(TBKTSG Online) - Các cơ quan chống tham nhũng cần độc lập để không bị chi phối bởi bất kỳ cơ quan nào khác, nhưng Việt Nam lại đang áp dụng cơ chế liên ngành trong phòng chống tham nhũng! Đây là ý kiến của ông Jairo Acuna Alfaro, Cố vấn chính sách quản trị công và phòng chống tham nhũng của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP).
Trước thềm cuộc Đối thoại phòng chống tham nhũng lần thứ 13, hôm 28-10 Thanh tra Chính phủ và Bộ Tư pháp phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh, Đại diện Bộ Phát triển quốc tế Anh tại Việt Nam tổ chức hội thảo Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng.
Nhờ dân là chính!
Ông Trần Đức Lượng, Phó tổng thanh tra Chính phủ, cho biết đa số các vụ việc về tham nhũng được đưa ra ánh sáng thời gian gần đây là do người dân tố giác. Nhưng, vấn đề là con số vụ việc tham nhũng do người dân tố cáo rất khiêm tốn. Ông Lương thừa nhận cơ chế phản hồi của các cơ quan chức năng về vụ việc tham nhũng do người dân tố cáo chưa cao, người dân tố giác nhưng chưa thấy được hiệu quả của việc xử lý những vụ tham nhũng.
Theo ông Nguyễn Thanh Tú, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp, trong năm 2014, qua thanh tra, các cơ quan có thẩm quyền phát hiện 54 vụ tham nhũng với số tiền 68,5 tỉ đồng (đã thu hồi được 46,9 tỉ đồng, tăng hơn 18% so với năm 2013); lực lượng cảnh sát điều tra các cấp thụ lý 415 vụ án tham nhũng với số tiền thiệt hại trên 6.740 tỉ đồng (đã thu hồi trên 1.500 tỉ đồng, tăng hơn 14% so với năm 2013).
Số liệu trên cho thấy tỷ lệ thu hồi [tài sản tham nhũng] trên tổng số tài sản bị chiếm đoạt do hành vi tham nhũng gây ra còn chưa cao - vì chưa có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng, trong đó xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của từng cơ quan tham gia… Do đó, theo ông Tú, cần phải nhanh chóng hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy, cơ sở pháp lý, cơ chế phối hợp trong việc thu hồi tài sản tham nhũng.
Còn ông Trương Minh Mạnh, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cho rằng cần có thêm giải pháp để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm và thu hồi tài sản tham nhũng. Cụ thể, theo ông, cần tăng cường năng lực, trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng. “Phải sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan phòng chống tham nhũng theo hướng cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm tham nhũng”, ông Mạnh nói.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc thì khẳng định hệ thống pháp luật đã có nhiều quy định về vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, nhưng việc tổ chức thực hiện chưa thực sự hiệu quả, do đó cần phải hoàn thiện thêm các quy định của pháp luật về vấn đề này. “Thực tế hiện nay, pháp luật Việt Nam vẫn nặng về xử lý hình sự, về mặt hành chính và dân sự vẫn chưa được chú trọng”, ông Ngọc nói.
Độc lập hay liên ngành?
Ông Jairo Acuna Alfaro, Cố vấn chính sách quản trị công và phòng chống tham nhũng của UNDP tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam đang áp dụng cơ chế liên ngành về phòng chống tham nhũng, tuy nhiên, thách thức của cơ chế này nằm ở vấn đề điều phối cũng như phân công, phối hợp trách nhiệm giữa các cơ quan liên quan.
Theo ông, vấn đề độc lập của các cơ quan chống tham nhũng (để các cơ quan này không bị chi phối bởi bất kỳ cơ quan nào khác) là hết sức quan trọng trong chống tham nhũng. Do đó, phải tăng cường nguồn lực cho cơ quan đặc trách chống tham nhũng, tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm là phù hợp và cần thiết để cải thiện tích cực và hiệu quả trong phòng chống tham nhũng.
Một cơ quan chống tham nhũng tự chủ sẽ có đủ năng lực áp dụng các biện pháp thực thi pháp luật và hình phạt chống tham nhũng theo đúng yêu cầu pháp luật. “Luật Phòng, chống tham nhũng của Việt Nam chưa có chế tài rõ ràng, nên chưa phát huy được hiệu quả, chưa thực hiện được chức năng trừng phạt” ông Jairo nói.
Theo một số ý kiến của các đại biểu quốc tế tại hội thảo, Việt Nam cần phải có cơ quan chuyên trách và độc lập về thu hồi tài sản tham nhũng. Việc đặt cơ quan này trực thuộc [ở đâu] không quan trọng, vấn đề là phải hoạt động độc lập và họ sẽ dần tích lũy sâu được kinh nghiệm về thu hồi tài sản để hoạt động hiệu quả.
Bên cạnh đó, các đại biểu quốc tế còn có một số khuyến nghị khác đối với Việt Nam, trong đó có vấn đề duy trì và quản lý tài sản thu hồi từ vụ tham nhũng để giữ lại được giá trị của tài sản đó trước khi có những bản án, phán quyết của tòa án.
Ông Giles Lever, Đại sứ Anh tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam cần có định hướng chính trị ở cấp cao một cách rõ ràng, để có công cụ thực hiện luật pháp hiệu quả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét