Hàng loạt nhãn hiệu bia nước ngoài liên tiếp “đổ bộ” vào Việt Nam.
Việc bia tiêu thụ mạnh tại thị truờng Việt Nam là tín hiệu tốt để các doanh nghiệp trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài đua nhau đầu tư mở rộng sản xuất bia. Thêm vào đó, hàng loạt nhãn hiệu bia nước ngoài cũng liên tiếp “đổ bộ” vào Việt Nam.
Cuối năm 2013, Tập đoàn BTG Holdings (Slovakia) đã khởi công xây dựng Nhà máy Bia Tiệp, công suất 190 triệu lít/năm, tại Khu công nghiệp Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy (tỉnh Hòa Bình), với tổng vốn 86 triệu euro.
Theo kế hoạch, sản phẩm chính của nhà máy là bia Budweiser Budvar sẽ ra mắt thị trường vào cuối năm nay. Song, đây không phải là dự án bia duy nhất sẽ có sản phẩm mới ra thị trường trong năm nay.
Theo Bộ Công thương, thị trường bia Việt Nam đã hiện diện gần đủ các thương hiệu bia hàng đầu thế giới và khu vực. Lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam tăng bình quân 12%/năm trong giai đoạn 2006 - 2010 và ước tăng 13%/năm trong giai đoạn 2011- 2015.
Các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều không bỏ lỡ cơ hội chen chân vào thị trường này.
Những năm qua, các thương hiệu Heineken, Tiger, Carlsberg… gần như chiếm ưu thế ở phân khúc bia cao cấp. Song, thị trường hiện đã có sự thay đổi đáng kể, khi có thêm nhiều thương hiệu bia mới liên tiếp xuất hiện.
Điển hình là bia Sapporo (Nhật Bản) được Công ty TNHH Sapporo Việt Nam, liên doanh giữa Tập đoàn Sapporo (Nhật Bản) với Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) sản xuất tại nhà máy có công suất 40 triệu lít/năm trong Khu công nghiệp Việt Đức - Đức Hòa (Long An). Sapporo đã chiếm được gần 10% thị phần bia cao cấp ở thị trường TP.HCM trong năm 2013.
Ông Hirofumi Kishi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sapporo Việt Nam cho biết, sau khi đưa vào hoạt động giai đoạn 1 công suất 40 triệu lít/năm của nhà máy 42 triệu USD đặt tại KCN Việt Đức - Đức Hòa (Long An), hiện doanh nghiệp này chuẩn bị nâng công suất lên 100 triệu lít/năm, sau khi đã chạy hết công suất thiết kế từ cuối năm qua.
Tập đoàn Sapporo xác định Việt Nam là thị trường quan trọng bậc nhất tại khu vực Đông Nam Á, và Công ty TNHH Sapporo Việt Nam chúng tôi sẽ không ngừng nỗ lực để phát triển cùng Việt Nam và đưa thương hiệu Sapporo đến với từng người tiêu dùng”, ông Hirofumi Kishi khẳng định.
Hay gần đây nhất là sự xuất hiện của bia Sư Tử Trắng, được sản xuất từ Nhà máy Bia Phú Yên của Tập đoàn Masan… Hiện Sư Tử Trắng (ra mắt để cạnh tranh trực tiếp với Tiger) đang gây ồn ào trên thị trường bia, với nhiều chiêu quảng bá, tiếp thị ấn tượng.
Cũng là một sự lựa chọn tốt cho người tiêu dùng, ở phân khúc cao hơn là một số thương hiệu bia nhập khẩu như Corona Extra (Mexico), chai 355 ml có giá 39.000 đồng/chai; Bochka (Nga) chai 500 ml, giá 48.000 đồng/chai; DAD (Đức) lon 500 ml, 45.000 đồng/lon; bia Duvel (Bỉ) chai 330 ml giá 90.000 đồng/chai… hiện đã được các doanh nghiệp nhập khẩu về phân phối khá sẵn tại một số thành phố lớn.
Tuy nhiên, dù có thêm nhiều thương hiệu bia mới xuất hiện, song phân khúc tiêu dùng chủ lực tại thị trường bia Việt Nam vẫn đang nghiêng về các thương hiệu bia nội như Sài Gòn, bia Hà Nội…, gồm các loại bia chai, bia lon với giá khá bình dân.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, việc đầu tư phát triển của ngành bia hoàn toàn theo cung - cầu thị trường, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Trước nhiều thông tin cho rằng, sản lượng bia đạt 3 tỷ lít bia/năm, với Việt Nam là quá lớn và việc người tiêu dùng Việt Nam đã bỏ ra 3 tỷ USD cho tiêu dùng bia là lãng phí, ông Việt lý giải, thực tế, trong 3 tỷ lít bia đã tiêu thụ, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bia phải nộp thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 50%, chưa kể ngành bia còn giải quyết hàng ngàn việc làm cho người lao động.
Rõ ràng, tiềm năng của thị trường bia tại Việt Nam đang được các nhà kinh doanh trong nước và nước ngoài khai thác khá triệt để. Hành trình cạnh tranh của các doanh nghiệp giành thị phần từ phân khúc thấp đến cao không gì hơn là tạo cơ hội để người tiêu dùng thỏa sức lựa chọn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét