(TBKTSG Online) - Chắc chắn người dân Thủ đô và cả nước sẽ không đồng loạt phản đối nếu chính quyền Hà Nội chỉ đốn bỏ những cây có nguy cơ gãy, đổ do sâu mọt, có thể gây tai nạn cho người và làm hư hỏng tài sản xe cộ lưu thông trên đường, thay vào đó bằng những cây khác được các nhà khoa học xác định là phù hợp với điều kiện khí hậu và đất đai của Hà Nội.
Nhưng Hà Nội đã chặt bỏ cả những hàng cây tươi tốt, khỏe mạnh. Hành vi này có dấu hiệu vi phạm Nghị định số 64/2010/NĐ-CP, ngày 11-6-2010 của Chính phủ.
Người dân và các phương tiện truyền thông phản ứng là lẽ đương nhiên, nhưng chính những phát biểu thiếu thận trọng, né tránh và đùn đẩy trách nhiệm của các quan chức trước ý kiến của người dân đối với sự việc này đã như đổ thêm dầu vào lửa, làm cho cuộc khủng hoảng truyền thông thêm gay gắt!
Không ít người cảm thấy “sốc” trước lời phát biểu của Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Đăng Long: “Bây giờ chỉ có chuyện trồng cây mà phải hỏi ý kiến dân! Tôi hỏi thế đất nước bây giờ động đến cái gì đi hỏi dân thì bầu ra chính quyền làm gì” (Vietnamnet 17-3-2015). Trong khi đó, xuất hiện trước đông đảo báo giới, Phó Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho rằng chính "sự nôn nóng của các nhà tài trợ, thông tin thiếu minh bạch của đơn vị triển khai" là nguyên nhân dẫn đến sự không đồng tình này! Những ý kiến sau đó của các nhà tài trợ trên báo chí cho thấy phát biểu đổ vấy trách nhiệm cho nhà tài trợ của đại diện UBNDTP Hà Nội là không đúng, các doanh nghiệp chỉ tài trợ cho việc trồng cây chứ không ai chi tiền cho “lâm tặc” và họ cũng không đòi hỏi phải được quảng cáo trong dự án này. Sự phẫn nộ của công chúng lên tới đỉnh điểm là thế nhưng Phó giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Nam Sơn, người phụ trách trực tiếp đề án cải tạo, thay thế cây xanh lại cho rằng kiểm điểm làm rõ trách nhiệm chưa hẳn là đã có khuyết điểm! (Báo điện tử Infonet 23-3-2015).
Đáng ngạc nhiên là vụ việc chặt cây thu hút sự quan tâm của cả nước và cả báo chí nước ngoài, gây hậu quả xấu thấy rõ nhưng lại chưa thấy các vị lãnh đạo cao nhất Thủ đô Hà Nội lên tiếng nhận trách nhiệm. Trách nhiệm của người đứng đầu đã để xảy ra vụ việc không tốt trên địa bàn do mình phụ trách. Chợt nhớ đến câu chuyện bạo lực học đường làm nóng dư luận thời gian gần đây đã phần nào lắng dịu khi Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng (Trà Vinh) xin từ chức vì để xảy ra việc nữ sinh bị đánh hội đồng ngay trong lớp học, dù thầy không phải là giáo viên chủ nhiệm. Không hề ngụy biện, ông thừa nhận: “tôi là người đứng đầu nhà trường, để xảy ra vụ việc đáng tiếc trên, tôi nhận thấy bản thân phải chịu trách nhiệm cao nhất, chứ không đổ lỗi cho ai.” (VNExpress 16-3-2015).
Ở đâu cũng vậy, làm lãnh đạo một cấp chính quyền, giữ vai trò điều hành một cơ quan quản lý hay một doanh nghiệp mọi chuyện không phải lúc nào cũng thuận lợi. Chính bản lĩnh và văn hóa của người lãnh đạo sẽ đưa đến thái độ ứng xử và cách thức xử lý tình huống.
Can đảm đối diện thực tế, dũng cảm đứng ra nhận trách nhiệm cá nhân (để có thể mạnh tay xử lý cấp dưới), khẩn trương giải quyết các hậu quả, thông tin trung thực và đầy đủ diễn biến với công chúng và báo chí, đó là các yêu cầu vô cùng cần thiết khi gặp khủng hoảng truyền thông. Riêng với doanh nghiệp thì trong những tình huống này, thái độ và cách hành xử đúng đắn lại càng quan trọng hơn vì sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khủng hoảng, thoát khỏi cuộc tẩy chay của công chúng , khôi phục tình cảm và lòng tin của người tiêu dùng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét