VNN - Lãnh đạo TQ đang tìm cách kiểm soát sự thái quá của ba thập kỷ bùng nổ kinh tế, gây ra tình trạng sản xuất quá tải và một khoản nợ đe dọa đà tăng trưởng tiếp theo của đất nước này.
Giới chức Trung Quốc đang “đánh đu” trong cách thức kích thích nền kinh tế khi cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) ở mức mạnh nhất kể từ đầu cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Quyết định này được đưa ra vài ngày sau khi có báo cáo cho thấy tăng trưởng kinh tế của nước này ở mức chậm nhất trong 6 năm trở lại đây.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cho biết từ ngày 20/4, tỷ lệ RRR được giảm 1%. Đây đã là lần giảm thứ hai trong năm 2015, đưa RRR xuống còn 18,5%, mức thấp nhất của Trung Quốc kể từ năm 2012, song con số này vẫn còn quá cao so với chuẩn quốc tế.
Động thái trên của PBoC cũng giống như của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ). Quyết định cắt giảm mới sẽ cho phép các ngân hàng thương mại nước này đẩy mạnh hoạt động cho vay, giúp “giải phóng” khoảng 1.200 tỷ nhân dân tệ (đương đương 194 tỷ USD) vào nền kinh tế.
Quyết định trên thể hiện cam kết của Thủ tướng Lý Khắc Cường hồi tháng trước là sẽ can thiệp nếu sự suy giảm kinh tế ảnh hưởng xấu đến công ăn việc làm. Tuần trước, Thống đốc PboC Chu Hiểu Xuyên cũng đã úp mở rằng Trung Quốc vẫn còn khả năng hành động.
Nhận định về việc này, ông Stephen Jen, đồng sáng lập Quỹ đầu cơ SLJ Macro Partners LLP (có trụ sở tại London, Anh), từng là giám đốc phụ trách nghiên cứu tiền tệ của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, cho rằng: “Quyết định nới lỏng của PBoC thực ra là để tự vệ”. Theo ông Jen, dòng vốn liên tục bị chuyển ra bên ngoài dẫn tới một sự thu hẹp về tiền tệ căn bản của Trung Quốc. Để đối phó với tình trạng này, PBoC cần hành động để tăng tiền theo cấp số nhân.
Quyết định cắt giảm RRR sẽ bổ sung cho chính sách nới lỏng tiền tệ của PBoC cũng như của khoảng 30 ngân hàng trung ương khác trên thế giới trong năm nay, khi các nhà hoạch định chính sách đương đầu với nguy cơ lạm phát thấp kỷ lục.
Tăng trưởng chậm
Tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt 7% trong 3 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm 2014, và là mức thấp nhất kể từ năm 2009. Trong khi đó, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 3 cũng chỉ tăng ở mức thấp nhất kể từ tháng 11/2008. Dự trữ ngoại hối giảm kỷ lục trong quý I/2015, khiến người ta đồn thổi về khả năng PBoC bán cổ phiếu để giúp đồng nhân dân tệ trong bối cảnh tiền đang “chảy” ra ngoài Trung Quốc.
Tân Hoa Xã ngày 20/4 dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Lâu Kế Vĩ cho biết: “Dù nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với sức ép tăng trưởng giảm, chính phủ Trung Quốc có đủ công cụ chính sách để đối phó”. Ông khẳng định: “Trung Quốc có khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đặt ra là 7%”.
Thủ tướng Lý Khắc Cường và Chủ tịch Tập Cận Bình đang tìm cách kiểm soát sự thái quá của ba thập kỷ bùng nổ kinh tế, từng giúp hàng triệu người thoát nghèo nhưng cũng gây ô nhiễm cho bầu trời và các con sông ở quốc gia này, đồng thời gây ra tình trạng sản xuất quá tải và một khoản nợ đe dọa đà tăng trưởng tiếp theo của đất nước. Bên cạnh đó, tình trạng tham nhũng đang “hãm phanh” tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.
Các động thái nới lỏng
Hồi đầu năm nay, các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra một chương trình trị giá 1.000 tỷ nhân dân tệ, cho phép các chính quyền địa phương bán trái phiếu để thay thế các khoản cho vay của ngân hàng trong thời gian khủng hoảng tài chính năm 2008-2009. Tờ Wall Street Journal dẫn các nguồn tin đáng tin cậy cho biết PBoC dự định cho phép các ngân hàng sử dụng các trái phiếu này để bù lại lãi suất thấp, các khoản vay có thời hạn ba năm, nhằm đổ tiền vào các lĩnh vực như nông nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bà Wang Tao, Giám đốc kinh tế của Trung Quốc tại Tập đoàn UBS Group AG ở Hong Kong, cho biết chính phủ sẽ mở rộng và tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và hàng hóa công, và việc này do các ngân hàng chính sách trang trải. Bà nhấn mạnh đến vai trò ngày càng tăng của Ngân hàng phát triển Trung Quốc (CDBC) - ngân hàng chính sách lớn nhất nước này.
Trong số các bước đi mà PBoC đã tiến hành nhằm thúc đẩy cho vay có một chương trình tín dụng ngắn hạn mang tên ưu đãi cho vay trung hạn, thông qua đó 370 tỷ nhân dân tệ đã được giải ngân trong quý I.
Chi tiêu cho cơ sở hạ tầng
Ông Larry Hu, giám đốc kinh tế Trung Quốc của công ty chứng khoán Macquarie ở Hong Kong, cho rằng: “Các nhà hoạch định chính sách đang rất lo lắng”. Ông dự báo lãi suất sẽ được cắt giảm trong vòng một tháng tới, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng sẽ tăng và các quy định mua nhà sẽ được nới lỏng hơn nữa.
Theo quy định mới, tỷ lệ RRR giảm thêm 1% đối với các thể chế tài chính ở nông thôn, 2% đối với Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp và giảm 0,5% nữa đối với các ngân hàng có cơ cấu cho vay đáng kể cho nông nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ. Theo các chuyên gia kinh tế của tờ Bloomberg, các khoản cắt giảm thêm này khiến quyết định của PBoC “mang hơi hướng cải cách”. Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng chậm và các doanh nghiệp nhỏ thường dễ gặp nguy cơ nhất, cũng dễ hiểu khi các ngân hàng coi công ty nhà nước là “sự đánh cược” an toàn hơn. Các chuyên gia này viết: “Hơn bao giờ hết, cái giá của tăng trưởng mạnh là tiến bộ chậm trong cải cách cơ cấu”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét