh chỉ là công nghệ làm vỏ, chất lượng sản phẩm đều đã được kiểm định đảm bảo chất lượng mới được lưu hành, nước cất vỏ thủy tinh rất dễ bẻ, chưa có nhân viên y tế nào đứt tay vì điều này. Về xử lý rác thải, công nghệ xử lý rác thải thủy tinh dễ dàng, rẻ tiền và bảo vệ môi trường hơn công nghệ xử lý rác thải nhựa”.
Hơn ai hết, lãnh đạo BHXHVN phải hiểu rõ thẩm quyền trách nhiệm của mình và việc lựa chọn sản phẩm dùng trong điều trị phải do cơ sở khám chữa bệnh quyết định để đáp ứng được Quyết định 3671/QĐ-BYT ngày 27.9.2012 công bố các hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn, trong đó có hướng dẫn tiêm an toàn hay Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31.12.2015 về quy định về quản lý chất thải y tế do Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành xếp mảnh vỡ thủy tinh là “chất thải lây nhiễm sắc nhọn” loại A trong chất thải nguy hại và lây nhiễm, phải xử lý đặc biệt.
Có hay không sự bảo kê cho sản phẩm ống thủy tinh và ống nhựa Ấn Độ, có lẽ câu trả lời cũng chưa cần bàn tới. Nhưng những gì thể hiện ra đã cho thấy, sự quan liêu, thiếu hiểu biết chuyên môn của lãnh đạo BHXH đã đẩy doanh nghiệp trong nước vào thế "vực thẳm".
Chẳng có doanh nghiệp nào làm ăn ở VN muốn đương đầu với quan chức, kể cả khi bị "bóp cổ" vì ai cũng hiểu rõ cái cơ chế ngầm tại Việt Nam quá lớn và vận mệnh doanh nghiệp cũng nổi trôi. Nhưng là người nắm quỹ, giữ tiền thuế của dân đóng góp, lãnh đạo cũng nên vì dân, vì những người đóng bảo hiểm y tế để bớt đi sự quan liêu tàn nhẫn mà chi tiêu hiệu quả, vì sự phát triển chung của đất nước, vì quyền lợi chính đáng mong muốn được điều trị tốt của người dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét