BizLIVE - "Việt Nam nên nhanh chóng phá giá đồng tiền. Lấy mức phá giá của Trung Quốc làm mức tham chiếu thấp nhất. Tức là, nếu Trung Quốc phá giá 5%, Việt Nam nên phá giá mạnh hơn 5%, như 6-7%".
Đó là quan điểm của TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) về chính sách tỷ giá của Việt Nam hiện nay.
Theo ông Thành, việc Trung Quốc chính thức phá giá đồng Nhân dân tệ tính theo đồng USD. Đây là nền kinh tế lớn cuối cùng làm điều này.
Trước đó, các nước khác như Nhật Bản, EU, Nga, Australia... đều đã chấp nhận đồng tiền của mình xuống giá do chủ động hay bị động. Điều này đã khiến VND, do gắn tương đối chặt vào đồng USD, đã trở nên mạnh hơn so với nhiều đồng tiền quan trọng khác.
Duy có giá trị so với đồng Nhân dân tệ là tương đối ổn định vì Trung Quốc cũng theo đuổi một chính sách tương tự như Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc đã chủ động giảm giá liên tục và có thể còn tiếp tục, nên đồng Việt Nam sẽ mạnh lên so với đồng Nhân dân tệ. Điều này, theo ông Thành, sẽ đẩy Việt Nam tới chỗ bất lợi hoàn toàn so với các đồng tiền khác (trừ USD).
Trong khi đó, Nhật, EU, Nga... đều là các đối tác trên đều rất quan trọng với Việt Nam. Việc đồng tiền của Việt Nam vẫn cơ bản giữ giá với đồng USD sẽ làm cho hàng Việt Nam đắt hơn, chi phí ở Việt Nam cũng đắt hơn.
Trước tình huống này, ông Thành cho rằng, Việt Nam nên nhanh chóng phá giá đồng tiền. Lấy mức phá giá của Trung Quốc làm mức tham chiếu thấp nhất. Cụ thể, nếu Trung Quốc phá giá 5%, Việt Nam nên phá giá mạnh hơn 5%, như 6-7%.
Về thời điểm phá giá, ông Thành cho rằng, Việt Nam nên thực hiện càng sớm càng tốt.
“Kỳ vọng Việt Nam sẽ phá giá đã hình thành mạnh mẽ. Nếu không, nền kinh tế Việt Nam sẽ thất bại trước hệ quả nghiêm trọng từ chính sách của Trung Quốc”, ông Thành nói.
Theo ông Thành, nếu NHNN vẫn theo đuổi chính sách bình ổn tỷ giá, sẽ tự đẩy mình tới đối đầu với một cuộc tấn công tiền tệ xuất phát từ chính trong dân chúng.
“Các cam kết ổn định tỷ giá của NHNN đều sẽ bị cho là bảo thủ, không phù hợp và quan trọng hơn hết, là sẽ thất bại. Nền kinh tế sẽ mất cân đối nghiêm trọng và bất ổn vĩ mô sớm muộn sẽ xuất hiện.
Dự trữ ngoại hối sẽ suy giảm nhanh chóng mà mục đích cũng không đạt được (giống tình trạng năm 2008). Và dù có đạt được, cũng chỉ là một kết quả mong manh vì sớm muộn cũng phải điều chỉnh tỷ giá để tái lập cân bằng trong thương mại quốc tế và sức cạnh tranh của nền kinh tế”, ông Thành phân tích.
Để ngăn chặn tình huống này, ông Thành kiến nghị NHNN nên phá giá tiền đồng càng nhanh càng tốt, nhằm giảm thiểu hiệu ứng của đầu cơ hoặc găm giữ USD.
Ông Thành chia sẻ thêm, nếu NHNN đủ mạnh tay, có thể phá giá cao hẳn lên so với mức thị trường đang kỳ vọng, ví dụ 10-12% hoặc hơn. Sau đó, thị trường sẽ điều chỉnh tăng giá trị VND trở lại thế cân bằng hơn, có thể là vài phần trăm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét