(TBKTSG) - Một động thái của cơ quan quản lý nhà nước được dư luận chú ý và rất hoan nghênh. Đó là việc Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) vừa chính thức “tuýt còi” Thông tư 58/2015 của Bộ Giao thông Vận tải, quy định việc đổi giấy phép lái xe từ vật liệu giấy sang vật liệu nhựa (PET). Dư luận hoan nghênh bởi lẽ, kết quả rà soát đã chỉ ra rằng, Thông tư 58 “không có cơ sở pháp lý, không bảo đảm tính thống nhất và tính hợp pháp” và “tác động tiêu cực đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân”. Ý kiến của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) nêu rõ, việc chuyển đổi các giấy phép lái xe không thời hạn hoặc đang còn thời hạn có thu lệ phí là quyền của người dân và được thực hiện khi người dân có nhu cầu. “Nhà nước chỉ nên khuyến khích và cần có cơ chế hỗ trợ thủ tục, chi phí chuyển đổi cho người dân”.
Các cầu thủ đá bóng trên sân cỏ mỗi khi bị tuýt còi thường đưa hai tay lên trời tỏ ý mình không phạm lỗi hoặc không cố tình phạm lỗi. Ở đây không hẳn như vậy, nhưng theo lời ông Tổng cục trưởng Đường bộ giải thích với VnExpress ngày 30-11, trước đây Bộ Giao thông Vận tải khuyến khích người dân đổi giấy bìa sang thẻ PET nhằm chống làm giả, thuận tiện cho quản lý nhà nước. Thế nhưng sau nhiều năm, phần lớn người dân không chấp hành khiến cơ quan này đưa ra quy định “phải thi lại lý thuyết” mang tính răn đe hơn.
Từ chỗ chỉ khuyến khích, đến chỗ đưa ra những quy định áp đặt và trái luật nhưng “mang tính răn đe hơn” đối với người dân, thiết nghĩ không thể không đặt dấu hỏi về ý thức của một số công bộc trong bộ máy mang danh kiến tạo và phục vụ.
Thông tư 58 được ban hành cách nay đã hơn một năm, được triển khai rầm rộ khắp cả nước với con số ước tính hàng chục triệu giấy phép lái xe (cả ô tô và xe gắn máy) phải cấp, đổi mới. Chính Bộ Giao thông Vận tải cho biết, theo báo cáo của các địa phương, đến nay cả nước đã chuyển đổi xong 95% giấy phép lái xe ô tô sang thẻ PET, chỉ còn khoảng 300.000 giấy phép lái xe đang chờ được đổi xong trong năm nay theo lộ trình quy định. Sự thể coi như chuyện đã rồi, nhưng hậu quả lãng phí, tốn kém về thời gian, tiền bạc cho người dân và gây không ít xáo trộn đời sống xã hội, ai sẽ chịu trách nhiệm đây?
Trên báo Tuổi Trẻ ngày 2-12, ông Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) giải thích lý do “tuýt còi” chậm là vì thông tư này sau khi được ban hành một thời gian khá lâu thì cục mới nhận được bản do Bộ Giao thông Vận tải chuyển sang theo quy định. “Để ra được kết luận, chỉ được những điểm bất hợp lý, những nội dung không đúng quy định của pháp luật, phải có thời gian. Khi xem xét thấy có sai sót, cục đã có ý kiến trực tiếp với các đơn vị chức năng của Bộ Giao thông Vận tải. Còn kết luận chính thức vừa rồi mới có chứ không phải vừa rồi mới kiểm tra”. Ông cũng giải thích thêm: “Lực lượng làm công tác kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp rất mỏng trong khi lượng văn bản ban hành của các bộ ngành, địa phương rất lớn”. Tóm lại, có hai lý do là chậm nhận được văn bản, và lực lượng làm công tác kiểm tra văn bản rất mỏng.
Việc thực hiện Thông tư 58/2015 nếu gây ra hậu quả xấu thì cơ quan ban hành phải có hướng khắc phục. Đó là điều hiển nhiên, song cũng chỉ với trường hợp đơn lẻ. Muốn khắc phục một cách căn cơ toàn diện và hiệu quả những yếu kém của bộ máy hành chính công nói chung, cần phải thay đổi cơ bản về cơ chế cũng như về quan điểm, mà mục Ý kiến vừa đặt vấn đề xác đáng trong bài Người nhận lương tăng mạnh, ngân sách nào chịu nổi trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn số ra ngày 1-12-2016.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét