Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Hoa hồng có màu gì?

Đào Tuấn

() - Một scandal trong giới nghiên cứu khoa học vừa được khui ra khiến dư luận sửng sốt, khi nó trả lời cho câu hỏi lâu nay vẫn bí mật: Tỉ lệ “hoa hồng” là hơn 50% trong một nghiên cứu khoa học.

Đại ý là chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá năng lực hội nhập quốc tế của tổ chức khoa học và công nghệ Việt Nam" đã làm đơn xin trả lại đề tài.

Trong rất nhiều lý do mà TS Phạm Huyền đưa ra - theo Báo Nhân Dân, có một lý do là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH và CN - vừa nhậm chức hồi đầu 2013 - đã đòi một nửa kinh phí.

Trong đoạn băng ghi âm mà Báo Nhân Dân trích một phần, có những chi tiết khiến những người dân đóng thuế choáng váng.
Ấy là việc giám đốc trung tâm sổ toẹt, rằng: “Các nơi khác cùng lắm họ chỉ chi 40% trong tổng số đấy, còn 60% chi cho ngoại giao, đối ngoại, rồi nghiệm thu, lợi nhuận cơ quan,... kiểm toán sau này, chứ không phải chi hết tất cả...; về nguyên tắc, các nơi họ đều phải làm thế. Tức là trong phạm vi chủ nhiệm đề tài được chi 40% tất cả các vấn đề, còn lại các phần ngoại giao bên ngoài là trung tâm phải lo...”. 

Ấy là lời tự thú của chính giám đốc - như một cái lệ mà giờ ông áp dụng tại chính trung tâm của mình, rằng “viết chuyên đề mà người khác trả, chưa lần nào em được nhận hơn 4 triệu đồng cho một chuyên đề 8 triệu đồng... chưa được 50%”.

Và ấy là những lý do giải thích cho lý do “đòi” 50% kinh phí. Nào là “bảo vệ”, “hội đồng”, "đi cảm ơn", “quản lý phí”, “kiểm toán”, “thanh tra”; “đóng góp các quỹ”…

Từ bao lâu nay, các nhà khoa học đã không ngớt than vãn về chuyện họ bị buộc phải nói dối, phải “danh sách ảo, chứng từ khống”, phải vượt ải “đủ 100 chữ ký tươi” để có được đề tài.

Từ bao lâu nay, dân nghe rát tai chuyện kinh phí dành cho khoa học. Nào là nghiên cứu khoa học “không phải là trồng rau hay xây nhà”, vậy mà kinh phí dành cho những nghiên cứu chua chát, bọt bèo như là… ví dụ, như là “cầm hơi”. Rằng định mức thấp đến vô lý trong một cơ chế tài chính “buộc người ta nói dối, chấp nhận cho người ta nói dối và khuyến khích người ta nói dối”...

Chỉ chuyện hoa hồng, hoa huệ chẳng thấy nhắc đến  bao giờ, y như nó là sự cấm kỵ, là tế nhị vậy.

Tờ Nhân Dân, không tình cờ, đã dùng chữ “hoa hồng” ngay trên tít.

Có lẽ scandal “hoa hồng” cũng cho thấy ít nhất đề tài nghiên cứu về “năng lực hội nhập quốc tế của tổ chức khoa học và công nghệ” có kinh phí lên tới 2,7 tỉ đồng, tưởng như vô thưởng vô phạt, tưởng như chẳng liên quan gì đến dân chúng, hóa ra lại không phải vô ích khi “công bố ngẫu nhiên” của nó ít nhất đã cho người dân một bằng chứng, một sự thật để họ có thể lượng hóa được số tiền “hoa hồng” và về những tiêu cực trong một công trình gắn trong đó mấy chữ “nghiên cứu khoa học”.

Nếu có một đề tài thiết thực nhất, có lẽ phải là một đề tài, đại loại “hoa hồng có màu gì trong các đề tài nghiên cứu khoa học?”. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét