Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Kiện và thách kiện

Mai Quang Hòa

LĐO - Thời con người còn ăn lông ở lỗ, luật rừng ngự trị. Kẻ mạnh dùng bạo lực giải quyết mọi tranh chấp với kẻ khác. Rồi văn minh dần, luật ra đời từ sơ khai đến hoàn thiện. Có tranh chấp người ta kiện nhau (trước già làng, hội đồng bô lão, lãnh chúa, quan, vua, hay tòa án). Các bên trong vụ kiện hoặc thừa nhận hoặc buộc phải thừa nhận phán quyết của người có quyền phân xử.

Kẻ mạnh có thể không đếm xỉa đến phán quyết của cơ quan xét xử: Nó thách thức thẩm quyền của cơ quan xét xử, tức là của tất cả những người thừa nhận thẩm quyền đó. Và hoặc kẻ yếu phải chấp nhận và dần dần kẻ bị kiện có thể lấn át và kiểm soát toàn bộ xã hội; hoặc toàn bộ phần còn lại của xã hội chống lại kẻ đó (đôi khi bằng bạo lực) và buộc nó phải theo.

Cuộc đấu tranh liên miên ấy khiến loài người nhận ra cái giá của việc giải quyết tranh chấp và từng bước hoàn thiện luật pháp và các định chế thực thi pháp luật. Đấy là một quá trình tiến hóa dài và rất quan trọng đối với sự phát triển của xã hội loài người. Đối tượng đi kiện và bị kiện không chỉ là các cá nhân mà có thể là các tổ chức nữa.

Thế giới, với tư cách là một xã hội, cũng thế. Đối tượng ở đây mở rộng ra cả các quốc gia. Nói cách khác cá nhân, tổ chức, quốc gia có thể kiện hay thách kiện nhau trên phạm vi thế giới. Có một số cơ quan quốc tế có thể đứng ra làm người phân xử (thường gọi là tòa án hay trọng tài quốc tế), và thường chúng không xử lý các vụ kiện giữa các cá nhân hay tổ chức mà chủ yếu giữa các cá nhân, tổ chức, quốc gia đối với quốc gia khác.

Nếu hai bên đều thừa nhận thẩm quyền phán xử của một tòa án quốc tế thì việc kiện có thể diễn ra theo các thủ tục bình thường (thí dụ Campuchia và Thái Lan đều thừa nhận thẩm quyền của Tòa án Công lý Quốc tế, ICJ, trong vụ tranh chấp vùng đền Preah Vihear); nếu một bên không công nhận, thì tòa án quốc tế đó không thể xử.

Nếu cả hai bên (và bên tranh chấp nào chả nói mình đúng) đều khăng khăng mình đúng và không đưa nhau ra tòa thì chỉ còn 2 khả năng: a) tự hòa giải với nhau (và kẻ mạnh luôn có lợi thế trong việc áp đặt ý mình trong việc giải quyết song phương và có khi kẻ yếu phải hoàn toàn quy phục); hoặc b) giải quyết bằng vũ lực (bất chấp việc đó bị luật quốc tế cấm hay bị dư luận quốc tế lên án). Trong trường hợp này bên yếu là bên dại nhất vì trong mọi trường hợp đều thua.

Nếu bên A khăng khăng không chấp nhận sự phán xử của tòa án quốc tế, thì bên kia, bên B có thể: (1) thách bên A ra tòa (tuy biết trước tòa không giải quyết được gì, nhưng việc bên A không dám ra tòa đã là một thắng lợi tinh thần của bên B và thế giới thấy bên B có chính nghĩa và chắc sẽ ủng hộ bên B); (2) đơn phương kiện bên A ra một tòa án quốc tế nào đó có thể xử mà không cần cả hai bên đồng ý ra tòa (không phải ICJ), tất nhiên B có thể bị rủi ro tòa phán mình thua kiện, song đời là vậy và phải chấp nhận rủi ro thôi.

Sự kiện cắm giàn khoan Hải Dương 981 nếu kiện Việt Nam chắc chắn thắng. Mặc dù cực chẳng đã mới phải đưa nhau ra tòa.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét