Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2016

Trung Quốc thuê 20% chiều dài bờ biển Campuchia trong 99 năm

HỒNG THỦY

(GDVN) - Cảng nước sâu này chỉ cách khu vực tranh chấp trên Biển Đông vài trăm km, có thể giúp Trung Quốc kiểm soát các hoạt động vận chuyển, đánh bắt cá, sản xuất...

American Thinker ngày 1/12 đưa tin, Trung Quốc đang xây dựng một cảng nước sâu chiến lược tại Campuchia trên vịnh Thái Lan. 

Tờ báo lưu ý, cảng nước sâu này chỉ cách khu vực tranh chấp trên Biển Đông vài trăm km, có thể giúp Trung Quốc kiểm soát các hoạt động vận chuyển, đánh bắt cá, sản xuất năng lượng và thậm chí là du lịch hàng không ở một cửa ngõ giao thông đông đúc nhất thế giới.

Một công ty Trung Quốc có liên kết với quân đội nước này đã xây dựng sắp xong một cảng nước sâu trải dài 90 km trên bờ biển Campuchia. Cảng nước sâu này đủ lớn để đón các tàu du lịch, tàu vận tải hoặc tàu hải quân trọng lượng 10 ngàn tấn.

Đáng lưu ý, với dự án này Trung Quốc hiện đang kiểm soát hơn 20% chiều dài bờ biển Campuchia.

Trước đó trong tháng 9, báo Financial Times nhận định, Trung Quốc đang lặng lẽ đưa Campuchia vào vòng tay quân sự, ngoại giao của mình, như một phần của nỗ lực dập tắt sự phản đối trong khu vực với yêu sách bành trướng lãnh thổ, hàng hải trên khắp châu Á.

Cảng nước sâu Trung Quốc đang xây dựng ở Campuchia sẽ là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy Trung Quốc trở thành sức mạnh hàng hải chủ yếu ở châu Á.

Dự án xây dựng cảng nước sâu này tổng trị giá 3,8 tỉ USD, trải dài trên 90 km bờ biển, chiếm 20% tổng chiều dài bờ biển Campuchia được Trung Quốc thuê lại trong 99 năm.

Tập đoàn Phát triển Thiên Tân (UDG), một công ty liên kết với quân đội Trung Quốc thực hiện dự án này. Nó được giới chức cấp cao quân sự và chính trị Trung Quốc đặc biệt quan tâm.

Lễ ký kết đầu tư của UDG vào dự án này được chủ trì bởi ông Trương Cao Lệ, một trong 7 thành viên Thường vụ Bộ chính trị, Phó Thủ tướng.

Ông Geoff Wade, một chuyên gia về châu Á từ Đại học Quốc gia Australia nhận định: cảng nước sâu đang xây dựng tại Campuchia có thể chứa hầu hết các tàu khu trục và chiến hạm khác của hải quân Trung Quốc.

Đó là một phần trong mạng lưới các cảng Trung Quốc đầu tư ở châu Á, đặc biệt là ở Sri Lanka, Pakistan, Myanmar, Bangladesh, Thái Lan và Indonesia.

Wade tin rằng, những hải cảng này đóng vai trò vô cùng quan trong trong việc theo đuổi mục tiêu thống trị khu vực.

Chheang Vannarith, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược Campuchia cho rằng, Bắc Kinh đặc biệt quan tâm đến vị trí chiến lược của Campuchia trong ASEAN cũng như trong khu vực sông Mê Kông, giáp Biển Đông.

Đó là sân sau quan trọng nhất cho các tính toán chiến lược của Trung Quốc. Đối với họ, muốn gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc thì phải tăng cường sức mạnh ở đó. [2]

Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Campuchia

American Thinker dẫn lời ông Phay Siphan, người phát ngôn Chính phủ Campuchia nhận định: "Nếu nói về tiền, Trung Quốc là số 1.

Sức mạnh của Trung Quốc ngày càng tăng. Chúng tôi chọn Trung Quốc vì đầu tư không đi kèm điều kiện. Còn đầu tư của phương Tây luôn có tệp đính kèm. 

Họ nói chúng tôi phải tốt lên về dân chủ, chúng tôi phải tốt lên về nhân quyền."

Người Trung Quốc hiện diện ngày càng nhiều trên đất nước Chùa Tháp, đi theo các dự án "đổi đất lấy hạ tầng".

Theo Trung tâm Nhân quyền Campuchia, từ năm 1994 đến 2012, đã có 4,6 triệu ha đất được Campuchia cho Trung Quốc thuê trong 99 năm mà mỗi ha chỉ đáng giá vài đô la Mỹ.

Lao động Trung Quốc được đưa sang theo những dự án này, xong việc thì họ không quay về nước.

Riêng diện tích đất nông nghiệp Campuchia bị người Trung Quốc thuê đã lên tới 2,14 triệu ha, chiếm hơn một nửa diện tích đất canh tác của quốc gia này.

Với rất nhiều dự án quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng ở Campuchia được thực hiện bởi nhà thầu Trung Quốc, một lượng lớn người nhập cư Trung Quốc đang sắp xảy ra. [1]

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.americanthinker.com/articles/2016/12/china_builds_deep_water_seaport_in_cambodia_on_the_gulf_of_thailand.html

[2]https://www.ft.com/content/15be8286-6f94-11e6-9ac1-1055824ca907

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét