Dân Trí - Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đang điều động thêm 1.200 lính đặc nhiệm tới khu vực này, trong đợt điều động mới nhất nhằm “kiềm chế sự trỗi dậy” của Trung Quốc trong khu vực, truyền thông Trung Quốc đưa tin.
Thông tin được mạng tin tức Sina đăng tải, dẫn các phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trong chuyến thăm kéo dài 10 ngày tới khu vực và tham dự hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á tại Singapore.
Trong chuyến thăm này, ông Carter đã tái khẳng định tầm quan trọng của khu vực châu Á Thái Bình Dương với các lợi ích của Mỹ. Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng khẳng định quyết tâm tạo bầu không khí tin cậy trong khu vực, hỗ trợ giải quyết các tranh chấp chủ quyền và đảm bảo sự ổn định an toàn.
Hồi cuối tháng Tư, không lâu trước khi lên đường, ông Carter cũng có bài phát biểu tại đại học Stanford trong đó nhấn mạnh rằng: dù Mỹ hoan nghênh sự nổi lên của Trung Quốc và Ấn Độ, Lầu Năm Góc vẫn cần duy trì sự hiện diện của Mỹ tại khu vực “do đó là sự trấn an đối với nhiều nước tại đây”, xét tới vai trò của Mỹ trong đảm bảo hòa bình cho khu vực suốt 70 năm qua.
Trung Quốc rõ ràng là đối thủ chính của Mỹ trong cuộc đua tìm cách chi phối khu vực, Sina nhận xét, dù Washington cũng đang theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh vì lợi ích của cả hai bên.
Do đó, Mỹ không chỉ sẵn sàng giải quyết những vướng mắc của hai bên thông qua các biện pháp ngoại giao, hòa bình mà còn cần sẵn sàng ứng phó với khả năng bất ngờ xảy ra xung đột.
Hiện Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của quân đội Mỹ nắm trong tay một lực lượng gồm cả hải, lục, không quân, lính thủy đánh bộ và đặc nhiệm. Trong đó bộ binh có quân số hơn 106.000 người, được trang bị trên 300 chiến đấu cơ và trực thăng, đồn trú tại Hawaii, Alaska, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trên không, lực lượng không quân Thái Bình Dương có khoảng 29.000 quân nhân, cùng hơn 300 chiến đấu cơ đóng tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Alaska và Hawaii.
Trên các vùng biển, Hạm đội Thái Bình Dương gồm Hạm đội 3, đặc trách từ bờ biển phía Tây nước Mỹ tới Đường đổi ngày quốc tế. Hạm đội 5 bao phủ vùng biển từ Vịnh Ba Tư tới Tây Ấn Độ Dương, còn Hạm đội 7 đóng đại bản doanh tại Nhật, phụ trách khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Hạm đội 7 được trang bị 41 tàu ngầm tấn công, khoảng 200 tàu mặt nước và hơn 600 chiến đấu cơ, trong đó có 5 nhóm tàu sân bay chiến đấu và một nhóm đổ bộ chiến đấu. Tổng quân số của Hạm đội Thái Bình Dương là hơn 140.000 người.
Trong khi đó, khoảng 2/3 quân số lính thủy đánh bộ Mỹ, tương đương 85.000 người, đang có mặt tại châu Á Thái Bình Dương, bao gồm lực lượng lính thủy đánh bộ viễn chinh số I tại California và lực lượng lính thủy đánh bộ viễn chinh số III đóng tại Nhật Bản. Ngoài ra, còn có hơn 1.200 binh sỹ đặc nhiệm phân bổ rải rác trong khu vực, được trang bị các vũ khí công nghệ tối tân.
Theo mạng quân sự Sina, các chuyên gia Mỹ nhận định rủi ro an ninh chính nằm tại châu Á – Thái Bình Dương do nguy cơ xảy ra khủng bố ngày một tăng tại các quốc gia Đông Nam Á, diễn biến chương trình hạt nhân của Triều Tiên và tiềm năng hạt nhân của Trung Quốc.
Cụ thể, sức mạnh quân sự và ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc đã được nhận diện là nguy cơ ngày một tăng, với tên lửa liên lục địa Đông Phong DF-5 có thể đánh trúng các mục tiêu cách xa 13.000 km. Ngoài ra, các tên lửa đạn đạo phóng từ biển có khả năng mang đầu đạn hạt nhân vươn tới các mục tiêu trong bán kính 1.700km.
Trung Quốc sẽ trở thành mối đe dọa an ninh lớn nhất với Mỹ nếu nước này còn tiếp tục tăng cường năng lực quân sự ở tốc độ hiện tại, bài báo viết.
Trang tin này cho rằng một cuộc xung đột lớn trong khu vực không phải không có khả năng xảy ra, khi hơn một nửa các xung đột quân sự tại châu Á – Thái Bình Dương kể từ giữa thế kỷ 20 tới nay, cũng như hơn 80% các vụ xung đột 20 năm gần đây, có liên quan tới Trung Quốc.
Dù sao, một số chuyên gia cho rằng Washington chỉ muốn Trung Quốc gia nhập cấu trúc an ninh khu vực hiện tại, không thể có chuyện Bắc Kinh chấp nhận tuân theo trật tự của Mỹ. Thay vào đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục đi theo đường lối của mình, bao gồm việc phản đối sự hiện diện của Mỹ trong khu vực và củng cố quan hệ quân sự với Nga.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét