NLĐ - Vậy là sau hơn 8 tháng, nghi vấn về khối nhà, đất khổng lồ bất minh của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã được làm rõ.
Theo thông cáo kết luận về vụ việc nói trên của Ủy ban Kiểm tra trung ương, trong thời gian còn đương chức và khi về hưu, ông Trần Văn Truyền đã có một số khuyết điểm, vi phạm trong thực hiện chính sách nhà, đất (liên quan đến 6 căn nhà, thửa đất, biệt thự tại Hà Nội, TP HCM và Bến Tre). Những vi phạm nổi bật của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ được Ủy ban Kiểm tra trung ương chỉ ra gồm có: “biết mình không đúng đối tượng được cấp đất nhưng vẫn nhận…, thể hiện sự thiếu gương mẫu của người cán bộ lãnh đạo” (về thửa đất tại số 598B5 Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre); “thiếu tự giác, thiếu gương mẫu khi đồng thời trong 2 năm 2002 và 2003 được hưởng 2 lần chính sách về nhà, đất của nhà nước, không đúng với quy định...” (về căn nhà tại số 06 Lê Quý Đôn, phường 1, TP Bến Tre). Riêng về căn biệt thự tại xã Sơn Đông, TP Bến Tre, ông Trần Văn Truyền đã “thiếu cân nhắc và chủ quan khi xây dựng công trình biệt thự lớn trong khuôn viên đất rộng, trong khi nhà ở và đời sống nhân dân địa phương trong vùng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; gây phản cảm và tạo dư luận xấu, lan rộng trong xã hội”.
Từng là quan đầu ngành thanh tra mà bị thanh tra và lòi ra nhiều sai phạm, trước nay là chuyện hy hữu. Manh mối của vụ này xuất phát từ phát hiện, phản ánh của báo chí và dư luận nhân dân. Qua đó mới thấy quan tham không dễ “hạ cánh an toàn” một khi tai mắt quần chúng còn tinh tường; một khi các cơ quan kiểm tra, giám sát còn đầy trách nhiệm và chí công, vô tư.
Cũng phải thừa nhận rằng có phần “nhờ” sự phô trương của ông Truyền mà vụ việc bị phanh phui. Nếu căn biệt thự bề thế ở xã Sơn Đông, TP Bến Tre kia không mọc lên và ông cựu lãnh đạo ngành thanh tra biết chịu khó thích nghi với cuộc sống thanh bần, giấu đi cơ ngơi tráng lệ thì có thể đã không bị tố giác; ngược lại có khi được thêm tin yêu vì liêm khiết (!). Thế nên, dân chúng không khỏi nghi ngờ: Còn bao nhiêu quan chức, cựu quan chức tích lũy tài sản kiểu như ông Truyền mà chưa bị lộ? Ông bà ta nói “khôn cất trại, dại cất nhà”, đối với những người làm giàu bất chính mà không “dại cất nhà” thì có cách nào thanh tra, làm rõ?
Thực tế đó đòi hỏi việc kê khai tài sản phải được thực hiện thật nghiêm túc, nhất là khâu kiểm tra - giám sát phải chặt và thực chất. Song song đó, cần tiếp tục đề cao vai trò của báo chí trong việc phản ánh những dấu hiệu sai phạm.
Sau kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương, Ban Bí thư trung ương đã yêu cầu kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân ông Trần Văn Truyền và một số tổ chức, cá nhân liên quan; thu hồi những phần nhà, đất cấp sai. Những động thái này củng cố thêm niềm tin trong nhân dân về quyết tâm làm trong sạch bộ máy của Đảng và nhà nước ta; phần nào cắt đứt “tư tưởng” làm quan - hưởng lộc và hưởng lộc bằng mọi cách trong một bộ phận quan chức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét