BBC - Tự do báo chí hay tự do thông tin, trong đó có quyền hoạt động của báo chí tư nhân là một trong những quyền cơ bản nhất của con người.
Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam (VN) đã ký cam kết thực hiện quy định:
"Mọi người đều có quyền giữ vững quan điểm chính trị mà không bị can thiệp. Mọi người đều có quyền tự do thể hiện; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt thông tin và ý tưởng của tất cả các loại, không kể biên giới, bằng miệng, bằng văn bản hoặc ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác của sự lựa chọn của mình.“
Chỉ có những quốc gia tàn bạo thì mới cấm đoán quyền ấy. Và liệu tự do báo chí ở Việt Nam hiện nay có thua cả thời phong kiến, thực dân?
Ngay từ thế kỷ thứ 13, trong Đại Hiến chương của Vương quốc Anh đã có quy định về tự do ngôn luận.
Năm 1740, vua Pháp cũng đã ban thánh chỉ cho phép nhân dân có quyền tự do ngôn luận, báo chí tư nhân được xuất bản và người dân còn có thể châm biếm nhà vua.
Tại Việt Nam, thời phong kiến và thực dân Pháp cai trị, năm 1865 đã có báo chí tư nhân, đầu tiên là tờ Gia Định báo.
Thời chính quyền Việt Nam cộng hòa từ vĩ tuyến 17 trở xuống miền Nam Việt Nam, báo chí tư nhân đương nhiên hoạt động vì các chính thể này đã ý thức được rằng chỉ có những kẻ tàn bạo và man rợ thì mới dám cướp đoạt quyền đương nhiên này của con người.
'Là một tội ác'
Khi chỉ chọn ngày kỷ niệm Ngày Báo chí Việt Nam là 21/6, ngày ra đời tờ báo cộng sản đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1925 và từ năm 2000 lại đổi thành 'Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam', nhà cầm quyền rõ ràng đã ngang nhiên "bắn súng lục vào quá khứ“.
Tất cả những gì không cộng sản, báo chí không làm cái loa tuyên truyền cho Đảng thì không được phép tồn tại dù đó là sự thật lịch sử!
Vì thế, năm nay kỷ niệm 90 năm ngày 'Báo chí cách mạng VN', với người Việt Nam thì chỉ là kỷ niệm đớn đau đã 90 năm dân Việt Nam bị cướp đoạt quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Đảng, Quốc hội và chính phủ Việt Nam luôn là kẻ thù của báo chí tư nhân và tự do ngôn luận. Ngay trong năm 2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định không thể có báo chí tư nhân ở Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Sơn cũng đã nhiều lần nói về điều này. Bộ này còn chuẩn bị một văn bản dưới luật để chấm dứt ngay cả những liên kết của tư nhân bỏ vốn ra làm báo dưới sự quản lý của những tờ báo "quốc doanh“ sặc tính Đảng.
Dự thảo Luật báo chí năm 2015 để trình Quốc hội thông qua vào cuối năm nay đã kiên quyết không cho phép thành lập báo chí tư nhân.
"Tuy nhiên, cho đến lần sửa đổi này, dự thảo Luật Báo chí vẫn chưa thừa nhận báo chí tư nhân. .. Đáng tiếc dự thảo luật lần này không những không đưa ra được quy định điều chỉnh tình trạng nói trên mà còn tăng thêm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và chi phí xã hội bằng quy định tại điều 7 về việc lập Quỹ hỗ trợ phát triển báo chí…“, trích tham luận của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết tại Hội thảo tham vấn chuyên gia về dự thảo Luật Báo chí, ngày 10/7/2015.
Dự thảo nói trên đã vi hiến và còn tệ hơn Luật Báo chí hiện hành vốn đã đầy tai tiếng về bóp nghẹt tự do báo chí.
Việc vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Việt Nam, trong đó có hành vi "vi phạm quyền tự do tư tưởng, xúc phạm lương tâm con người, cấm tự do báo chí , tự do chính trị, độc tôn, độc quyền độc đảng" chính là một trong những tội ác chống lại loài người theo tiêu chí của Nghị quyết 1481 của Hội đồng Nghị viên của Ủy hội Châu Âu gồm 48 quốc gia.
Thiết nghĩ không có lý do gì để nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục ngang nhiên cưỡng đoạt quyền tự do báo chí của người dân qua hình thức quản lý tinh vi là cấm đoán báo chí tư nhân.
Có quyền khởi kiện
Mọi người dân Việt Nam đều có quyền khởi kiện nhà cầm quyền Việt Nam ra tòa án Việt Nam và tòa án quốc tế về hành vi vi phạm Hiến pháp, vi phạm Luật báo chí cũng như vi phạm quyền con người mà một trong những hình thái tinh vi của việc đó là cấm đoán báo chí tư nhân.
Nếu Việt Nam vẫn tiếp tục cấm đoán báo chí tư nhân, Việt Nam không thể đủ tiêu chuẩn tối thiểu để vào Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình dương (TPP).
Và người Mỹ, cũng như dư luận Mỹ, cũng như chính phủ, công luận ở các quốc gia khác đang quan tâm gia nhập TPP cũng cần biết điều này.
Nếu Việt Nam muốn vào TPP, một điều mà nhóm lợi ích tham nhũng cũng đang rất khao khát, thì buộc phải đưa việc thừa nhận báo chí tư nhân vào trong Luật báo chí sửa đổi và trong các văn bản luật khác.
Trong Luật đó cũng phải có quy định về tội cấm đoán, ngăn trở, xâm hại quyền tự do báo chí của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào lợi dụng danh nghĩa của việc quản lý báo chí để sai khiến, cấm đoán, bảo kê, bưng bít thông tin báo chí.
Những điều luật này phải có hiệu lực ngay lập tức khi thông qua, để không bị những văn bản dưới luật ngăn cản.
Và để đảm báo công bằng trong quản lý và hoạt động báo chí, Quốc Hội Việt Nam cần ban hành điều luật xóa bỏ bao cấp trong báo chí dù bằng hình thức tiền ngân sách hoặc cho phép độc quyền lĩnh vực, bảo kê, tài trợ v.v... để mua báo bằng tiền thuế của dân.
Treo trên nút bấm
Nếu Việt Nam muốn Mỹ và các nước công nhận là nền kinh tế thị trường, điều mà thực ra nếu được công nhận trong thời điểm hiện nay thì sẽ là một tranh cãi lớn, thì trước hết, cần tư nhân hóa báo chí một cách triệt để.
Khi đó, cơ quan nhà nước sẽ chỉ quản lý báo chí theo luật và Hiến pháp.
Sẽ tiết kiệm được một số tiền khổng lồ cho người dân Việt Nam đầu tư vào phát triển.
Khi đó đội ngũ hành nghề báo chí bao cấp, Tuyên huấn, Tuyên giáo… và tư tưởng Mác - Lê cùng Hồ Chí Minh… sẽ có việc khác tử tế hơn để sống, thay cho công việc lâu nay của họ là chỉ vì miếng ăn và sợ hãi mà phải 'dối trá', nói và làm điều 'đi ngược với lòng mình', hay làm những việc có thể bị coi là 'thiếu lương thiện', gây hại vô kể cho xã hội, cản trở phát triển.
Rõ ràng là rất khó, nhưng lại quá dễ vì chỉ ở một câu nói thôi và treo trên đầu lưỡi nhà cầm quyền Việt Nam, trên đầu ngọn bút, nút bấm của Quốc Hội Việt Nam.
Liệu Quốc Hội dám nhận lãnh trách nhiệm lịch sử này, mở cửa đột phá, hay lại tiếp tục 'đá quả bóng' của nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác, do e ngại Đại hội Đảng 12 vẫn chưa diễn ra?
Gần trăm năm đã qua đi, nhà cầm quyền Việt Nam không thể tiếp tục những hành vi tội ác chống lại loài người đang bị hầu hết thế giới lên án như vậy.
Cuối cùng, nhân đây, thiết nghĩ cũng nên nhắc lại lời mà Giáo sư Nguyễn Huệ Chi và Tiến sĩ Nguyễn Quang A, những người đã tham gia biểu tình ủng hộ quyền tự do báo chí ở Việt Nam đã đưa ra trong tuyên bố trên truyền thông quốc tế đầu năm 2015, điều mà tôi nghĩ rất hợp lẽ công bằng.
“Chúng tôi quyết liệt phản đối kẻ nào muốn chống lại nền báo chí tự do bằng bất cứ hành vi đê mạt nào và ở bất cứ địa điểm nào trên thế giới và giành tiếng nói tự do cho thế giới văn minh”, hai ông Huệ Chi và Quang A nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét