Một thế giới - Vụ việc công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) bất ngờ tung lực lượng tinh nhuệ, với số lượng áp đảo, kế hoạch rành mạch từ trước “đột kích” vào tiệm vàng Hoàng Mai trên đường Bùi Hữu Nghĩa, rồi phong tỏa hiện trường, ồ ạt kiểm đếm, niêm phong số vàng lên tới 559 lượng của gia chủ, tạm giữ 14.000 USD vào ngày 24.4.2014 vừa qua có thể ví như hiện tượng … sấm động giữa trời quang!
Không những bất ngờ, mà thực tế đã gây nên một cú shock làm choáng váng, lo ngại cho rất nhiều người. Đặc biệt là giới kinh doanh và những người tương đối có của ăn của để.
Ngay sau khi báo chí đồng loạt đưa tin, rất nhiều bạn bè tôi đang kinh doanh, thậm chí ngay trong giới luật sư, trong gia đình tôi đều cảm thấy có điều gì đó thật sự bất an. Thậm chí có người bi quan hơn, nói như nhìn thấy thấp thoáng ẩn hiện đâu đó bóng ma “đánh tư sản” mà Nhà nước từng áp dụng như một chính sách quản lý kinh tế.
Những người lớn tuổi hẳn không ai không biết việc sau năm 1975, rất nhiều người kinh doanh, nhà giàu đã bị chụp mũ tư sản, bị xem như kẻ phạm tội, bị tịch thu tài sản đem quốc hữu hóa… những di hại và sự ám ảnh vẫn còn mãi cho đến ngày nay.
Chỉ mãi đến những năm 1990, khi chính sách đổi mới, kinh tế thị trường được thực thi, rồi luật doanh nghiệp ra đời - mới tạo ra sự an tâm, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Rất nhiều người dân đã đưa vốn vào kinh doanh, lập ra hàng trăm ngàn doanh nghiệp, tạo ra hàng chục triệu công ăn việc làm, góp phần quan trọng nguồn thu ngân sách như những năm gần đây.
Chính điều đó cho thấy môi trường kinh doanh là rất quan trọng và cũng rất nhạy cảm. Cần phải được hết sức nâng niu, gìn giữ. Bất luận thế nào, nhà nước cũng luôn cần tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp an tâm kinh doanh.
Quả thật khó có thể hình dung giữa chốn thanh thiên bạch nhật, tại một thành phố lớn nhất nước, một tiệm vàng đang buôn bán bình thường bỗng đâu cả một đoàn công an ập tới, khám xét từ sáng cho đến tận 9 giờ đêm.
Những tưởng rằng hẳn phải là một vụ án hình sự hết sức nghiêm trọng, phải áp dụng biện pháp khẩn cấp …, ngờ đâu chỉ vì một chuyện cỏn con, có một người vào đổi 100 USD. Mà người ta không thể không nghi ngờ là một cái bẫy của công an để có cớ xông vào.
Là người có thâm niên gần 15 năm chuyên tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp, tôi đã biết rất nhiều trường hợp công an, cán bộ công chức lạm quyền, cố tình làm sai để tống tiền doanh nghiệp. Chẳng hạn như công an đòi nợ thuê, nhân viên hải quan cố tình quy kết doanh nghiệp áp mã hàng hóa sai rồi ra giá tống tiền. Hay lập biên bản khống, gài ký biên bản có nội dung không rõ ràng, vàng thật thì ghi là “miếng kim loại màu vàng” để nhập nhằng, mưu đồ chiếm đoạt…v.v... hầu hết đều là hành vi sai phạm mang tính cá nhân.
Còn ở đây, công an đột kích rất quy mô, bài bản, có sự điều hành, chỉ đạo và cho phép của cả một hệ thống chính quyền địa phương, nhân danh quyền uy, nhân danh pháp luật - thì quả là hết sức trắng trợn và nghiêm trọng. Khó hình dung nổi và hiển nhiên khiến người ta phải khiếp sợ!
Nói một cách khách quan, đã kinh doanh, thì hầu như doanh nghiệp nào, cá nhân nào cũng có thể có sai phạm. Hoặc lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để kiếm lợi nhiều nhất. Trong những trường hợp như vậy, chúng ta đã có hẳn một hệ thống pháp luật, từ hành chính cho đến hình sự, quy định rõ về quy trình, cách thức xử lý, truy tố … Tuy chưa đến mức hoàn chỉnh nhưng cũng đã khá chặt chẽ, rõ ràng, áp dụng thống nhất.
Vấn đề và trách nhiệm của Nhà nước, là phải bảo đảm được môi trường kinh doanh tuyệt đối an toàn. Có như vậy, người dân mới có được sự tin tưởng, dám bỏ vốn vào kinh doanh. Nếu người có vốn không an tâm, sợ bị cướp tài sản, sợ bị coi là tư sản, bị “đánh tư sản”, thì còn ai dám kinh doanh? Kể cả việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoại.
Có ít nhất 5 doanh nhân mà tôi quen biết đã nói với tôi là họ suy nghĩ rất nhiều về vụ tiệm vàng Hoàng Mai. Họ cảm thấy việc kinh doanh hiện nay rủi ro quá cao. Khi sự việc xảy ra không biết trông đợi vào ai. Vì đâu phải vụ nào cũng sẽ được báo chí phản ánh, bênh vực như thế. Còn chủ tiệm vàng Hoàng Mai thì trên thực tế đã bị suy sụp, đổ bệnh vì “ngón đòn” quá “độc”. Dù vàng đã được nhận lại.
Có thể nói, việc khám xét và niêm phong vàng của công an quận Bình Thạnh là sai cả về cả nội dung lẫn hình thức, có dấu hiệu lạm quyền. Việc này đã được nhiều luật sư phân tích trên các báo.
Doanh nghiệp VN hiện đang trong bối cảnh rất khó khăn. Tại cuộc họp giữa Thủ tướng Chính phủ sáng 28.4.2014 với doanh nghiệp, số liệu công bố cho thấy có tới 99,9% doanh nghiệp trong nền kinh tế thuộc loại “siêu nhỏ” - dưới 10 lao động. Điều đó cho thấy hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam là vốn ít, kinh doanh nhỏ lẻ, tự tạo ra việc làm, đưa vốn kinh doanh để nuôi sống gia đình là chính. Chính vì vậy, qua tác động của những tiếng sấm giữa trời quang như trường hợp Hoàng Mai, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh hiện tại.
Để kết thúc, tôi nhớ tới lá đơn xin tạm ngưng kinh doanh của tiệm vàng Hoàng Mai, với lý do đưa ra là “tinh thần đang bị hoảng loạn”. Quả có phần buồn cười, không đúng luật, mà sao cay đắng quá. Không cười nổi.
Thiết nghĩ bất luận Hoàng Mai có sai phạm thế nào, thậm chí có dấu hiệu phạm tội hình sự, thì cơ quan chức năng cũng không thể, không nên đối xử, xử lý theo kiểu như vậy. Trước hết là vì lợi ích của cả nền kinh tế đất nước, vì một môi trường kinh doanh an toàn mà Nhà nước đã phải dày công vun đắp suốt bao năm qua mới có được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét