VNN - Trẻ con chơi trận giả trong khi Bộ Giáo dục thì chỉ biết chơi trận thật, nhưng vì thiếu kinh nghiệm nên loạn là đương nhiên. Có thể nói sự loạn này là một dàn đồng ca được hợp xướng bởi cả 2 bên: Bộ Giáo dục và thí sinh.
Chúng ta đều biết người Việt học giỏi nhưng có 2 thứ ta kém là làm kinh tế và giáo dục.
Hãy nhìn vào cảnh tượng hỗn loạn trong việc rút và nộp hồ sơ vào đại học theo nguyện vọng của thí sinh mấy ngày qua đặt ra vô số câu hỏi hóc búa.
Sự hỗn loạn cũng bắt nguồn từ đó, chứ không chỉ từ sự bất hợp lý hiện tại của cơ chế và cách thức tuyển sinh. Chỉ vì mấy cành hoa anh đào mà người Nhật mang sang trưng bày còn khiến đám đông nhỏ trở thành hỗn loạn khi tranh nhau chụp ảnh và ngắt hoa, huống hồ đây còn là chuyện đại sự cả đời.
Tiên trách kỷ, hậu trách nhân.
Nếu như các chàng trai cô gái 18 tuổi kia hiểu và nhận thức được thế nào là nghề nghiệp và thế nào là đam mê và thế nào là sự văn minh trong việc đấu tranh thì mọi chuyện đã khác.
Nếu như chưa cần tới Bộ Giáo Dục mà các cha mẹ hướng nghiệp cho con thay vì chỉ tung một cục tiền cho con học và thi thì các rủi ro hay sai lầm khi đăng ký trường và ngành sẽ được giảm thiểu. Có ai để ý kỹ càng chuyện đó đâu.
Hãy thử xem: Bộ Giáo Dục có hẳn một cơ quan là Cục Công nghệ Thông tin nhưng có vẻ như trong thời đại này bộ không khoái món này lắm mà lại chơi trò thủ công và đánh đố. Có vẻ như họ đã không hề lường trước được kịch bản của sự hỗn loạn như hiện nay. Trẻ con chơi trận giả trong khi Bộ Giáo dục thì chỉ biết chơi trận thật, nhưng vì thiếu kinh nghiệm nên loạn là đương nhiên.
Có thể nói sự loạn này là một dàn đồng ca được hợp xướng bởi cả 2 bên: Bộ Giáo dục và thí sinh.
Còn các trường thì ngơ ngác.
Họ đã không được nắm giữ và chơi vai trò đáng lẽ phải là nhạc trưởng của mình. như là ở Mỹ và Singapore chẳng hạn.
Người ta nói tới chuyện rút nộp hồ sơ đại học theo nguyện vọng của thí sinh hiện nay như là trò chơi chứng khoán vậy. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Đúng là bởi câu chuyện ngành và trường cần được làm lại: không phải một trường có thể nộp 4 ngành mà cần phải 1 ngành được nộp nhiều hay tất cả các trường.
Tức là thí sinh cần được chọn ngành trước khi chọn trường.
Tuy nhiên điều đó là chưa đủ vì suy cho cùng nó cũng chỉ mang tính chất vật lý mà thôi. Gốc gác của vấn đề là làm sao thí sinh phải được trợ giúp để tìm được ngành phù hợp và vai trò độc lập tự chủ của các trường trong việc tìm học sinh đúng và tốt nhất cho mình. Một khi 2 bên này tiến sát được với nhau và gặp nhau được thì cảnh tuyển sinh hỗn loạn như mấy hôm nay đã không xảy ra. Và lúc đó ta chẳng cần chỉ trích ca thán các sếp giáo dục làm gì cả.
Tại Mỹ hệ thống Common App là một cơ chế cực hiệu quả được tạo ra bởi chính các trường mà thí sinh chỉ cần khai và nộp online duy nhất một bộ hồ sơ và nó đến được với tất cả các thành viên của khối liên minh Common App này. Công nghệ thông tin trong trường hợp này phục vụ con người vô cùng đắc lực trong việc lọc và tuyển được học sinh phù hợp với trường của mình.
Trong khi chưa thể tạo ra các kỳ thi độc lập của bên thứ 3 để thí sinh có thể thi bất kỳ lúc nào, miễn là thấy đủ khả năng, thì Bộ Giáo dục của ta cần học tập Mỹ trong trường hợp này : giao quyền cho các trường tạo ra một hệ thống Common App tương tự như Mỹ.
Vòn 2 điều nữa cần làm để xóa bỏ sự hỗn loạn trên trận địa giáo dục vào đại học này:
1. Phân nhánh học sinh vào đại học và cao đẳng nghề ngay từ sớm lúc các em kết thúc lớp 10 hay lớp 11. Chỉ những em học sinh giỏi (30 %) nên học nốt một năm trung học phổ thông và sau đó theo đuổi con đường vào đại học (theo ngành ). Số còn lại (70% và chiếm phần lớn) nên được phân luồng vào học nghề tại các cao đẳng nghề. Tức là đại học không phải là con đường duy nhất bước vào đời của các em.
2. Cần gấp rút thành lập bộ phận tư vấn và hướng nghiệp cho các em vào đại học tại tất cả các trường trung học phổ thông. Đây là các thầy cô có kinh nghiệm và hiểu biết trong nhà trường, sát cánh với các em và hiểu các em hơn chính bản thân các em hiểu mình.
Lúc đó thì tự khắc các vấn đề mà chúng ta đang gặp hiện nay về bản chất chỉ là các khó khăn cơ học mà thôi.
Và không nhất thiết phải khóc hay chỉ trích ai cả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét