Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

Bộ trưởng Nội vụ: Tự "mọc" ra hơn 300 hàm vụ trưởng, trưởng phòng...

Nguyễn Dũng

Infonet - Mặc dù không có quy định cấp hàm, song trên thực tế vẫn có 329 trường hợp được các đơn vị “vận dụng” để cho hưởng chế độ, như hàm Vụ trưởng, hàm Trưởng phòng, Phó phòng.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình nêu khi đại biểu chất vấn sáng 18/11.

Hàm nhiều... không biết để làm gì?

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đề cập đến tình trạng lạm phát cấp phó và liên hệ với hiện tượng bổ nhiệm ồ ạt trước khi nghỉ hưu, chưa gương mẫu của một số lãnh đạo. Bộ trưởng tham mưu như thế nào để ngăn chặn thực trạng này?

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) nêu chất vấn về khái niệm hàm, như hàm Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng xuất hiện khá nhiều trong bộ máy nhà nước, vậy chức năng vai trò nhiệm vụ về cấp hàm trong bộ máy hành chính là gì?

Về chất vấn của đại biểu Hùng, Bộ trưởng Bình cho biết không có quy định về hàm. Tuy nhiên một số đơn vị đã vận dụng chính sách để được hưởng cơ chế. Bộ đã có công văn gửi các bộ ngành đề nghị cung cấp cán bộ được vận dụng, cho hưởng chức danh hàm từ cấp phòng trở lên.

Theo Bộ trưởng hiện có 329 công chức viên chức đang được vận dụng chức danh hàm từ cấp phòng trở lên: Hàm vụ trưởng 96 người, Phó Vụ trưởng 150, trưởng phòng 76 và phó phòng 17 trường hợp.

Theo ông Bình, Bộ Nội vụ đã thành lập tổ công tác nghiên cứu về lý luận thực tiễn, tổ chức nghiên cứu, có hội nghị hội thảo để đánh giá thực chất về việc này.

"Bội thực" cấp phó

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nêu chất vấn tình trạng lạm phát cấp phó kéo dài, làm bộ máy cồng kềnh lãng phí. Quan điểm của Bộ trưởng và giải pháp tới đây về việc này ra sao?

Từ dư luận phản ánh, đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) phản ánh thực trạng người có năng lực không vào nhà nước, nếu có vào thì ra đi ngày càng nhiều. Ngược lại người kém năng lực lại gia tăng, càng làm gia tăng thực trạng “sáng cắp ô đi tối cắp về”.

Ông Đương đặt câu hỏi: Vì sao người sáng tạo cho công việc ngày càng ít, còn người chỉ “một dạ hai vâng” lại ham muốn làm lãnh đạo ngày càng nhiều? Nguyên nhân chính do đâu và giải pháp đột phá của Bộ trưởng?

Về lạm phát cấp phó, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết đã quy định rõ số cấp phó trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Về số lượng thứ trưởng có quy định (không cứng) do đó có nhiều ý kiến nếu 1 Bộ, cơ quan ngang bộ có 4 thứ trưởng, còn nếu muốn tăng thêm thì cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến. Thủ tướng cũng chỉ đạo, Bộ Nội vụ cũng nhiều lần đề nghị “cứng” chứ không “mềm” nữa. Tuy nhiên Bộ Nội vụ đưa ra nhưng khi bỏ phiếu thì không qua được vì không tìm được tiếng nói chung.

Theo ông Bình, việc bổ nhiệm quá nhiều cấp phó cũng gây lãng phí, không gây được sự đồng thuận với xã hội. Nguyên nhân do sức ép công việc quá nặng nề cần phải có người trực tiếp được giao và do đặc thù của một số ngành cần phải có cán bộ thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao…

Ông cũng thừa nhận có một số cơ quan có quá nhiều cấp phó nhưng không xuất phát từ nhu cầu, thậm chí là do bổ nhiệm vì lý do nào đó. Giải pháp về việc này, ông Bình cho biết sẽ tiếp tục có thanh tra, kiểm tra, nếu có sai thì kiến nghị Chính phủ. 

Liên quan đến câu hỏi của ông Đỗ Văn Đương, Bộ trưởng Bình cho đây là câu hỏi rất khó. Nguyên nhân sử dụng cán bộ, công chức, viên chức chưa đúng với trình độ năng lực của từng người theo ông do cơ chế thưởng phạt chưa nghiêm, chế độ đánh giá chưa đổi mới gắn với trách nhiệm, chế độ tiền lương, chế độ tuyển đầu vào cũng chưa tuyển được người có năng lực, tâm huyệt...

Trước thực trạng này, tới đây sẽ có giải pháp đổi mới cơ chế đánh giá, như cấp trên đánh giá cấp dưới, sử dụng trọng dụng người có tài năng làm được việc. Bộ Nội vụ cũng được Chính phủ xây dựng đề án tạo nguồn.

“Chúng tôi đang xây dựng nghị định trọng dụng người có tài năng. Thực hiện chế độ miễn nhiệm, chuyển vị trí công tác, tinh giản biên chế đối với những người không hoàn thành nhiệm vụ” – ông Bình nói.
***

ĐBQH cũng chất vấn Bộ trưởng Nội vụ về phản ánh "tình trạng nhũng nhiễu, giờ thêm bệnh vô cảm của cán bộ công chức, Bộ trưởng có coi đây là căn bệnh phổ biến hiện nay hay không?"

Bộ trưởng Nội vụ cho rằng, chúng ta đòi hỏi phải có sự đồng cảm giữa cán bộ để giải quyết công việc cho người dân, cán bộ phải đặt trong hoàn cảnh người đi xin cấp GCN quyền sử dụng đất, đặt trong hoàn cảnh của bệnh nhân đi chữa bệnh…

Tuy nhiên theo Bộ trưởng, việc này cũng rất khó vì “vô cảm” thuộc phạm trù đạo đức, mà văn bản chỉ có mức độ, cấm thế này thế kia. Nên quan trọng là cán bộ công chức phải có ý thức trách nhiệm cao, thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của mình trong thực thi công vụ. Đó cũng là quy định bắt buộc, tiến tới ngăn ngừa căn “bệnh vô cảm” như đại biểu nêu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét