BBC - Đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước lại một lần nữa nói xấu đồng nghiệp và lại xin lỗi, liệu đây có phải lần cuối cùng?
Nếu nhìn vào những phản ứng của ông Phước sau những lời lẽ hết sức không hay dành cho Đại biểu Dương Trung Quốc, cũng có thể đoán được rằng ông Phước không thấy mình thật sự sai và vào một ngày nào đó nếu ông lại tiếp tục xúc phạm người khác thì cũng là một điều bình thường.
Nhưng đó là điều bình thường theo một cách hoàn toàn không bình thường ở Việt Nam, đất nước ít có “tự do ngôn luận” vào loại nhất thế giới.
Tại sao ông Phước lại có thể ung dung làm những điều gần như là cấm kỵ như vậy?
Quốc hội Việt Nam trước nay ít có chuyện tranh cãi nảy lửa như nước ngoài, vì quyền của “cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất” thường bị xem nhẹ, những vấn đề mà “Bộ Chính trị” đã quyết thì Quốc hội cũng bất lực, như việc mở rộng Hà Nội hay dự án bauxite Tây Nguyên… Nên không ai cãi vã quyết liệt làm gì, chỉ tổ mang vạ vào thân.
Ấy thế mà có một người dám nhục mạ đại biểu Quốc hội khác vì nội dung trên nghị trường.
Ông Phước cho rằng đó là “tự do ngôn luận” và mình “có quyền viết blog”, nhưng ông quên rằng nếu viết để chỉ trích các lãnh đạo cao cấp thì kết cục sẽ chẳng khác gì các blogger như Điếu Cày hay Ba Sàm….
Đương nhiên ông Phước chẳng sao cả vì cái “tự do ngôn luận” của ông nhắm vào người mà lãnh đạo không thích, đúng là “tự do” thật, và “tự do theo khuôn khổ của pháp luật”.
Tiếc rằng “tự do” của ông Phước là một thứ tự do rất giống với những thứ tự do mà các dư luận viên đang làm trên mạng Internet hàng ngày.
Bất chấp lẽ phải
Điểm chung đầu tiên của đại biểu Phước với các dư luận viên là bảo vệ những thứ mà ngoài họ ra, toàn thể nhân dân Việt Nam không ai cho là đúng.
Đại biểu Dương Trung Quốc từng thắc mắc Thủ tướng có xem trách nhiệm với Đảng cao hơn trách nhiệm với dân không, Thủ tướng Dũng trả lời: "Đây là nhiệm vụ Đảng giao và tôi “không thoái thác” nhiệm vụ" - không thấy nhắc đến “dân” – người chủ thật sự của đất nước.
Đại biểu Quốc hỏi có nên mở đầu cho văn hóa từ chức không, Thủ tướng nói “tôi không biết có nghe rõ không” với hàm ý điều này là chưa từng được nghe qua và hoàn toàn xa lạ đối với mình.
Chắc chắn ông Dũng đã quên rằng ông chính là người phát biểu trong lễ nhậm chức thủ tướng: “Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay.”.
Và ông Phước ca ngợi bài phát biểu của Thủ tướng trả lời chất vấn Đại biểu Dương Trung Quốc là “hùng biện, chân thiết, khúc triết, thấu lý đạt tình”.
Tìm những chỗ nhỏ nhặt để hạ thấp
Khi mà không có lý lẽ, các dư luận viên buộc phải tìm những yếu tố nhỏ nhặt để hạ thấp ý kiến của người khác.
Khi đại biểu Dương Trung Quốc nói về sự cần thiết của luật biểu tình, nếu không có thì Việt Nam giống như một “ốc đảo dị thường”.
Đại biểu Hoàng Hữu Phước cho rằng dùng từ này là “xúc phạm người Việt và giới học thức, trí thức, có hiểu biết của toàn thể nhân loại”.
Từ ngữ ông Quốc dùng có sai hay không? Ý của ông Dương Trung Quốc ở đây, “ốc đảo” tức là một nơi khác biệt hoàn toàn với những thứ xung quanh, “ốc đảo” đứng một mình là nghĩa hay, nhưng “ốc đảo dị thường” thì là không hay rồi.
Giống như từ “đặc biệt” thường được dùng với nghĩa tốt, nhưng vẫn sẽ có ai đó vỗ ngực mình đặc biệt nhưng thật ra là đặc biệt chán, đặc biệt dở.
Theo ông Hoàng Hữu Phước thì từ “ốc đảo” là một từ mang nghĩa đẹp nên không bao giờ được sử dụng theo nghĩa xấu, vị đại biểu này nói thì nếu dùng “hoang đảo” còn được. Tiếc rằng nếu cứ đi bắt lỗi từng chữ, “hoang đảo” để chỉ nơi không có người ở.
Ngôn ngữ của chúng còn thiếu nhiều nên có nhiều trường hợp người Việt không biết phải dùng từ nào cho hoàn toàn chính xác hoặc phải dùng một từ hay một thuật ngữ mới là điều bình thường. Thế người ta mới gọi là “sinh ngữ”.
Thêm nữa từ “ốc đảo” này không phải là từ có hiểu sang nghĩa bậy hay tục tĩu nên chẳng may có dùng sai thì cũng chưa đến mức phạm tội ác nghiêm trọng như ông Phước nói.
Người Việt hay người bất cứ nước nào cũng có lúc dùng sai từ, sai ngữ pháp và người ta phê phán tùy thuộc vào mức độ sai cũng như hậu quả của nó. Sửa sai là cần thiết nhưng không phải bất cứ từ nào chưa chính xác đều phải chịu một sự chì chiết thậm tệ như thế.
Đang “hùng biện?
Đại biểu Phước cho rằng những điều ông nói là “hùng biện”. Nếu là hùng biện thì chỉ đưa ra lý lẽ để người khác tự đánh giá, không thể gọi việc nhục mạ người khác bằng những từ như “ngu muội” là hùng biện được.
Ông Phước bảo mình “hùng biện” và “tự do ngôn luận” nhưng lại nói đại biểu Dương Trung Quốc đã “hỗn láo” khi hỏi vấn đề “văn hóa từ chức” với Thủ tướng.
Cách nói, cách lập luận của đại biểu Phước nếu phân tích ra còn rất nhiều điều đáng bàn mà trong khuôn khổ của bài viết không thể nêu ra hết, nếu ai quan tâm có thể tìm đọc bài của đại biểu này để tự đánh giá.
“Tôi là người phục thiện”?
Nếu đại biểu Phước là người phục thiện thì sẽ không chuyện nhục mạ đại biểu Trương Trọng Nghĩa sau khi đã làm điều tương tự cách đây một năm.
Mới đây đại biểu Hoàng Hữu Phước còn ngang nhiên đăng lại bài viết về ông Dương Trung Quốc với lý do có bài xin lỗi thì phải để nguyên bài gây nên lý do xin lỗi. Nó giống hệt việc ta thóa mạ ai đó, xin lỗi rồi nhưng sau này gặp lại cứ nhắc y nguyên những lời thóa mạ đó ra để lại xin lỗi.
Thời điểm đăng lại bài này là trước kỳ họp Quốc hội, có lẽ để mục đích là để nhắc nhở rằng đừng ai hỏi khó lãnh đạo một lần nữa.
Những người dùng mạng Internet vô cùng khó chịu những ý kiến bất cần phải trái của các dư luận viên.
Những “cán bộ” này thực sự gây tò mò vì hành tung vẫn là một điều bí ẩn, không ai biết họ cụ thể là những cá nhân nào (vì toàn là nick ảo).
Bây giờ sự thắc mắc ấy có thể được giải đáp phần nào, những người được thuê để nói như đại biểu Hoàng Hữu Phước có thể gọi là một dư luận viên đầu đàn, tiêu biểu trong hàng ngàn dư luận viên theo con số ước tính của nhiều người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét