(Soha.vn) - "Cơ quan chức năng cũng phải xem lại tất cả hồ sơ của cán bộ được ông Truyền đưa vào bổ nhiệm xem có minh bạch và đúng quy định không" - ĐBQH Lê Như Tiến nêu ý kiến.
Khi những thông tin về tài sản khủng của ông Trần Văn Truyền, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ chưa kịp lắng xuống thì những ngày gần đây dư luận càng “nóng” hơn với thông tin đăng tải trên báo Người Cao Tuổi về việc ông Trần Văn Truyền đã kí ồ ạt, bổ nhiệm hàng loạt cán bộ trước khi nghỉ hưu, trong đó có rất nhiều người không nằm trong quy hoạch, hoặc non kém về năng lực phẩm chất.
Trò chuyện với chúng tôi về những vấn đề liên quan đến ông Trần Văn Truyền, ĐBQH Lê Như Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) cho hay, hiện nay có hai luồng thông tin liên quan tới ông Truyền:
Thứ nhất, ông Truyền có một số biệt thự. Điều này khiến dư luận xã hội đặt ra câu hỏi là tại sao một cán bộ công chức Nhà nước lại có nhiều đất đai như thế? Và chính qua điều này, chúng ta rút ra được bài học là phải minh bạch hóa, công khai tài sản của công chức Nhà nước. Nhất là những người ở những vị trí có thể chi phối được để dư luận xã hội theo dõi, giám sát.
Phải chứng minh được nguồn gốc tài sản do đâu lại có. Có phải ông bà tổ tiên để lại không hay là do người thân tặng hoặc bất kì lý do nào đó để khối tài sản đó là minh bạch nhất.
Ông Tiến nói thêm: "Hiện nay, ông Truyền chưa đưa ra được lý do tại sao có nhiều tài khoản, đất đai, dinh thự như thế. Dù ông ấy đã về hưu rồi nhưng cơ quan chức năng phải vào cuộc để làm rõ, trả lời cho dư luận biết tài sản ấy ở đâu ra, có minh bạch không, nguồn gốc của nó như thế nào?"
Quay trở lại thông tin mà báo Người Cao Tuổi đưa về việc ông Trần Văn Truyền đã kí ồ ạt, bổ nhiệm hàng loạt cán bộ, rất nhiều người không có trong quy hoạch, hoặc non kém về năng lực, phẩm chất. Nếu đây là sự thật thì, ông Lê Như Tiến cho rằng phải xem những người mà ông Truyền kí đưa vào có đúng tiêu chuẩn không, có đủ năng lực phẩm chất thực sự không, phải xem từng trường hợp. Nếu đại bộ phận kí vào lại không đủ năng lực, phía sau đó là quan hệ, tiền tệ... thì cần phải xem rõ. Những người đưa vào không minh bạch như thế trở thành gánh nặng cho cơ quan Nhà nước.
Chính vì vậy, ông Tiến đưa ra ý kiến: Chúng ta phải có giải pháp có thể sàng lọc đưa ra khỏi biên chế, bộ máy Nhà nước những cán bộ kém năng lực, phẩm chất. Đồng thời quy trách nhiệm của ông Truyền xem có thông qua hội đồng tuyển dụng không hay cá nhân mình tự tung tự tác.
Ông Tiến nhấn mạnh: "Phải xem nguyên nhân để từ đó có biện pháp. Cơ quan chức năng cũng phải vào cuộc giống như vào cuộc với vấn đề nhà cửa, đất đai của ông Truyền. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng phải xem lại tất cả hồ sơ của cán bộ công chức được ông Truyền đưa vào bổ nhiệm. Thanh tra xem có minh bạch, công khai, dân chủ, có theo đúng quy định của Nhà nước về công tác tuyển dụng không?
Bàn về hậu quả của việc bổ nhiệm sai, ông Tiến nói: Nếu làm sai, ông Truyền sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Pháp luật có quy định rõ ai sai người ấy chịu. Về mặt Đảng viên, nếu sai, ông Truyền sẽ phải chịu trách nhiệm trước Đảng. Về mặt cán bộ công chức, tuy ông Truyền đã về hưu nhưng nếu có nhiều dấu hiệu của vi phạm pháp luật thì ông Truyền phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ông Tiến nhấn mạnh thêm: "Các cơ quan chức năng phải làm rõ những vấn đề liên quan tới ông Truyền để trả lời những thắc mắc của công luận, để giải tỏa được dư luận hiện nay về việc ông Trần Văn Truyền đã kí ồ ạt, bổ nhiệm hàng loạt cán bộ. Đặc biệt, ông Truyền từng làm Tổng Thanh tra Chính phủ, là người đem lại sự minh bạch cho xã hội, cho các cơ quan Nhà nước".
Và ông Tiến đặt ra câu hỏi: Là thanh tra nhưng nếu chính mình lại vi phạm pháp luật thì thanh tra ai được nữa?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét